Việc giá dầu thô hồi phục đã giúp phố Wall tiếp tục có được phiên tăng điểm tiếp theo trong ngày thứ Ba, trong đó ngoài nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng, kết quả kinh doanh khả quan của Johnson & Johnson cũng hỗ trợ cho S&P 500 thiết lập kỷ lục mới trong phiên thứ Ba.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh kém khả quan của Intel, Netflix, IBM khiến Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Dow Jones tăng 49,44 điểm (+0,27%), lên 18.053,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,46 điểm (+0,31%), lên 2.100,80 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,69 điểm (-0,40%), xuống 4.940,33 điểm.
Tương tự, việc giá dầu tăng mạnh trở lại, cùng sự hỗ trợ của một số cổ phiếu bluechip nhờ nhận thông tin tích cực đã giúp chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 3 tháng.
Kết thúc phiên 19/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 51,83 điểm (+0,82%), lên 6.405,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 229,28 điểm (+2,27%), lên 10.349,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 59,64 điểm (+1,32%), lên 4.566,48 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm trở lại đã giúp Nikkei 225 lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên lao dốc đầu tuần do ảnh hưởng nặng nề bởi các trận động đất ở phía Nam của Nhật Bản.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng tăng trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô hồi phục.
Kết thúc phiên 19/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 598,49 điểm (+3,68%), lên 16.874,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 274,71 điểm (+1,30%), lên 21.436,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 9,16 điểm (+0,30%), lên 3.042,82 điểm.
Điều gây chú ý trong phiên thứ Ba là không chỉ chứng khoán và dầu thô tăng, mà vàng cũng tăng vọt trong phiên này, vượt qua ngưỡng 1.250 USD/ounce. Hỗ trợ cho giá vàng trong phiên thứ Ba chính là thông tin doanh số bán nhà mới của Mỹ giảm 8,8% trong tháng 3, khiến đồng USD tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 1 tuần. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế mới kém khả quan này cũng sẽ củng cố thêm cho chính sách tiền tệ mang tính “bồ câu” hiện nay của Fed.
Kết thúc phiên 19/4, giá vàng giao ngay tăng 17,8 USD (+1,44%), lên 1.250,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 19,3 USD (+1,56%), lên 1.254,3 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, trong khi hơn 10 nhà sản xuất lớn kỳ công nhóm họp tại Doha sau 1 tháng chuẩn bị không thể giúp giá dầu tăng lên như mục địch cuộc gặp, thì một mình Kuwait lại thực hiện được điều đó chỉ trong 1 ngày.
Cụ thể, sau khi cuộc hội đàm tại Doha bị đổ vỡ, nhiều nhà đầu tư đã lo lắng giá dầu sẽ sụt giảm mạnh, bởi kỳ vọng vào một thỏa thuận đóng băng sản lượng đã giúp giá nhiên liệu này lên mức cao nhất 4 tháng trong tuần trước. Thực tế, ngay khi có dấu hiệu của sự dạn nứt giữa các nhà sản xuất lớn, nhất là từ Ả Rập Xê út và Iran, giá dầu đã có chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Tuy nhiên, giá “vàng đen” lại được cứu bởi một yếu tố đầy bất ngờ là cuộc đình công trong ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ của Kuwait. Chính nhờ cuộc đình công này, mà giá dầu thô đã tăng trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Kết thúc phiên 19/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,3 USD (+3,16%), lên 41,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,12 USD (+2,54%), lên 44,03 USD/thùng.