Văn phòng cho thuê “biến hình”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu sử dụng văn phòng làm việc có những thay đổi nhất định sau giãn cách, vì thế các chủ nhà cũng phải chuyển đổi để đáp ứng “khẩu vị” mới của khách thuê.
Một số không gian văn phòng chia sẻ tại TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng Một số không gian văn phòng chia sẻ tại TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng

Nhu cầu khách thuê thay đổi

Anh Nam (28 tuổi, ngụ tại quận 10. TP.HCM) vốn là dân công nghệ nên suốt 5 tháng qua đều “work from home” (làm việc tại nhà), các hoạt động từ họp hành, trao đổi với đồng nghiệp hay khách hàng… đều thực hiện qua màn hình máy tính. Hiện tại, công ty nơi anh làm việc đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng anh vẫn xin được làm việc tại nhà.

“Tuy làm việc ở nhà nhưng kết quả công việc của tôi vẫn đảm bảo, thu nhập có phần tốt hơn so với thời điểm trước dịch do tiết kiệm được tiền xăng xe, ăn uống, tiếp khách… Do vậy, tôi vẫn chọn cách làm việc tại nhà khi công ty đã hoạt động trở lại”, Nam nói.

Trên thực tế, trường hợp như của anh Nam không phải cá biệt, không ít người lao động tại TP.HCM hiện lựa chọn làm việc tại nhà, một phần vì vừa làm việc vừa có thể chăm sóc gia đình, phần khác vẫn lo ngại dịch bệnh nên không muốn đến những nơi đông người. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số lãnh đạo doanh nghiệp, đây là một vấn đề lớn bởi đa số các hạng mục công việc đều không đạt hiệu quả tối ưu khi làm tại nhà, nhiều hạng mục xảy ra sai sót vì không có sự trao đổi trực tiếp.

“Làm việc tại nhà tạo cho nhân viên cảm giác thoải mái, nhưng có một thực tế là khối lượng công việc của công ty trong thời gian giãn cách xã hội đã giảm đi nhiều so với bình thường, nên có thể nhân viên không nhận thấy sự chênh lệch về mặt hiệu suất công việc”, giám đốc một công ty có trụ sở tại quận 8 cho hay.

Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp đã thấm thía sự ràng buộc của việc thuê, đầu tư và tự vận hành một văn phòng theo cách truyền thống trong bối cảnh thị trường biến động từng ngày theo diễn biến của dịch bệnh. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cách vận hành văn phòng sao cho có thể biến chi phí thuê và vận hành văn phòng cố định hàng tháng thành chi phí linh hoạt, đồng thời mang tới môi trường làm việc thú vị hơn nhằm gia tăng hiệu quả công việc.

Theo ghi nhận của phóng viên, chi nhánh một công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ tại TP.HCM đang tìm kiếm các văn phòng chia sẻ (co-working space) phù hợp nhằm tiết giảm chi phí thuê văn phòng, khi mà công ty này gần như không có nguồn thu từ phí môi giới giao dịch bất động sản từ đầu năm tới nay.

Một doanh nghiệp trong ngành marketing, chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông và quảng cáo đang tìm cách sang nhượng mặt bằng hoặc hợp tác khai thác mặt bằng sau khi đã đầu tư vài tỷ đồng vào một văn phòng đặt trong tòa nhà hạng A tại quận 2, lý do bởi sau giãn cách, số lượng nhân viên của doanh nghiệp đã giảm từ 150 người xuống còn 30 người.

Tương tự, Công ty Chuo Senko Việt Nam trước đó thuê mặt bằng có diện tích 500 m2 ở tòa nhà Ruby Tower, quận 1, thì hiện cũng đang tìm co-working space để chuyển văn phòng.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn như KPMG, Deloitte, Connell Bros, Prudential, Dragon Capital, Bayer… đã chọn giải pháp phân tách nhân sự thành các nhóm, làm việc song song tại các điểm khác nhau nhằm phân tán rủi ro và linh hoạt trong điều chỉnh quy mô hoạt động.

