Tỷ giá có “sóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VND được nhận định sẽ lên giá trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tốt hơn…, dù một số thời điểm có diễn biến ngược lại như tuần cuối tháng 2/2021.
VND được dự báo sẽ lên giá từ 1 - 2% so với USD trong năm 2021 VND được dự báo sẽ lên giá từ 1 - 2% so với USD trong năm 2021

Giãn tần suất mua ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giãn tần suất mua ngoại tệ từ hàng ngày sang hàng tuần kể từ ngày 17/2/2021 sau khi tuyên bố ngừng mua ngoại tệ giao ngay, chuyển sang mua kỳ hạn 6 tháng. Thông tin này trở nên “có vấn đề” khi được công bố vào thời điểm tỷ giá có những cơn sóng nhẹ, nhưng thực tế câu chuyện không như e ngại.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, mỗi ngày có khoảng 3 - 5 ngân hàng đăng ký bán ngoại tệ và Sở giao dịch phải làm tờ trình lên lãnh đạo phê duyệt. Khi dồn lại, tập trung bán ngoại tệ một lần trong tuần, số lượt giao dịch cũng chỉ đạt 20 - 30 giao dịch, trong khi năng lực hệ thống thực hiện 50 - 70 giao dịch/ngày vẫn bình thường.

“Thay vì các ngân hàng “lắt nhắt” bán ngoại tệ cho NHNN, hôm nay 5 triệu, vài ngày sau 10 triệu, thì nay dồn lại bán một lần trong tuần. Quyết định giãn tần suất chỉ nhằm giảm thời gian xử lý hồ sơ, giấy tờ. Chỉ là khi nào NHNN thông báo không mua ngoại tệ thì mới tác động đến thị trường”, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nhận xét.

Chỉ Khi Nào NHNN Thông Báo Không Mua Ngoại Tệ Thì Mới Tác Động Đến Thị Trường.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám Đốc VIB

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn nhích tăng dưới áp lực tăng của thị trường tự do. Cụ thể, tỷ giá ngoại tệ ngày 24/2 diễn biến theo xu hướng USD trên thị trường quốc tế tăng trở lại. VietinBank tăng giá mua 13 đồng và tăng giá bán 6 đồng. Tương tự, BIDV, Techcombank, Sacombank lần lượt tăng 10, 5, 4 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức niêm yết phiên trước.

Mặc dù không được công nhận có giá trị khi phân tích diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối, nhưng biến động giá USD trên thị trường không chính thức có điểm đáng chú ý sau Tết Nguyên đán. Giá USD trên thị trường tự do có thời điểm tăng 220 đồng ở chiều mua vào và 230 đồng ở chiều bán ra, lên 23.770 - 23.830 đồng/USD.

Mặc dù vậy, ngày 24/2, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.132 VND/USD, giảm 8 đồng so với ngày hôm trước. Với biên độ 3% được quy định, tỷ giá USD mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong khoảng 22.438 - 23.826 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN giảm 8 đồng, ở mức 23.776 VND/USD trong cùng ngày.

Một trong những mối quan hệ được biết đến rộng rãi trên thị trường tiền tệ là mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa giá vàng và USD. Trên thị trường quốc tế, sau khi tăng 26 USD/ounce, giá vàng đi xuống khi thị trường lạc quan về kinh tế Mỹ. Giá vàng SJC ngày 24/2 chững lại theo xu hướng của giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 50,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC từ 6 - 7 triệu đồng/lượng. Điều này khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 220 VND/USD chiều mua vào và 230 VND/USD chiều bán ra, lên mức 23.770/23.830. Đồng thời, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng 15 VND/USD, lên 22.895/23.105 do chịu áp lực từ tỷ giá tự do và chênh lệch lãi suất VND/USD thu hẹp.

