Tỷ giá cuối năm tiếp tục ổn định

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Rủi ro đối với tỷ giá trong nước dự kiến có thể đến từ bên ngoài với tình hình dịch bệnh trên toàn cầu và kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa ngã ngũ đang được làm mờ dần…

Tỷ giá USD/VND được dự báo ổn định trong biên độ 23.175-23.200 đồng/USD. Ảnh: Dũng Minh Tỷ giá USD/VND được dự báo ổn định trong biên độ 23.175-23.200 đồng/USD. Ảnh: Dũng Minh

USD giảm giá là phù hợp với diễn biến quốc tế

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là tâm điểm chi phối diễn biến thị trường tài chính toàn cầu tuần qua. Đương kim Tổng thống Donal Trump đã vươn lên dẫn trước sau đêm bầu cử, nhưng làn sóng các lá phiếu ủng hộ qua thư sau đó đã giúp ông Joe Biden vượt lên. Tuy nhiên, ông Trump không dễ dàng đầu hàng khi tuyên bố sẵn sàng khởi kiện ra Tòa án Tối cao với những cáo buộc về gian lận kiểm phiếu. Những tưởng diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng thông qua gói kích thích tài khóa mới cho nước Mỹ, nhưng thị trường vẫn rất lạc quan.

Tại cuộc họp chính sách định kỳ ngày 5/11 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất cơ bản 0-0,25%/năm ít nhất tới năm 2023 và duy trì mua vào trái phiếu (120 tỷ USD/tháng). Cộng hưởng với tâm lý tích cực sau kết quả bầu cử, USD đã giảm giá mạnh, đẩy giá vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao. Chỉ số DXY lùi sâu về mức 92,2 (từ mức 94 cuối tuần trước), tất cả các đồng tiền đều tăng giá mạnh so với USD trong tuần qua: EUR (+1,95%), GBP (+1,61%), CHF (+1,9%), JPY (+1,25%)...

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên ở mức 23.060-23.270 đồng/USD, còn trên thị trường tự do giảm về mức 23.160-23.200 đồng/USD (tức giảm 105 đồng/USD) theo diễn biến của USD trên thị trường quốc tế. Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá thuận lợi và tỷ giá USD/VND cũng được dự báo ổn định trong ngắn hạn.

Lãi suất USD các kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn1 tuần có xu hướng đi ngang ở mức thấp từ 0,1-0,3%/năm. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 10/2020 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 15% so với giá trị giao dịch bình quân của tháng trước. Các giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần (chiếm khoảng 90% tổng khối lượng giao dịch).

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, nhìn chung, các yếu tố tác động lên lãi suất USD có xu hướng hỗ trợ sự ổn định của mặt bằng lãi suất. Cụ thể, lãi suất LIBOR USD trên thị trường quốc tế duy trì đi ngang ở mức thấp với kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tháng quanh mức 0-0,18%/năm khi Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng 10. Bên cạnh đó, thanh khoản USD trong nước dồi dào khi chênh lệch huy động - cho vay USD vẫn duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

“Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động USD ước đạt khoảng 8%, trong khi cho vay USD có xu hướng giảm nhẹ khoảng 1%”, vị lãnh đạo BIDV tiết lộ.

Nhìn về xu hướng thời gian tới, một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định, trong tháng 11 này, thanh khoản USD liên ngân hàng sẽ duy trì sự ổn định với lãi suất bình quân quanh mức 0,1-0,3%/năm kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần và 0,7-0,9/năm kỳ hạn 3 tháng khi các yếu tố tác động nhìn chung chưa có nhiều thay đổi so với tháng trước.

Bên cạnh đó, cung cầu ngoại tệ thuận lợi trong nước vẫn sẽ là điểm tựa vững chắc cho xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND trong biên độ 23.175-23.200 đồng/USD. Nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động xuất nhập khẩu và giải ngân vốn FDI dự kiến tiếp tục duy trì ở mức lạc quan, đạt khoảng 1,5 tỷ USD đối với mỗi cấu phần. Cán cân cung - cầu ngoại tệ qua đó dự kiến sẽ thặng dư nhẹ khoảng 0,5 tỷ USD.

“Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá trong nước có thể đến từ bên ngoài với khả năng dịch bệnh tiếp tục lây lan trên toàn cầu và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không thể kết thúc trong trật tự. Tuy nhiên, nhiều yếu tố vĩ mô tích cực đang khiến rủi ro này mờ dần”, nghiên cứu trên nhấn mạnh.

