Giá vàng giảm sâu, cung - cầu vẫn chưa ổn
Sau một tuần bán vàng bình ổn thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Ngân hàng Nhà nước đã kéo giảm được đáng kể khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Mức chênh lệch đã giảm sâu từ 17 triệu đồng/lượng hiện chỉ còn khoảng 6 - 7 triệu đồng/lượng.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, giải pháp này - cùng với đẩy mạnh thanh kiểm tra doanh nghiệp vàng - đã làm giảm tình trạng đầu cơ, làm giá, tăng cường minh bạch thị trường vàng.
Mặc dù vậy, diễn biến thị trường tuần này cho thấy, vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp cần theo dõi. Đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp vàng treo biển hết hàng, tình trạng người dân xếp hàng đăng ký mua vàng vẫn tiếp diễn, dù NHNN có cảnh báo là giá vàng sẽ tiếp tục hạ nhiệt… Điều này cho thấy, vấn đề gốc rễ của thị trường vàng là cân đối cung - cầu vẫn chưa được giải quyết.
Thực tế, giải pháp bình ổn thị trường mới của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy được hiệu quả, song hiệu quả mang lại một phần nhờ sự cộng hưởng của xu hướng lao dốc của giá vàng thế giới. Trong hơn một tháng qua, giá vàng thế giới đã giảm từ mức 2.450 USD/ounce vào ngày 12/4 xuống còn 2.230 USD/ounce giữa tuần này.
Tuy nhiên, xu hướng giá vàng trong nước vẫn chưa rõ ràng, nếu giá vàng thế giới bật tăng, thì rất khó nói giải pháp trên của Ngân hàng Nhà nước có còn phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, diễn biến của thị trường vàng trong nước còn phụ thuộc vào số lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước bán ra qua nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC. Nếu lượng vàng bán ra cầm chừng, ít ỏi, giá vàng sẽ tăng trở lại. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải cung ứng ra thị trường lượng vàng nhất định, mới có thể làm dịu cơn khát vàng, giữ được chênh lệch giá trong nước và giá thế giới ở mức mong muốn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố lượng vàng bán ra thị trường từng phiên, song ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục bán cho đến khi đạt được mục tiêu thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế. Do đó, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.
Theo các chuyên gia, sau khi đã đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức nhất định, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi ngay Nghị định 24/2012/NĐ-CP để quản lý thị trường vàng một cách căn cơ, hiệu quả. Đặc biệt, cần tính tới cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, đưa ra các công cụ giao dịch vàng để người dân giảm nắm giữ vàng vật chất…
Tiền sẽ bớt ẩn nấp vào vàng?
Cầu vàng trên thị trường có thể giảm tiếp
Nhìn chung, giải pháp bình ổn thị trường vàng mới của NHNN tối ưu hơn so với giải pháp đấu thầu trước đó, vì vàng được bán gần như trực tiếp cho người dân mà không qua trung gian. Nhu cầu vàng những ngày đầu NHNN bán vàng bình ổn vẫn còn cao. Tuy nhiên, nếu NHNN hạ dần giá bán vàng, đưa giá vàng trong nước tiến về tiệm cận giá thế giới, cộng thêm việc giá vàng thế giới giảm, thì cầu vàng trên thị trường có thể giảm tiếp.
- Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, giá vàng có thể còn neo cao đến hết năm nay, sau đó sẽ chững lại. Với thị trường vàng trong nước, cầu vàng không thể tăng mãi, vì thế hệ “mê vàng” sẽ giảm dần (thế hệ 8x trở về trước). Thêm vào đó, kênh đầu tư bất động sản sẽ phục hồi, kênh tiền gửi tiết kiệm cũng chứng tỏ được sự an toàn, hiệu quả… sẽ làm giảm dần sức hút của vàng.
Tương tự, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giá vàng khó có thể tăng mạnh như trước, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào quý IV/2024. Trong nước, thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, lãi suất huy động vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn khi lạm phát ổn định… cũng sẽ khiến cầu đầu tư vào vàng giảm.
Về cơ bản, cầu vàng trong nước chỉ có thể chững lại khi giá vàng thế giới không còn “lên đồng” và người dân có niềm tin với khả năng phục hồi nền kinh tế, cũng như giá trị đồng nội tệ. Một khi người dân lo ngại VND mất giá, họ sẽ lao vào đất, vào vàng. Nếu người dân thấy VND được bảo đảm, lạm phát thấp, thì dần dần sẽ gửi tiền vào ngân hàng.
“Nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng, thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.
Bên cạnh đó, việc triển khai một số giải pháp như thanh tra doanh nghiệp vàng, yêu cầu mua bán vàng phải công khai thông tin, phải có hóa đơn điện tử... cũng sẽ giúp thị trường vàng được minh bạch hóa, góp phần hạn chế việc đầu cơ, tạo cơn “sốt ảo” trên thị trường vàng.