“Nhìn vào thặng dư thương mại của Việt Nam trong tháng 1/2021, cùng với quy mô xuất khẩu và khả năng hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, có thể dự báo cả năm thặng dư thương mại đạt trên 20 tỷ USD. Nhiều định chế tài chính dự báo, tỷ giá có 2 kịch bản, biến động khoảng 1 - 2% với mức 23.000 và 22.700 do Việt Nam xuất siêu và ngoại tệ sẽ về nhiều nên VND lên giá. Tôi cũng đồng quan điểm VND sẽ lên giá trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tốt hơn…”, ông Trung nói.

Dự báo thương mại vẫn thặng dư

Khi VND mạnh lên sẽ tác động như thế nào đến xuất nhập khẩu? “Chắc chắn là có, nhưng sâu hay không thì chưa chắc”, ông Trung nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích, trong 5 năm vừa qua, từ 2016 đến 2020, về tổng thể, giá trị VND so với USD đạt được sự ổn định cao với các mức biến động hàng năm chỉ khoảng 0,5 - 1,5%. Trong năm 2019, VND ổn định giá trị so với USD và đặc biệt trong năm 2020, VND đã lên giá khoảng 0,5% so với USD.

“Có một giai đoạn ngắn, VND yếu hơn trong quý I/2020, nhưng điều đó phù hợp với bối cảnh chung về tránh rủi ro trong sự biến động của thị trường tài chính”, ông Quang nói và cho rằng, về mặt lý thuyết và nhìn nhận một cách đơn giản, giá trị đồng nội tệ biến động theo hướng giảm so với một ngoại tệ khác trong một khoảng thời gian nhất định sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tại quốc gia của đồng nội tệ trong khoảng thời gian đó là một nhận định đúng. Điều này cũng trực tiếp hỗ trợ giảm áp lực thâm hụt lên cán cân thương mại.

Tuy nhiên, những diễn biến thực tế tại Việt Nam trong 5 năm vừa qua có thể đưa đến một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Cụ thể, nhìn vào tổng thể cán cân thương mại của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, thặng dư liên tục và tăng mạnh qua từng năm. Năm 2016 và 2017, mức thặng dư khiêm tốn, khoảng 2 tỷ USD, nhưng sau đó tăng mạnh lên 11 tỷ USD vào năm 2019 và 20 tỷ USD vào năm 2020, nhờ sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu (trên 8% năm 2019 và trên 5% năm 2020).

Những dữ liệu trên cho thấy, sự ổn định và lên giá nhẹ của VND không gây bất lợi cho sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu - giúp tăng thặng dư thương mại. Các phân tích sâu hơn cho thấy, yếu tố tỷ giá dường như không còn là yếu tố then chốt hỗ trợ xuất khẩu, mà thay vào đó là các yếu tố liên quan đến sự mở rộng thị trường, đối tác và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam (bao gồm cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa sản xuất, chi phí nhân công hợp lý…).

“Các dữ liệu khác từ thị trường cũng cho thấy phần tỷ trọng đóng góp lớn từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào tăng trưởng xuất khẩu tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp FDI, kỳ vọng của họ vào sự ổn định giá trị của đồng nội tệ lớn hơn nhiều so với việc trông chờ vào sự mất giá của đồng nội tệ để gia tăng lợi nhuận trong chu kỳ kinh doanh hàng năm. Sự ổn định giá trị hay lên giá đồng nội tệ chính là một bảo chứng cho giá trị đầu tư của họ trong dài hạn, giúp họ an tâm mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh”, ông Quang nhấn mạnh.

“Trong năm 2021, chúng tôi tiếp tục có nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dựa vào sự hồi phục từ kinh tế toàn cầu, sự hộ trợ mạnh mẽ từ các hiệp định thương mại đã ký kết và đặc biệt là sự bật dậy từ khó khăn của các doanh nghiệp đang sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu. Dựa vào các phân tích tình hình vĩ mô trong và ngoài nước, chúng tôi đang có dự báo VND sẽ lên giá từ 1 - 2% trong năm 2021 so với USD trong bối cảnh xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thặng dư thương mại”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục