Theo một quan chức chính phủ, Thủ tướng Narendra Modi đã coi việc xử lý nợ xấu trong các ngân hàng là ưu tiên gần như hàng đầu.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác cho biết các ngân hàng rất không sẵn lòng trong việc chấp nhận chịu lỗ liên quan đến vấn đề nợ xấu.
Quan chức này nói đề xuất về việc thành lập một ủy ban độc lập đã vấp phải những trở ngại khi có những nghi vấn đặt ra là liệu nó có phù hợp với pháp luật hiện hành.
Số nợ xấu trong các ngân hàng ở Ấn Độ là 121 tỷ USD, với trên 100 tỷ USD được ghi trong sổ sách của các ngân hàng quốc doanh.
Các ngân hàng bị chỉ trích là đã quá dễ dàng với các doanh nghiệp và có ý kiến phản đối việc dùng tiền ngân sách để "chống lưng" cho hệ thống ngân hàng.
Nợ xấu đã bó hẹp khả năng cho vay của các ngân hàng, đe dọa làm thui chột đà phục hồi kinh tế mới manh nha của Ấn Độ.
Nợ xấu gia tăng khi nhu cầu tiêu dùng thấp đã ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán nợ.
Thống đốc RBI Raghuram Rajan đã đặt ra hạn chót là tháng 3/2017 để các ngân hàng xử lý xong nợ xấu, và chính phủ nước này thông báo sẽ bơm 11 tỷ USD vào các ngân hàng nhà nước cho đến tháng 3/2019 để hỗ trợ họ cân đối bản quyết toán.
Theo India Ratings and Research, chi nhánh của Fitch tại Ấn Độ, chính phủ nước này sẽ phải chi tới 45 tỷ USD nếu các ngân hàng không huy động được tiền vốn từ các thị trường để giải quyết vấn đề thiếu tiền dự chi trong tương lai.
Tất cả các ngân hàng nhà nước, trong đó có State Bank of India (SBI), ngân hàng lớn nhất, đang chứng kiến giá trị tài sản giảm mạnh.
Các ngân hàng mạnh có thể huy động tiền từ thị trường, giảm gánh nặng lên ngân sách.
Hồi tháng Ba, SBI đã yêu cầu Jindal Steel and Power hoàn tất thỏa thuận bán nhà máy điện cho JSW Energy, để giảm nợ và thỏa thuận đã được thông báo ngày 4/5.