Vàng trong nước cao hơn thế giới 8 triệu đồng/lượng, kéo tỷ giá tự do tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi giá vàng thế giới mở phiên sáng ngày 2/3 đảo chiều giảm mạnh, còn 1.723 - 1.724 USD/ounce, vàng SJC chỉ giảm nhẹ và điều đáng quan tâm là quy đổi giá vàng SJC lại cao hơn 8 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế.
Vàng trong nước cao hơn thế giới 8 triệu đồng/lượng, kéo tỷ giá tự do tăng mạnh

Sở dĩ vàng trong nước gần đây cao hơn nhiều so với giá thế giới theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam là do lượng vàng trong dân hiện nay rất lớn.

Nhưng trước các dự báo vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới nên nhiều người chưa vội bán ra, trong khi đó nguồn cung trên thị trường không còn dồi dào như trước.

Nguyên nhân là do thị trường vàng trong nước không còn được liên thông với thế giới (cấm xuất, nhập khẩu vàng). Thêm vào đó, việc dập vàng miếng của SJC cũng không còn như trước, do bị hạn chế sản xuất vàng miếng.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng này nếu kéo dài sẽ tác động đến tỷ giá USD/VND của Việt Nam nói chung vì đồng USD vẫn có sự liên thông với thị trường vàng.

Chứng khoán SSI đưa ra nhận định, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế tiếp tục giãn rộng, lên đến 7 - 8 triệu đồng/lượng gần đây khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh.

Trên thực tế, tỷ giá USD trên thị trường chợ đen cũng có xu hướng tăng vọt trong thời gian gần đây. Cụ thể, tỷ giá trên thị trường tự do sáng ngày 2/3 được bán ra ở mức 23.900 đồng/ounce.

Trong khi, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng ngày 2/3 tăng 6 đồng so với ngày đầu tuần, lên 23.151 đồng/USD. Vietcombank tăng thêm 10 đồng lên 22.900 - 23.110 đồng/USD (mua - bán).

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ cho hay, từ mấy tháng trước giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới đến 5 - 6 triệu đồng/lượng do nguồn cung khan hơn.

Thực tế, từ lâu Việt Nam không cấp phép nhập vàng theo đường chính thức, do vậy việc siết chặt quản lý đường biên và một số vụ buôn lậu vàng lớn đã bị bắt khiến nguồn cung vàng không còn dồi dào như trước đây.

Tuy nhiên, USD thị trường chợ đen tăng gần đây dẫn đến lo ngại nguồn ngoại tệ từ ngân hàng sẽ khó tránh tuồn ra thị trường tự do và không loại trừ tình trạng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.

Ông Khánh cho hay, khi giá vàng SJC cao hơn quốc tế 4 - 5 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2020, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có công văn kiến nghị gửi NHNN về việc sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung - cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng hoặc chênh lệch giá trong nước quá cao như hiện nay. Đồng thời cho phép một số đơn vị được nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng có gửi kiến nghị tới NHNN, đề xuất sửa Nghị định 24 theo hướng "cởi trói" cho doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất vàng miếng.

Tuy nhiên, phía NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống đôla hóa, vàng hóa. Theo NHNN, từ khi Nghị định 24 đi vào cuộc sống (từ năm 2012 đến nay) đã cho thấy, lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô.

Đó là giá vàng không còn "nhảy múa" như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỉ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

NHNN cho rằng, nếu như giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa, vì dù sao vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ.

Theo NHNN, chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế được thực hiện hiệu quả, thu hẹp dần đối tượng cho vay ngoại tệ theo lộ trình kết hợp với các biện pháp điều hành nhằm tăng vị thế của đồng Việt Nam, nguồn vốn bằng ngoại tệ và vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục