Giá vàng tăng vọt, chứng khoán tiếp tục có tuần giảm điểm

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm không khả quan của Mỹ giúp giá vàng tăng vọt trong phiên cuối tuần, giảm bớt rất nhiều thiệt hại từ những phiên giảm mạnh trước đó. Trong khi chứng khoán toàn cầu tiếp tục có tuần giảm mạnh.
Phố Wall tiếp tục có tuần giảm điểm (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall tiếp tục có tuần giảm điểm (Ảnh minh họa: AFP)

Thông tin quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ đã được công bố trong ngày thứ Sáu.

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, số lượng việc làm tăng thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 4 tăng thêm 160.000 việc, ít hơn so với dự đoán 200.000 của giới phân tích. Tuy nhiên, thu nhập bình quân mỗi giờ và tuần làm việc tăng cao.

Lúc đầu, bảng lương phi nông nghiệp công bố thất vọng khiến phố Wall bị rung lắc. Tuy nhiên, về cuối phiên, các nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn và thấy rằng, sự sụt giảm trong tăng trưởng việc làm không quá đáng thất vọng, trong khi tiền lương tăng. Ngoài ra, dữ liệu việc làm này cũng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất của mình và đây là một tín hiệu tốt cho cả chứng khoán và vàng.

Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones tăng 79,92 điểm (+0,45%), lên 17.740,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,51 điểm (+0,23%), lên 2.057,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,06 điểm (+0,40%), lên 4.736,16 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,19%, chỉ số S&P 500 giảm 0,4% và chỉ số Nasdaq giảm 0,82%. Mức giảm trong tuần này thấp hơn nhiều so với tuần cuối cùng của tháng 4 khi các chỉ số chính của phố Wall giảm hơn 1%, thậm chí Nasdaq mất hơn 2%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sự lình xình tiếp tục được duy trì khi thị trường chịu tác động trái chiều từ các cổ phiếu đơn lẻ. Ngoài ra, các nhà đầu tư trên thị trường chứngkhoán châu Âu thận trọng chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cũng là lý do khiến thị trường lình xình trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 6/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 8,45 điểm (+0,14%), lên 6.125,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 18,09 điểm (+0,18%), lên 9.869,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,22 điểm (-0,42%), xuống 4.301,24 điểm.

Như vậy, chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần giảm mạnh thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,86%, chỉ số DAX giảm 1,69% và chỉ số CAC 40 cũng mất tới 2,88%.

Giao dịch trở lại sau 3 ngày nghỉ lễ, chứng khoán Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm trong phiên cuối tuần. Trong phiên này, giới đầu tư thận trọng trước khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố và đồng yên tăng so với đồng USD khiến chứng khoán Nhật Bản giảm điểm.

Trong khi đó, chưng khoán Hồng Kông có phiên giảm thứ 5 liên tiếp trong phiên cuối tuần và có tuần giảm mạnh nhất trong 3 tháng do giới đâu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng lao dốc khá mạnh trong phiên cuối tuần và không giữ được thành quả đã đạt được cho đến trước phiên giao dịch thứ Sáu.

Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 40,66 (-0,25%), xuống 16.106,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 339,95 (-1,66%), xuống 20.109,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 84,59 điểm (-2,82%), xuống 2.913,25 điểm.

Giống như chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng tiếp tục có tuần giảm điểm trong tuần đầu tiên của tháng 5. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,36%, chỉ số Hang Seng giảm 4,54% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,85%.

Báo cáo việc làm không khả quan của Mỹ vừa công bố đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng vọt trong phiên cuối tuần, giảm bớt rất nhiều thiệt hại trong tuần qua.

Kết thúc phiên 6/5, giá vàng giao ngay tăng 10,1 USD (+0,79%), lên 1.287,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 17,4 USD (+1,37%), lên 1.289,7 USD/ounce.

Sau khi tăng tốt trong tuần cuối tháng 4 và cả trong tháng 4 với mức tăng trên dưới 5%, giá vàng đã điều chỉnh nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,36% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 0,40%.

Dù giá kim loại quý điều chỉnh trong tuần qua, nhưng đa số giới đầu tư và phân tích vẫn đặt niềm tin vào giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò tuần này, có 660 người tham gia, trong đó có 418 người, chiếm 63% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 159 người, chiếm 24% dự báo giá sẽ giảm và 83 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 35 người được hỏi, có 16 người trả lời, trong đó có 9 chuyên gia, chiếm 56% lạc quan về giá vàng tuấn tới, 5 chuyên gia, chiếm 31% có cái nhìn thận trọng về giá vàng, 2 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô cũng tiếp tục có phiên tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp khi Iran tuyên bố sẵn sàng tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng. Tuy nhiên, 2 phiên hồi phục là chưa thể bù đắp được những thiệt hại đầu tuần do tác động từ thông tin gia tăng sản lượng xuất khẩu của Iraq và Iran.

Kết thúc phiên 6/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,34 USD (+0,76%), lên 44,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,36 USD (+0,79%), lên 45,37 USD/thùng.

Tương tự giá vàng, với sự trở lại của đồng USD, trong tuần qua, giá dầu thô cũng đã điều chỉnh trở lại sau khi tăng hơn 5% tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,74% và giá dầu thô Brent giảm 5,73%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục