Những tranh luận xung quanh việc Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, thường tập trung vào vấn đề hành động này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Anh. Đây là điều dễ hiểu, bởi quyết định này phụ thuộc vào người dân Anh và họ chủ yếu chỉ tập trung vào lợi ích của quốc gia mình.
Tuy nhiên, trong một cuộc chia tay, luôn có 2 phía bị tác động, trong trường hợp này, EU cũng cần xem xét tới ảnh hưởng phải chịu khi Anh rời đi.
Điều rõ ràng và thường được nhắc tới nhiều trong trường hợp Brexit, đó là EU sẽ rơi vào tình cảnh xấu chưa từng có tiền lệ: Nếu Anh rời khỏi EU, đây sẽ là lần đầu tiên khối này thu hẹp, thay vì mở rộng hơn.
Trung tâm Cải cách châu Âu (The Center for European Reform) một viện nghiên cứu với sự ủng hộ của các tập đoàn đầy quyền lực, vừa công bố một báo cáo chỉ rõ các tác động đặc biệt mà Brexit có thể gây ra với EU. Kết quả là EU không phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực như mọi người vẫn nghĩ, thậm chí, việc Anh rời đi có thể mang lại lợi ích cho sự đoàn kết của khối.
Theo đó, Anh thường là quốc gia có tiếng nói khác biệt trong các chính sách của EU. Trong giai đoạn từ 2009 – 2015, Anh nằm trong nhóm thiểu số thành viên hoặc phản đối hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với các điều luật mới, trong 13,3% các cuộc bỏ phiếu, nhiều hơn bất kỳ quốc gia thành viên EU nào khác. Mặc dù vậy, Anh vẫn là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn trong khối.
Việc Anh rời khỏi EU có thể thúc đẩy việc điều tiết lại các quy định tại thị trường tài chính khu vực, bao gồm cả thuế và quy định về phá sản. Khi đó, thiệt hại sẽ thuộc về Anh, trong khi các trung tâm tài chính khác tại châu Âu được hưởng lợi.
Đặc biệt, Anh luôn là quốc gia phản đối mạnh mẽ các chính sách tự do hóa kinh tế hơn nữa trong khối. Năm 2015, hãng tư vấn Global Counsel đã chỉ ra rằng, EU sẽ còn chịu nhiều sức ép từ Anh trong chính sách tự do hóa của mình, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của Anh.
Trung tâm Cải cách châu Âu nhận định: “Có một sự thống nhất khá lớn tại EU đối với mục tiêu dần tự do hóa thị trường hàng hóa, dịch vụ và lao động. Đa phần trong số này là các quốc gia châu Âu đang cố gắng nâng cao sức cạnh tranh của mình”.
Bên cạnh đó, việc Anh rời khỏi EU có thể thúc đẩy việc điều tiết lại các quy định tại thị trường tài chính khu vực, bao gồm cả thuế và quy định về phá sản. Khi đó, thiệt hại sẽ thuộc về Anh, trong khi các trung tâm tài chính khác tại châu Âu được hưởng lợi. Bởi mặc dù London có thể duy trì được vị trí là trung tâm tài chính quan trọng, nhưng các tập đoàn lớn hiện đang có trụ sở tại đây sẽ chuyển sang một số thành phố khác trong khu vực.
Nếu Brexit xảy ra, giới chức EU có thể thắt chặt hơn các quy định đối với London trong việc phục vụ thị trường tài chính EU, đặc biệt là đối với ngân hàng bán lẻ và giao dịch euro. Khi đó, các hoạt động kinh doanh sẽ dịch chuyển sang các thành phố châu Âu khác hoặc rời khỏi khu vực này. Việc Anh và EU cạnh tranh sẽ chỉ gây thiệt hại cho cả 2 bên.
Tác hại về kinh tế đối với EU khi Anh rời đi không hẳn quá nghiêm trọng. Nếu Brexit xảy ra, EU sẽ phải đàm phán lại các thảo thuận thương mại với Anh, điều đã từng xảy ra trước khi Anh và các quốc gia châu Âu hợp nhất thành một khối. 16% lượng hàng hóa xuất khẩu của EU được Anh hấp thụ và cả 2 bên có mối quan hệ kinh tế, dịch vụ rất chặt chẽ, do vậy sẽ không có bên nào muốn gây khó dễ để mất đi những lợi thế này.
Một mỗi quan tâm khác về vấn đề Brexit, đó là 27 quốc gia thành viên EU còn lại sẽ phải đàm phán lại các thỏa thuận quan trọng với các đối tác kinh tế khác, điển hình là Mỹ với Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Tuy nhiên, TTIP vốn không được lòng người dân châu Âu, bởi nó được xem là mối đe dọa tới an sinh và môi trường sống tại khu vực này.
Một cuộc khảo sát tại Đức cho thấy, chỉ 5% số người tham gia khảo sát ủng hộ TTIP trong 2 năm qua. Trong số các quốc gia EU, Anh chính là thành viên nhiệt tình nhất đối với hiệp định này.