Vàng lao dốc, chứng khoán lình xình trong phiên đầu tuần

(ĐTCK) Đồng USD tăng mạnh, cùng áp lực chốt lời khiến giá vàng lao dốc mạnh trong phiên mở đầu tuần mới, trong khi giá dầu thô đảo chiều khiến chứng khoán gặp khó.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Các quan chức Fed hôm thứ Hai cho các nhà đầu tư không có động lực để thay đổi kỳ vọng chính sách tiền tệ. Cụ thể, Tống đốc Fed Chicago, Charles Evans cho biết, ông ủng hộ việc chờ đợi, xem xét trong quyết định tăng lãi suất, trong khi người đứng đầu Fed Minneapolis, Neel Kashkari cho biết lập trường chính sách hiện nay là “đúng đắn”.

Thông tin trên cùng dữ liệu kinh tế vừa công bố tích cực giúp phố Wall tăng điểm tốt nửa đầu phiên, tuy nhiên với việc giá dầu thô quay đầu giảm mạnh đã khiến đà tăng của chứng khoán Mỹ bị chặn đứng, thậm chi Dow Jones còn đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 34,72 điểm (-0,20%), xuống 17.705,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,55 điểm (+0,08%), lên 2.058,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,05 điểm (+0,30%), lên 4.750,21 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có sự trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong khi chứng Anh đóng cửa giảm nhẹ với nỗi lo Brexit, thì chứng khoán Đức và Pháp, đặc biệt là tại Đức lại tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần nhờ kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn mới công bố.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,89 điểm (-0,18%), xuống 6.114,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 110,54 điểm (+1,12%), lên 9.980,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,57 điểm (+0,50%), lên 4.322,81 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châ Á, đà tăng giá của đồng yên so với đồng USD bị chặn lại giúp chứng khoán Nhật Bản cũng tăng giá trở lại trong phiên đầu tuần mới, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhờ đà tăng mạnh trong phiên sáng của cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tăng vọt do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng lịch sử tại Canada, ảnh hưởng đến việc khai thác các mỏ dầu cát của nước này. Tuy nhiên, đà tăng đã bị hạn chế đi rất nhiều khi chốt phiên do giá dầu quay đầu giảm.

Dù sao, chứng khoán Hồng Kông cũng đã thoát khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán Trung Quốc đại lục. Niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với các nhà đầu tư lụi dần sau dữ liệu thương mại vừa công bố, cũng như tình hình nợ xấu mà Bắc Kinh vừa công bố khiến chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải tiếp tục có phiên giảm 2,8% thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 8 tháng.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 109,31 (+0,68%), lên 16.216,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 42,23 (+0,21%), lên 20.152,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 81,14 điểm (-2,79%), xuống 2.832,11 điểm.

Dù chứng khoán lình xình và các quan chức Fed ủng hộ việc không tăng lãi suất, nhưng vàng không thể tân dụng lợi thế để duy trì đà tăng, thậm chí giá kim loại quý này còn lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần.

Giá vàng giảm mạnh bởi áp lực chốt lời lớn sau khi tăng mạnh phiên cuối tuần trước, trong khi nhà đầu tư đánh giá rủi ro khi nắm giữ vàng dài hạn. Ngoài ra, việc đồng USD liên tục phục hồi trong hơn 1 tuần qua cũng gây áp lực lớn đối với các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh. Trong phiên đầu tuần mới, chỉ số USDIndex đã có phiên tăng thứ 5 liên tiếp leo lên mức cao nhất hơn 1 tuần.

Kết thúc phiên 9/5, giá vàng giao ngay giảm 24,3 USD (-1,89%), xuống 1.263,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 23,1 USD (-1,79%), xuống 1.266,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô vẫn duy trì đà tăng tốt trong phiên sáng của châu Á nhờ những thông tin hỗ trợ từ cuộc nội chiến leo thang tại Lybia và vụ cháy rừng lịch sử tại Canada, gây gián đoán hoạt động khai thác tại nước này. Tuy nhiên, trong phiên châu Âu và đặc biệt là bước vào phiên Mỹ, giá dầu thô đã quay ngoắt 180 độ, đóng cửa giảm mạnh khi thông tin công ty nghiên cứu thị trường Genscape cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 1,4 triệu thùng, lên mức cao kỷ lục mới.

Ngoài ra, việc Bộ trường Dầu mỏ của Ả Rập Xê út bị cách chức cuối tuần qua cũng ảnh hưởng không tích cực tới giá dầu. Bởi động thái của nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC này cho thấy, ít có khả năng có việc cắt giảm, hay đóng băng sản lượng.

Kết thúc phiên 9/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,22 USD (-2,81%), xuống 43,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,74 USD (-3,99%), xuống 43,63 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục