Vàng nguội dần khi dịch giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá vàng lao dốc mạnh nửa cuối tháng 2 vừa qua, một tín hiệu sớm cho kinh tế phục hồi khi vai trò “dự trữ cuối cùng” giảm bớt.
Kênh đầu tư vàng vẫn có sức hấp dẫn riêng Kênh đầu tư vàng vẫn có sức hấp dẫn riêng

Không dễ kiếm lời từ “sóng” vàng

Giá vàng trong nước sau khi chạm đỉnh cao nhất trong lịch sử ở mức 62 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 8/2020 (khi giá vàng thế giới lập đỉnh 2.087 USD/ounce) đã giảm sức hấp dẫn, bởi kênh đầu tư này có nhiều rủi ro. Vàng thế giới hiện được giao dịch quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce, còn vàng SJC niêm yết trên dưới 56 triệu đồng/lượng. Điều đáng nói là giá vàng trong nước đang có diễn biến trái chiều với giá vàng quốc tế, mức chênh lệch cao hơn từ 6 - 7,2 triệu đồng/lượng, khiến nhà đầu tư vàng trong nước khó kiếm lời.

Đầu tháng 8/2020, khi vàng đang trong đà tăng giá, gia đình chị Cẩm (TP. HCM) quyết định mua vào 20 lượng vàng SJC tại mức giá 61 triệu đồng/lượng. Khi giá tăng lên 62 triệu đồng/lượng, chị chưa vội hiện thực hóa lợi nhuận, bởi kỳ vọng giá sẽ tăng thêm. Nhưng sau một thời gian nắm giữ, chị Cẩm đành bán ra với mức giá 56 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 2/2021, chấp nhận lỗ.

Giới phân tích dự báo, giá vàng có thể sẽ sớm chạm mốc 2.000 USD/ounce.

Nhìn lại năm 2020, giá vàng trong nước biến động mạnh do ảnh hưởng bởi diễn biến của giá vàng thế giới. Giá vàng SJC đã tăng từ 42,6 triệu đồng/lượng vào đầu năm lên trên 62 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 8/2020.

Nếu tính mốc cao nhất trong lịch sử này, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, mỗi lượng vàng SJC đã tăng tới 20 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 47%. Thế nhưng, chỉ sau một ngày, giá vàng SJC đã trượt dốc từ vùng 62 triệu đồng/lượng xuống 56 triệu đồng/lượng và chốt năm ở mức 56,1 triệu đồng/lượng.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực vàng, có nhiều yếu tố rủi ro trên thị trường khiến nhiều nhà đầu tư trong nước không mấy mặn mà với mặt hàng kim quý này như trước, khi giá vàng SJC liên tục cao hơn nhiều giá vàng thế giới do không có sự liên thông giữa thị trường trong và ngoài nước. Vả lại, nguồn cung vàng SJC trên thị trường chủ yếu mua đi bán lại, bởi trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng để sản xuất, gia công vàng SJC.

Tại thời điểm vàng lập đỉnh lịch sử 62 triệu đồng/lượng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết, giá vàng SJC lập kỷ lục mới, nhưng nhu cầu trên thị trường không đột biến. Người dân không còn xếp hàng mua vàng. Doanh số giao dịch vàng miếng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp lớn trên địa bàn không có tăng mạnh. Thậm chí, doanh số giao dịch vàng trong thời điểm giá tăng còn giảm đáng kể so với tháng trước đó.

Rủi ro nhưng vẫn có cơ hội đầu tư

Câu chuyện của chị Cẩm chỉ là một điển hình của những người mất tiền khi đầu tư vào vàng trong năm qua. Thực tế cho thấy, ngay cả khi giá vàng lập đỉnh 62 triệu đồng/lượng, không phải ai cũng bán ra được tại mức giá này. Phần thắng vẫn thuộc về các nhà kinh doanh vàng, còn người mua nhỏ lẻ ở mức giá cao chịu thiệt.

Bởi lẽ, khi giá vàng cao, các chủ tiệm vàng kéo giãn khoảng cách mua - bán lên đến 4,7 triệu đồng/lượng, nên người dân không bán được giá cao và cũng không mua được giá thấp. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế 4 - 5 triệu đồng/lượng. Những ngày giá vàng giảm gần đây, mức chênh lệch còn lên đến 6 - 7,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đạt đỉnh mọi thời đại là 2.087 USD/ounce vào giữa tháng 8/2020, tăng 24% so với cuối năm 2019. Sau đó, giá vàng có diễn biến giảm, xuống 1.778 USD/ounce vào đầu tháng 2/2021, tương đương mức giảm gần 15%, gần đây dao động quanh mức 1.800 USD/ounce.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SJC Phú Thọ nhận định, giá vàng tăng kỷ lục trong năm 2020 không chỉ vì một nguyên nhân duy nhất nào, mà do nhiều yếu tố. Trong số này có thể kể đến lo ngại về khả năng phục hồi của doanh nghiệp về mức trước đại dịch Covid-19 và sự hỗ trợ chưa từng thấy của các ngân hàng trung ương trên thế giới làm giảm giá trị đồng tiền, đặc biệt là USD.

Áp lực từ lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cũng đè nặng lên mặt hàng vàng trong thời gian gần đây. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng từ 0,91% lên 1,39%. Mức tăng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng kỳ vọng lạm phát và lo ngại về hành động của ngân hàng trung ương.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 23/2, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell từ chối chia sẻ quan điểm về dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy, khác với thái độ tích cực của Chủ tịch Fed hồi năm ngoái.

Theo ông Powell, một số dữ liệu kinh tế dù đã tốt hơn, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế những tháng gần đây chậm lại. Vì vậy, Fed tiếp tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế và sử dụng các công cụ cần thiết để giúp kinh tế Mỹ khởi sắc sau đại dịch.

Đây là yếu tố hỗ trợ cho đồng bạc xanh. Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng tiền này so với các đồng tiền chủ chốt khác đã tăng lên 90,12 điểm trong tuần cuối tháng 2/2021, song lại khiến giá vàng giảm.

Tuy nhiên, việc Fed dự kiến duy trì lãi suất cơ bản của USD sát mức 0% cho đến năm 2023 là một trong những yếu tố được ông Hải đánh giá sẽ hỗ trợ cho mặt hàng vàng. Kim loại quý này vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trên thế giới trong thời gian tới, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc.

Trong khi đó, ông Khánh nhận định, hiện nay, nhà đầu tư không còn quá tập trung vào việc tìm kiếm “vịnh tránh bão” là vàng, nhưng cũng lo ngại về một giai đoạn lạm phát sẽ gia tăng bởi các gói hỗ trợ kinh tế trong và sau dịch bệnh Covid-19. Vì thế, kênh đầu tư vàng vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, các “cá mập” đã có dấu hiệu bán vàng, song lượng vàng bán ra không nhiều, trong khi số lượng mua vào trong 2 năm gần đây lên tới hàng ngàn tấn. Trong trường hợp giá vàng đi vào xu hướng giảm thì cũng chưa thể giảm mạnh trong một vài năm tới.

Giới phân tích vàng dự báo, giá kim quý này có thể sẽ sớm chạm mốc 2.000 USD/ounce. Tham chí, Goldman Sachs Group nâng dự báo giá vàng lên ngưỡng 2.300 USD/ounce.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục