Kích hoạt “Work From Home”
Suốt một tuần qua, thay vì phải đến công ty như thường lệ, chị Kim Hằng (28 tuổi, ngụ tại quận 10, TP.HCM), nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp có trụ sở tại quận 3 được cho phép làm việc tại nhà. Chị Hằng cho biết, thời gian này, công ty cho hầu hết nhân viên làm việc từ xa, các cuộc họp, thay vì offline như trước thì giờ chuyển thành online, hoặc trao đổi qua nhóm riêng trên các nền tảng mạng xã hội.
Tương tự, từ ngày 2/6 vừa qua, một doanh nghiệp bất động sản ở Long An cũng chính thức kích hoạt chế độ “Work From Home” với toàn bộ nhân viên. Nhân câu chuyện với phóng viên về tình hình thị trường bất động sản, chị Trân, một nhân viên phòng truyền thông của công ty này cho biết, trước mắt, Ban lãnh đạo quyết định cho nhân viên làm việc tại nhà tạm 1 tuần để nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Do đó, tất cả công việc đều trao đổi qua mạng, văn bản cũng được trình ký online nên việc chuyển câu hỏi của phóng viên đến lãnh đạo Công ty cũng phải qua nhiều khâu chờ đợi hơn.
Trước sự bùng phát đợt sóng Covid-19 mới mà TP.HCM là một trong những điểm nóng, việc hầu hết các doanh nghiệp chuyển sang chế độ làm việc tại nhà là điều dễ hiểu. Báo cáo mới đây của JLL cho biết, một số tập đoàn còn hỗ trợ nhân viên bằng cách cung cấp bữa trưa, cung cấp đồ đạc và thiết bị văn phòng tận nhà. Từ thông tin Google, Twitter và Shopify chi những khoản trợ cấp lên đến cả ngàn USD cho nhân viên để mua bàn ghế hoặc đồ dùng cần thiết để làm việc tại nhà, nhiều công ty tại TP.HCM cũng đang áp dụng hình thức này.
Chẳng hạn, ngay từ đầu tháng 4/2021, đại diện JLL Việt Nam cho biết, Tập đoàn đã áp dụng mô hình làm việc linh hoạt, cho phép tất cả nhân viên hoàn thành công việc tại nhà, nhưng cũng có thể đến văn phòng để thực hiện các công việc cần thiết như truyền tải dữ liệu, văn thư và ký kết giấy tờ…
Việc xuất hiện một số trường hợp lây nhiễm tại không gian làm việc chung trong các tòa nhà văn phòng tại TP.HCM như 44 trường hợp nhiễm Covid-19 cùng làm việc tại Công ty Thiên Tú FN (số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình), hay các trường hợp tại Công ty Concentrix trong Công viên phần mềm Quang Trung, Công ty TNHH IDS ở quận Tân Phú… khiến nhiều doanh nghiệp quyết định dứt khoát hơn trong việc áp dụng chế độ làm việc tại nhà cho nhân viên.
Một vị lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng, nguy cơ lây nhiễm tại các công ty, tòa nhà văn phòng là rất lớn, bởi đây là khu vực làm việc đóng kín cửa, môi trường không thoáng gió, sử dụng máy lạnh trung tâm.
Hơn nữa, việc lây nhiễm chéo giữa các tầng là điều hoàn toàn có thể xảy ra do đi chung thang máy, phòng họp, phòng nghỉ, căng-tin, phòng tủ khóa cá nhân, khu vực chờ, bãi đỗ xe… vì những nơi này đều là không gian kín chật hẹp.
Các tòa nhà văn phòng sẽ phải thông minh hơn. Ảnh: Shutterstock |
Công nghệ là giải pháp
Ông Hoàng Trọng Đại, Giám đốc Công ty cổ phần Serepok cho biết, sản phẩm Công ty cung cấp tới khách hàng là không gian làm việc, phòng họp và không gian tổ sự kiện. Từ khi đại dịch ập đến, Công ty phải dừng hẳn việc cho thuê phòng họp và không gian tổ chức sự kiện. Về mảng văn phòng cho thuê, theo ông Đại, đã có một số doanh nghiệp dừng kế hoạch mở rộng, thậm chí “đánh tiếng” thu hẹp không gian thuê.
Dù đánh giá đợt dịch lần này sẽ sớm được kiểm soát do chính quyền TP.HCM và các cơ quan liên quan phản ứng rất mau lẹ và chính xác, nhưng theo ông Đại, bên cạnh chia sẻ khó khăn cùng với khách thuê, hoạt động kinh doanh văn phòng phải thay đổi theo hướng đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch bệnh tốt vì không thể đảm bảo không xuất hiện những đợt dịch bệnh nữa trong tương lai
Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao thị trường Việt Nam của JLL lại có quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng, dù có nhiều công ty phải tạm ngừng các kế hoạch mở rộng không gian làm việc hoặc di dời do tình hình dịch bệnh bất ổn, nhưng vẫn có không ít công ty công nghệ và bảo hiểm vẫn mở rộng quy mô kinh doanh khi nhu cầu về thương mại trực tuyến và giao hàng tăng đáng kể.
Theo đó, trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần tập trung xem xét thiết kế lại không gian văn phòng nhằm đáp ứng cho các yêu cầu của mô hình làm việc mới, bởi làm việc tại nhà, theo bà Trang Bùi, cũng có không ít bất tiện như không phải ai cũng có không gian, công nghệ đủ tốt, chưa kể những ảnh hưởng của tiếng ồn, thiếu ánh sáng, kích thước bàn và ghế không đủ chuẩn để ngồi trong thời gian dài, các vấn đề về kết nối internet, điện thoại hoặc máy in…
“Khi ngồi tại nhà nhiều ngày, người lao động cảm thấy bế tắc trong một ngày dài vô tận. Nhân viên đang mong muốn có các mô hình làm việc cân bằng hơn,” bà Trang Bùi chia sẻ.
Khảo sát của JLL với 3.300 người lao động được thực hiện mới đây cho thấy, ngoài ngày nghỉ, người lao động chỉ sẵn sàng làm việc tại nhà 1,5 ngày một tuần, giảm so với 2 ngày một tuần trong một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện năm ngoái; 37% người cho rằng làm việc ở nhà hiệu quả nhưng vẫn phải đến văn phòng vào một số thời điểm. Trong khi đó, hơn 30% số người được hỏi khẳng định họ hoàn toàn không muốn làm việc tại nhà.
Điều này cho thấy, ngay cả khi dịch bệnh vẫn lẻ tẻ diễn ra, không gian văn phòng cho thuê sẽ sớm trở lại bối cảnh “bình thường mới” nếu các chủ đầu tư có thể thiết kế những không gian tối ưu bao gồm các hệ thống thông minh, cảm biến không chạm tay, cảm nhiệt, hệ thống lọc không khí và khử khuẩn nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thể thiết lập văn phòng ‘an toàn’ để nhân viên quay trở lại.
Về vấn đề này, theo ông Chris Mariott, Giám đốc Điều hành, Savills Đông Nam Á, các toà nhà thông minh sẽ là yếu tố khác biệt khiến các khách thuê doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn địa điểm văn phòng mới. Ví dụ, một toà nhà có thể hỗ trợ khách thuê quản lý vị trí trống, tìm đường, quản lý không gian văn phòng tích hợp với các tính năng di chuyển trong thành phố.
Chẳng hạn, theo các chuyên gia Savills, công nghệ điều khiển bằng cảm biến có tên haptics – vốn được dùng nhiều trong lĩnh vực sản xuất ô tô – sẽ trở nên phổ biến trong các tòa nhà văn phòng.
Haptics sử dụng công nghệ hỗ trợ các tương tác giữa chuyển động và xúc giác, có khả nẵng hỗ trợ hầu hết các tương tác của người dùng đối với thiết bị văn phòng như sử dụng phòng vệ sinh, máy in, thang máy, cửa ra vào và thiết bị chuẩn bị đồ ăn, mà không cần chạm vào các bề mặt vật thể.