Ảnh: Việt Dũng

Ảnh: Việt Dũng

Chủ nhà tìm giải pháp thích nghi

Đánh giá về sự thay đổi nhu cầu của khách thuê, ông Daan Van Rossum, CEO chuỗi văn phòng cho thuê Dreamplex cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp nhận thấy nhân viên có thể hoàn thành công việc hiệu quả dù làm việc ở nhà hay ở văn phòng, từ đó cân nhắc về nguồn chi phí lớn để thuê văn phòng. Vì thế, giải pháp về một mô hình không gian làm việc linh hoạt hơn, nơi nhân viên có thể làm việc tại nhà, gần nhà hoặc tại văn phòng, tức là có thể “làm việc từ mọi nơi (work from anywhere)” được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

“Với văn phòng truyền thống, các doanh nghiệp đang trả tiền thuê theo mét vuông, dù nhân viên có đi làm đầy đủ hay không. Chính vì vậy, họ đang tìm kiếm một mô hình ít bàn làm việc hơn, tương đương với ít không gian hơn và chi phí thấp hơn", CEO Dreamplex chia sẻ.

Bổ sung thêm cho quan điểm này, ông Dương Đỗ, CEO chuỗi văn phòng cho thuê Toong cho biết, giải pháp văn phòng mà các doanh nghiệp đang hướng đến là các văn phòng dịch vụ có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết được song song hai thách thức lớn, đó là linh hoạt chi phí và nâng cao chất lượng môi trường làm việc, củng cố được lòng tin của đội ngũ nhân sự và đối tác.

“Tuy nhiên, hiện nay, số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ văn phòng cho thuê đạt được cả 2 yếu tố trên không nhiều. Do đó, sự cạnh tranh khốc liệt về giá sẽ nằm ở phân khúc văn phòng truyền thống hoặc văn phòng dịch vụ nhưng thiếu chú trọng vào việc trải nghiệm khách hàng”, ông Dương Đỗ nói và chia sẻ thêm, trong 3 tháng tới, giá thuê văn phòng sẽ còn bị tác động bởi dịch bệnh, một số đơn vị cho thuê sẽ vẫn giữ được biên độ giá trong tầm kiểm soát bởi họ đã tập trung vào chất lượng và trải nghiệm của không gian làm việc, thay vì tập trung giảm giá.

Ghi nhận thực tế cho thấy, dù nằm ở khu vực trung tâm, nhưng vì thiếu không gian nên nhiều tòa nhà văn phòng cho thuê phải giảm giá để giữ chân khách hàng. Đơn cử, một tòa nhà văn phòng hạng A trên đường Lê Duẩn, quận 1, giá cho thuê đã giảm từ 46 USD/m2/tháng xuống còn 40 USD/m2/tháng (khoảng 920.000 đồng/m2/tháng) đã bao gồm chi phí máy lạnh.

Một tòa nhà khác trên đường Tôn Đức Thắng cũng giảm giá thuê đến 22% bắt đầu từ tháng 10/2021, hiện ở mức 32 USD/m2/tháng (tương đương 736.000 đồng/m2/tháng). Theo nhân viên môi giới, mức giá này đã bao gồm chi phí máy lạnh, phí quản lý 6 USD/m2/tháng, phí gửi xe máy 15 USD/tháng, phí gửi ô tô 150 USD/tháng...

Với những tòa nhà văn phòng ở khu vực xa trung tâm hơn như quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp…, giá thuê tuy không giảm nhưng khách thuê có thể thỏa thuận và cũng được miễn phí quản lý, chi phí máy lạnh, chi phí nước cùng một số dịch vụ khác.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi xu hướng thuê mặt bằng của các đối tác là công ty lớn, đa quốc gia. Theo đó, chủ đầu tư của những dự án văn phòng hạng A trong 3 năm tới cần nghiên cứu để có chiến lược phù hợp, đầu tư nhiều hơn những tính năng, yếu tố tích hợp liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn không gian làm việc.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục