Ông có nhận định gì về thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam?
Như chúng ta đều biết, Việt Nam là một thị trường với 90 triệu dân, trong đó tỷ lệ sử dụng internet đạt trên 50%, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 50%, cơ cấu dân số trẻ. Ngày càng có nhiều người được giáo dục tốt, có được các công việc tốt và thu nhập của họ ngày càng gia tăng.
Đây là môi trường hứa hẹn nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng nhiều thách thức với các ngân hàng. Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam cạnh tranh, với sự tham gia của rất nhiều ngân hàng, trong khi khách hàng luôn muốn có các sản phẩm và chất lượng dịch vụ tốt hơn nữa.
Một vấn đề quan trọng tôi muốn đề cập đến là mức thu nhập của người dân đang gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều người đã tiếp cận ngân hàng để vay vốn mua nhà hoặc đầu tư bất động sản. Khi thu nhập của gia đình gia tăng, họ sẽ bắt đầu đầu tư và đây là thị trường đầy tiềm năng cho các ngân hàng.
Ông Amit Malhotra
Cơ hội và thách thức của ngân hàng nước ngoài là gì khi các ngân hàng trong nước đều lựa chọn mảng kinh doanh chiến lược là ngân hàng bán lẻ?
Tôi cho rằng, các ngân hàng nước ngoài đang nhìn thấy nhiều cơ hội. Khách hàng ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho việc du lịch nước ngoài và giao dịch thương mại quốc tế, do vậy, các ngân hàng nước ngoài sẽ có lợi thế cung cấp dịch vụ trên nền tảng mạng lưới quốc tế rộng khắp. Ví dụ, nếu bạn là một khách hàng ưu tiên của Standard Chartered tại Việt Nam, bạn cũng sẽ là khách hàng ưu tiên của chúng tôi tại các thị trường khác. Bạn có thể dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của chúng tôi để quản lý tài khoản tại tất cả các thị trường trên toàn cầu.
Nếu nói về các thách thức, tôi phải thừa nhận rằng, Việt Nam là một thị trường đang phát triển, tuy nhiên để tận dụng được các cơ hội thì cần phải có thời gian. Ví dụ, tại một số thị trường, mức độ số hóa đã đạt mức khá cao, mọi người đều có điểm xếp hạng tín nhiệm tín dụng của riêng mình được lưu trữ trên một hệ thống trực tuyến. Trong khi đó, hạ tầng này hiện mới bắt đầu được triển khai tại Việt Nam. Vấn đề là làm sao chúng ta có thể thúc đẩy quá trình làm việc và cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ mà họ cần?
Ông có thể tiết lộ về chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ của Standard Chartered tại Việt Nam?
Vừa qua, Standard Chartered đã ra mắt thẻ tín dụng và sẽ triển khai rộng rãi ra thị trường kể từ tháng 8. Bên cạnh đó là ứng dụng Good Life, cung cấp thông tin về các ưu đãi dành cho khách hàng tại Việt Nam và các thị trường ASEAN khác. Đây là một ứng dụng sử dụng nền tảng định vị GPS, do đó, khi bạn đến bất cứ đâu, bạn đều có thể tra cứu các ưu đãi dành cho chủ thẻ của Standard Chartered.
Trong tương lai, tôi chỉ có thể chia sẻ rằng, trong vòng 2 năm tới, Standard Chartered sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới và triển khai nền tảng ngân hàng di động.
Vậy, đâu là sự cạnh tranh của Standard Chartered so với các ngân hàng khác?
Thứ nhất, Standard Chartered là một ngân hàng quốc tế, đồng nghĩa với việc chúng tôi có thể phục vụ khách hàng xuyên biên giới. Chúng tôi hiện diện tại tất cả các thị trường ASEAN và tại các thị trường ngoài khu vực này.
Thứ hai, Standard Chartered cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng chất lượng cao. Chúng tôi có cách dịch vụ dành cho cá nhân, gia đình, DN và nhân viên của các DN… Khi là khách hàng của Standard Chartered, bạn có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng cá nhân, mở thẻ tín dụng, vay vốn thế chấp và sử dụng quầy ngân hàng ưu tiên tại các thị trường. Nếu bạn là khách hàng DN, bạn có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng dành cho DN cũng như dịch vụ ngân hàng dành cho nhân viên. Nếu bạn là khách hàng ưu tiên của Standard Chartered, bạn sẽ được sự dụng các quầy dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại tất cả các thị trường của chúng tôi. Chúng tôi cũng có các chuyên viên quan hệ khách hàng phục vụ riêng cho bạn.
Luôn đổi mới và sáng tạo cũng là một trong những thế mạnh của chúng tôi.