Theo ông Khánh, trong ngắn hạn, giá vàng còn điều chỉnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ, song vàng vẫn có triển vọng tăng giá trước áp lực lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá vàng giảm mạnh trước áp lực Fed tăng lãi suất, đặc biệt là dự kiến tăng thêm 0,75% lãi suất USD sắp tới. Theo ông, mặt hàng kim loại quý này sẽ giảm tới đâu?
Ông Huỳnh Trung Khánh |
Giá vàng giảm xuống 1.740 USD/ounce trong những phiên gần đây. Đây cũng là mốc của tháng 8/2021, nhưng chưa phải là mức thấp nhất trong năm qua (1.700 USD/ounce).
Tôi cho rằng, trước lộ trình tăng lãi suất của Fed thì việc vàng quay đầu giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu lộ trình tăng lãi suất của Fed tiếp tục, thì giá vàng cũng không loại trừ xuống mức 1.721 USD/ounce - mức cản mạnh nhất.
Trường hợp giá vàng xuống mức 1.627 USD/ounce mới là đáng lo, nhưng thực tế trong năm qua, khi vàng rơi xuống mức này, thì đã nhanh chóng tăng trở lại sau đó. Bởi thực tế, các quỹ đầu tư, nhà đầu cơ trên thế giới thường tìm cơ hội mua vào khi vàng giảm xuống mức thấp. Nhưng theo tôi, khả năng vàng đi xuống nữa sẽ rất khó và có thể cầm cự mức hiện nay. Sau đó, nếu lấy lại ngưỡng 1.800 USD/ounce, thì giá vàng sẽ bật tăng.
Yếu tố nào có thể đẩy vàng tăng mạnh trở lại trong thời gian tới, thưa ông?
Trước mắt, vàng chịu áp lực khi Fed mạnh tay thắt chặt tiền tệ khi liên tục tăng lãi suất USD và dự kiến tiếp tục lộ trình này trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi lãi suất USD tăng mạnh trở lại, USD sẽ nổi lên như một nơi ẩn náu ưa thích vào cuối năm cho các nhà đầu tư tìm cách phòng tránh suy thoái đang gia tăng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở thị trường quốc tế.
USD lên cao nhất trong 2 thập kỷ, Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, đã tăng lên mức trên 107 điểm. Tuy nhiên, trước áp lực lạm phát tăng cao, kinh tế suy thoái và Covid-19 vẫn trong tình hình cảnh báo, nên nhà đầu tư còn lo ngại và tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng. Đồng thời, những rủi ro bất ổn về địa chính trị, trong đó có cuộc chiến Nga - Ukraine, cũng sẽ hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới. Một số ngân hàng lớn trên thế giới dự báo vàng sẽ sớm quay lại ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Như vậy, giá vàng giảm hiện nay được xem là cơ hội để mua vào?
Đối với thị trường vàng quốc tế, một khi vàng giảm mạnh, các quỹ đầu tư vàng, nhà đầu tư, đầu cơ sẽ tìm cơ hội mua vào. Thực tế cho thấy, vàng tài khoản của thị trường quốc tế sẽ tăng trở lại khi giá giảm xuống sâu, bởi lúc này, nhà đầu tư sẽ tìm cơ hội để mua vàng giá rẻ, nên tác động tích cực lên giá bán. Thêm vào đó, mãi lực vàng vật chất của người tiêu dùng và nhà đầu tư thường tăng cao vào các quý cuối năm để phục vụ nhu cầu dịp lễ, tết, nên có tác động đẩy giá tăng. Điều này cũng cho thấy, trước áp lực lạm phát tại Mỹ tăng cao hiện nay, vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn và không ít nhà đầu tư, đầu cơ đã tìm cơ hội mua vào khi giá giảm.
Mãi lực vàng trên thế giới vẫn tăng cao từ các ngân hàng trung ương. Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã đẩy mạnh mua vàng trong tháng 5/2022. Cụ thể, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 35 tấn vào dự trữ vàng toàn cầu trong tháng 5/2022, với khách mua vàng lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (13 tấn), Uzbekistan (9 tấn), Kazakhstan (6 tấn)...
WGC cũng cho hay, tháng 6/2022, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương cũng rất khả quan. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Iraq (CBI) thông báo đã mua 34 tấn vàng trong tháng 6, nâng dự trữ vàng theo quý của nước này lên hơn 130 tấn.
Với thị trường vàng Việt Nam, việc mua vàng khi giá giảm vẫn khá rủi ro, do chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và trong nước lên đến hàng chục triệu đồng, thưa ông?
Giá vàng quốc tế giảm là cơ hội để các quỹ đầu tư, nhà đầu cơ trên thế giới mua vào, chờ cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, đối với thị trường Việt Nam hiện nay, khi chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và Việt Nam chênh nhau khá lớn, lên đến gần 20 triệu đồng, thì rủi ro cho người mua vàng trong nước là khó tránh. Lý do là, thị trường vàng trong nước và thế giới hiện không liên thông được với nhau, do quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP cấm xuất nhập vàng.
Một lưu ý là, khi vàng thế giới giảm sẽ khó tránh tình trạng vàng lậu vào thị trường Việt Nam, do giá vàng trong nước đang cao hơn hàng chục triệu đồng/lượng so với giá quốc tế. Điều này sẽ tác động lên tỷ giá. Nếu theo dõi sát, chúng ta cũng có thể thấy, mỗi khi vàng quốc tế giảm, thì tỷ giá trong nước tăng cao, nhất là tỷ giá USD chợ đen, vì được gom để nhập lậu vàng.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, vậy vì sao vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Ngân hàng Nhà nước?
Với việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành và Hiệp hội Kinh doanh vàng trong thời gian tới. Vì thế, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đang lấy ý kiến của các doanh nghiệp hội viên để tập hợp gửi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc họp với Hiệp hội trong tháng 8/2022.
Kiến nghị lớn nhất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam là cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang vàng, giúp kéo phần nào giá vàng trong nước sát với giá quốc tế. Còn với nhãn hiệu SJC thì cái này thuộc về quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo tôi, cũng phải cho nhập một số vàng nguyên liệu, dù có kiểm soát về số lượng và cho hạn ngạch dập vàng SJC, cân đối cung - cầu vàng miếng thương hiệu SJC trên thị trường.
Theo tôi, quan điểm nhập vàng sẽ tác động lên thị trường ngoại tệ, tỷ giá không còn phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Lý do là, trước đây, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ khoảng 20 tỷ USD, nhưng hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD. Vì thế, việc cho phép nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu có kiểm soát (khoảng 10 tấn, với khoảng 500 triệu USD) sẽ tác động không đáng kể đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá.