Lực cầu vàng trên thế giới tăng cao
Những ngày qua, thị trường toàn cầu lên cơn sốt với vàng, dù đồng USD mạnh lên, trong khi bảng Anh tạo đáy mới 31 năm qua so với đồng bạc xanh. Trong phiên giao dịch gần nhất, giá vàng giao ngay có lúc đạt 1.375 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 3/2014. Giá vàng tính theo bảng Anh lên cao nhất hơn 3 năm qua, chạm 1.069,36 bảng Anh/ounce. Giá vàng thế giới đã tăng 131 USD/ounce (+10,5%) trong 1 tháng qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 29%.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry cho biết, giá vàng và USD được hưởng lợi từ sự kiện Brexit - cử tri Anh bỏ phiếu quyết định nước này rời khỏi EU, bởi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro khi nền kinh tế toàn cầu sẽ có nhiều biến động. Thông thường, khi sức khỏe đồng USD tăng, vàng sẽ giảm giá. Nhưng thực tế trong thời gian qua cho thấy, đồng USD tăng giá mạnh trước thực trạng bảng Anh giảm giá lịch sử, song vàng thế giới vẫn tăng. Giá vàng còn được hỗ trợ bởi các nhận định rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa thể sớm tăng lãi suất. Hiện thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trước đó, Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 14 - 15/6, biên bản họp có thể làm sáng tỏ hơn về quyết định của Fed cũng như dự định của ngân hàng này về lãi suất trong thời gian tới.
Theo các nhà phân tích lĩnh vực vàng, những dự báo về tình hình bất ổn và giá vàng tăng trong thời kỳ hậu Brexit đã tạo động lực cho các quỹ đầu tư trên thế giới tăng lượng nắm giữ vàng trong thời gian qua. Tính đến đầu tháng 7, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF tăng 500 tấn so với tháng 1, lên mức 1.959,1 tấn. Trong đó, Quỹ tín thác vàng SPDR mua 308 tấn. Những ngày đầu tháng 7, Quỹ SPDR tiếp tục xu hướng mua vào, hiện nắm giữ 982,44 tấn vàng - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng có động thái tăng mua vàng, trước tình hình bất bất ổn ở Anh và khu vực châu Âu. Chưa có số liệu thống kê mới nhất, nhưng dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua ròng 45 tấn vàng trong quý I/2016.
Chuyên gia cao cấp lĩnh vực vàng, ông Huỳnh Trung Khánh cho biết, các ngân hàng trung ương đều đặn mua vào vàng trong những năm qua, năm 2015 mua khoảng 550 tấn vàng, nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua trong thời gian tới. Quan điểm của các ngân hàng trung ương là tiếp tục dự trữ vàng bên cạnh các đồng ngoại tệ mạnh, trong khi đó, vàng được xem là một công cụ trú ẩn an toàn, nên tăng cường mua vào, kể cả khi giá được dự báo có xu hướng giảm.
Nhu cầu trong nước theo đám đông
Vàng bắt đầu tăng giá kể từ ngày 24/6, khi sự kiện Brexit xảy ra. Ngày đầu tiên, giá vàng thế giới tăng hơn 80 USD/ounce, khiến cho vàng trong nước tăng 1,9 triệu đồng/lượng và tiếp tục theo lang trong những ngày đầu tháng 7, với mức tăng 4 triệu đồng/lượng. Trong đó, mở cửa phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng tăng 1 triệu đồng/lượng và tiếp tục lên cao, tiến sát ngưỡng 40 triệu đồng/lượng - mức giá cao nhất được thiết lập kể từ tháng 6/2013.
Vàng tăng giá mạnh, cảnh tượng hàng dài người xếp hàng mua vàng tái hiện, trong đó có nhiều người đầu tư ngắn hạn. Có ý kiến cho rằng, với diễn biến tăng giá nhanh chóng của vàng, đặc biệt là chiều ngày 5 - 6/7, thì kịch bản tăng giá như năm 2011 có thể sẽ lặp lại (giá vàng tăng vọt lên 48 triệu đồng/lượng). Nhu cầu tăng cao đã đẩy doanh số mua - bán của các nhà vàng tăng mạnh. Tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh số bán vàng trong các ngày 5 - 6/7 nhiều gấp 3 những phiên trước đó, dù chênh lệch giữa giá mua - bán vàng được kéo rộng.
Theo Phòng Kinh doanh vàng, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, mức tăng 1,7 triệu đồng/lượng (+4,5%) của giá vàng trong nước ngày 6/7 chủ yếu là do yếu tố tâm lý khi giá vàng quốc tế chỉ tăng 0,5%. So với mức giá đầu tuần, giá vàng trong nước tăng hơn 3,7 triệu đồng/lượng. Trong khi nhu cầu tăng cao do yếu tố tâm lý thì lượng vàng lưu thông trên thị trường lại khan hiếm, khiến giá vàng bị đẩy lên cao, dù biên độ chênh giữa giá mua và bán được các nhà vàng nới rộng từ 0,8 - 1,3 triệu đồng/lượng, so với mức 300.000 - 400.000 đồng/lượng ở phiên trước.
Theo các chuyên gia, thị trường vàng đang chứng kiến một đợt sóng vàng lớn, hiện tượng hiếm gặp trong suốt 3 năm qua. Với tần suất tăng mạnh của giá vàng, cùng với tâm lý đám đông mua vào khiến giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế khoảng 3 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với rủi ro đang rình rập.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng nhận xét, thị trường vàng trong nước dậy “sóng” trong những ngày qua có thể chỉ là nhất thời, xu hướng không rõ ràng. Người dân nên tránh tình trạng tâm lý đám đông, cần thận trọng trong mọi quyết định mua bán nhằm tránh thiệt hại giống như những năm trước đây.
Trước biến động mạnh của thị trường vàng trong nước, chiều 6/7, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho hay, giá vàng trong nước gần đây có diễn biến phù hợp với biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, từ chiều 5/7, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và cao hơn giá vàng thế giới. Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, nhiều người chưa vội bán vàng, gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Trong phiên giao dịch sáng 7/7, vàng trong nước đảo chiều. Sau 2 giờ mở cửa, mỗi lượng vàng giảm hơn 1 triệu đồng, tuột mốc 38 triệu đồng/lượng. Cuối giờ chiều, giá vàng xoay quanh 36,7 - 37,3 triệu đồng/lượng (mua - bán).