Và những yếu tố bất ngờ

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nêu quan điểm, thị trường đón nhận tin tốt với hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin của Pfizer cho hiệu quả phòng ngừa trên 90% sau liều tiêm thứ hai trong một tuần, đồng nghĩa với việc có thể bảo vệ khỏi virus Corona chủng mới 28 ngày sau lần tiêm phòng đầu tiên.

Theo ông Trung, đây là thông tin để xác định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu với hy vọng sẽ phục hồi và Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định và cùng thông tin tốt về vắc-xin, tỷ giá sẽ ổn định trong những tháng cuối năm 2020 và sẽ chỉ tăng trong tương lai.

Để làm rõ hơn câu chuyện này, ông Trung chia sẻ, thặng dư thương mại của Việt Nam qua các năm tăng rất tích cực, đặc biệt với hơn 17 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020 và dự trữ ngoại hối có thể đạt tới 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Thực tế, với việc tỷ giá duy trì sự ổn định khi cung - cầu ngoại tệ trong nước dồi dào, các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận bán trở lại ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước với khối lượng ước tính khoảng 0,8-1 tỷ USD trong một vài phiên vừa qua.

“Tất cả những yếu tố trên đang hỗ trợ tiền đồng và theo đó, lạm phát năm nay có thể được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn mục tiêu ban đầu là dưới 4%. Điều này có nghĩa, dư địa ổn định vĩ mô là có”, ông Trung nói.

Phân tích thêm về câu chuyện tiền đồng có thể tăng giá trong tương lai, ông Trung cho biết, do xu thế dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng, đầu tư ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những quốc gia đón nhận dòng vốn này. Theo đó, về cơ bản sẽ giúp kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, đồng Việt Nam tiếp tục tăng giá. Ngoài ra, dù ông Biden hay ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ thì cả hai vẫn sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm tiền ra ngoài thị trường để hỗ trợ nền kinh tế.

“Vậy, luồng tiền bơm sẽ đi đâu? Nhìn lại năm 2009 (năm sau khủng hoảng tài chính 2008) cho thấy, luồng tiền này yêu thích các loại tài sản tại những thị trường mới nổi, bởi đây là nơi có thể tiêu thụ hết số tiền được bơm ra. Nói một cách đơn giản hơn, bơm tiền ra không phải là để bơm tiền cho nước Mỹ và các nước Tây Âu, bởi các loại tài sàn ở những thị trường này rất đắt. Thực tế cho thấy, các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ nguồn tiền này. Ngoài ra, Việt Nam còn đón nhận luồng tiền đầu tư gián tiếp (FII), nên khả năng cao tỷ giá tiếp tục ổn định trong năm 2020, trước khi tiền đồng lên giá trong năm 2021”, ông Trung phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy nhiều chính sách của ông Biden sẽ tốt cho toàn khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, chính sách thương mại hóa toàn cầu của ông Biden sẽ khác với chính sách trước đây của ông Trump là dân túy với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên (America First)”. Do đó, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ chính sách của ông Biden.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, trong trường hợp ông Biden lên cầm quyền thì quan hệ chính trị và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hòa hoãn hơn, thậm chí có thể đi đến chấm dứt chiến thương mại. Nếu điều này xảy ra thì các hoạt động “tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Mỹ” có thể sẽ chấm dứt và làm cho con số xuất siêu vào Mỹ hay xuất siêu của Việt Nam sẽ thực tế hơn, loại bỏ được phần ảo từ tạm nhập tái xuất, từ đó tác động tích cực lên hoạt động thương mại nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Cần cân nhắc khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Xu hướng cán cân vãng lai thặng dư lớn đang tạo áp lực lên VND. Việc tiền đồng tăng giá sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu và giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nên làm giảm đà phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc VND có xu hướng tăng cũng là điều kiện thuận lợi để hạ mặt bằng lãi suất tại Việt Nam xuống ngang với lãi suất của các nước trong khu vực, mà không phải lo ngại về tình trạng “đô-la hóa”.

Lãi suất giảm sẽ bù đắp khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh tiền đồng tăng giá.

Khi nền kinh tế phục hồi, các dòng vốn đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ chảy mạnh hơn vào Việt Nam, cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư. Để tránh trường hợp Mỹ gia tăng sức ép lên Việt Nam về chính sách tỷ giá thì ngay từ bây giờ chúng ta cần cân nhắc khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích lâu dài của đất nước.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục