Vấn nạn hàng giả thách thức nỗ lực xây dựng thương hiệu Việt

(ĐTCK) Những thương hiệu có giá trị thường là đích ngắm của không ít đối tượng xấu để lợi dụng kiếm lợi bất chính. Đã có không ít vụ việc doanh nghiệp đưa nhau ra chốn công đường giải quyết tranh chấp thương hiệu. 
Vấn nạn hàng giả thách thức nỗ lực  xây dựng thương hiệu Việt

Phó tổng giám đốc một công ty dược khá nổi tiếng cho biết, không chỉ đối mặt với tình trạng nhiều sản phẩm có tên gọi, mẫu mã bao bì na ná với sản phẩm của công ty, mà gần đây, công ty này còn phối hợp với quản lý thị trường phát hiện và xử lý một vụ việc xâm phạm thương hiệu rất tinh vi.

Theo đó, kẻ xấu thành lập một công ty, sản xuất một lượng lớn hàng nhái sản phẩm của công ty này và tiến hành phân phối, đồng thời làm thủ tục giải tán luôn công ty.

Với thủ đoạn như vậy, ngay cả khi cơ quan chức năng có bắt được hàng kém chất lượng cũng chỉ đành tịch thu và tiêu hủy, chứ không thể xử lý được đối tượng phạm tội.

Doanh nghiệp bị nhái thương hiệu, sản phẩm cũng ở thế khó xử. Nếu thông báo rộng rãi vụ việc ra công chúng lại e ngại người tiêu dùng vì khó phân biệt được hàng thật, hàng giả sẽ tẩy chay luôn cả hàng thật thì “lợi bất cập hại”, nên doanh nghiệp đành ngậm ngùi nhờ vả cơ quan chức năng cất hồ sơ vụ việc vào ngăn kéo.

Nói về vấn nạn hàng nhái, lãnh đạo CTCP Traphaco cho biết, không ít lần nhân viên của Công ty phải bám theo kẻ xấu để tìm hiểu về các loại hàng nhái sản phẩm của Công ty. Thuốc bổ gan nổi tiếng của Công ty là Boganic, có dạo thị trường lại xuất hiện thuốc BogaX.

Trên thị trường, thuốc Hoạt huyết dưỡng não của Công ty Khải Hà cũng có mẫu mã và hình thức viên thuốc rất giống với bao bì và viên thuốc Hoạt huyết dưỡng não của Traphaco.

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi các đơn vị quản lý, bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh khác trong tỉnh, các đơn vị kinh doanh phân phối thuốc, kể cả cho công an tỉnh, thông báo nội dung công văn của Bộ Y tế.

Theo đó, viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não, SĐK: VD-24472-16, Số lô 01.03.17, NSX 02/3/2017, HSD 1/3/2020 do CTCP Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà sản xuất bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc.

Lý do đình chỉ lưu hành là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ lệ các thành phần của cao bạch quả và định lượng Ginkgo flavonoid toàn phần.

Công văn này yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trưởng phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến đội ngũ cán bộ y tế trong đơn vị và mạng lưới hành nghề y tế tư nhân, yêu cầu không được phép lưu hành và sử dụng loại thuốc trên.

Cùng chung cảnh ngộ, lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex không ít lần lên tiếng về việc nhiều cửa hàng xăng dầu ngang nhiên sử dụng thương hiệu của Tập đoàn để dụ người tiêu dùng.

Thậm chí có không ít lần báo chí đưa tin về các vụ việc vi phạm cân đong ở các cây xăng có sử dụng nhãn hiệu Petrolimex, nhưng khi Tập đoàn tra soát thì phát hiện ra đó đều là những cửa hàng vi phạm về thương hiệu, nhãn hiệu.

Ngăn chặn những hành vi giả mạo thương hiệu vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Petrolimex, lãnh đạo Tập đoàn cho biết.

Trên thị trường thời gian qua, có vô số các vụ việc sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng bị làm nhái hoặc có những dấu hiệu gây tranh cãi về việc vi phạm bản quyền nhãn hiệu, nào Hảo Hảo, mì tôm của Acecook Việt Nam có đối thủ là Hảo Hạng, bột ngọt của Ajinomoto có cự cãi với Ajino-Takara về xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa…

Ngay hai “ông lớn” ngành sữa trong nước như Vinamilk và Nutifood cũng từng lời qua tiếng lại liên quan đến nhãn hàng Grow Plus. Glow Plus của Nutifood có trên thị trường từ năm 2012.

Năm 2015, Vinamilk giới thiệu sản phẩm mới có cùng tên, kiểu dáng thiết kế bao bì cũng tương tự về màu sắc, sử dụng biểu tượng có lá cờ Mỹ giống như sản phẩm Grow Plus của Nutifood.

Trong thông báo gửi Vinamilk, Nutifood nói khéo: “Vì Vinamilk là một thương hiệu lớn, là niềm tự hào quốc gia về một thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường sữa trong nước, vốn rất cạnh tranh với nhiều công ty đa quốc gia hùng mạnh, chúng tôi cho rằng, đã có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Quý Công ty vô tình đặt tên Grow Plus của Nutifood, cũng như vô tình trong thiết kế bao bì dễ gây nhầm lẫn. Sự trùng hợp này dễ dẫn tới người tiêu dùng và thị trường hiểu lầm Quý Công ty đã sao chép nhãn hiệu của một công ty nội địa nhỏ như Nutifood”.

Vinamilk sau đó gửi văn bản đáp trả đến Nutifood và khẳng định, Công ty hoàn toàn tuân thủ mọi quy định về quyền sở hữu trí tuệ cũng như cạnh tranh lành mạnh, công bằng và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khác.

Vinamilk cho biết, nhãn hiệu Dielac là một trong những nhãn hiệu truyền thống lâu đời của Vinamilk, được sử dụng từ hàng chục năm nay và đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhãn hiệu Dielac được Vinamilk phát triển và đa dạng hóa thành nhiều dòng sản phẩm như: Dielac Alpha, Dielac Alpha Gold, Dielac Grow, Dielac Pedia… và “Dielac Grow Plus” là một trong những dòng sản phẩm của nhãn hiệu này.

“Tất cả nhãn hiệu cho các dòng sản phẩm của Vinamilk đều đã được thực hiện một cách cẩn trọng trong việc thiết kế, thực hiện tra cứu, đánh giá pháp lý bởi các văn phòng luật độc lập và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hàng của Vinamilk. Dòng sản phẩm Dielac Grow Plus cũng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo đúng quy định của pháp luật”, Vinamilk khẳng định.

Rốt cuộc, sau tranh cãi, hai bên vẫn giữ nguyên mẫu mã của mình và mạnh ai người nấy tiếp thị quảng bá sản phẩm.

Từng tham gia một số vụ việc liên quan đến tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu, luật sư Hoàng Trọng Điểm, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trên thực tế, có rất nhiều thương hiệu bị một số cá nhân, tổ chức sử dụng trái pháp luật.

Thương hiệu là một tài sản có giá trị, trong nhiều trường hợp có giá trị rất lớn nên các doanh nghiệp cần có ý thức tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để bảo vệ thương hiệu bằng các công cụ pháp luật.

Đồng thời, ở nhiều doanh nghiệp cũng đã hình thành bộ phận pháp chế chuyên nghiệp, tư vấn và kiểm tra việc sử dụng hoặc ra mắt các thương hiệu, nhãn hàng mới hoặc tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện một số biện pháp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu trước các hành vi sử dụng trái pháp luật của các cá nhân, tổ chức đó.

Pháp luật trong việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Theo các quy định hiện hành, mức xử phạt cao nhất cho các trường hợp vi phạm có thể lên tới 15 năm tù.

Luật sư Hoàng Trọng Điểm chia sẻ góc nhìn về thực trạng hàng giả và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp. 

Ông có nhận xét gì về tình trạng nhái thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng ở nước ta?

Cá nhân tôi không nghiên cứu sâu về thực trạng hàng giả tại Việt Nam, tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được các lực lượng chức năng phát hiện trong những năm vừa qua thì hàng giả ở nước ta có ở rất nhiều chủng loại hàng hoá được lưu thông trên thị trường (thực phẩm, thuốc uống, hàng tiêu dùng, hàng điện tử… Hàng giả không chỉ được bán trong các cửa hàng tạp hoá nhỏ mà còn có thể được đưa vào bán tại các siêu thị, các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn.

Hàng giả đang là vấn đề bức xúc đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác, hàng giả gây ra những bất lợi với các doanh nghiệp sản xuất và gây thiệt hại cho người tiêu dùng (bao gồm cả về tính mạng, sức khoẻ và tài sản).

Nhiều doanh nghiệp e ngại công bố các vụ việc thì bản thân cũng bị ảnh hưởng, người tiêu dùng không dám mua sản phẩm vì ngại thật giả lẫn lộn. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không đồng ý với quan điểm doanh nghiệp e ngại công bố các vụ việc thì bản thân cũng bị ảnh hưởng, người tiêu dùng không dám mua sản phẩm vì ngại thật giả lẫn lộn.

Khi phát hiện hàng giả, nếu doanh nghiệp vì e ngại công bố thì hậu quả lại càng nặng hơn. Cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả khi đó sẽ không bị xử lý theo quy định của pháp luật, dẫn đến việc cá nhân, tổ chức đó có thể tiếp tục sản xuất, buôn bán hàng giả.

Do không công bố nên các sản phẩm giả đã được đưa ra thị trường không được thu hồi, xử lý dẫn đến việc càng nhiều người tiêu dùng bị mua phải những loại hàng hoá bị làm giả đó và mất lòng tin đối với loại hàng hoá này của doanh nghiệp.

Ngược lại, khi phát hiện hàng giả, doanh nghiệp lập tức thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời ngăn chặn và xử lý thì sẽ có tác dụng răn đe đối với các cá nhân, tổ chức khác, giúp hạn chế việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

Việc công bố thông tin vụ việc sẽ dẫn đến việc các sản phẩm giả đã được đưa ra thị trường bị các cơ quan quản lý nhà nước thu hồi, tiêu huỷ theo quy định và hạn chế số lượng người tiêu dùng bị mua nhầm sản phẩm giả, bảo vệ được lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hoá của doanh nghiệp. Người tiêu dùng vì nhận được thông tin đầy đủ, chính xác nên phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng chính thức do doanh nghiệp sản xuất dẫn đến lựa chọn sản phẩm này của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp có thể làm gì để hạn chế tình trạng này?

Để hạn chế tình trạng hàng giả, doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ … theo quy định của pháp luật; áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để chống làm giả; công bố các tiêu chí, đặc điểm để xác định hàng chính thức của doanh nghiệp, danh sách các cửa hàng kinh doanh, phân phối chính thức của doanh nghiệp và kênh thông tin để người tiêu dùng phản hồi lại doanh nghiệp khi phát hiện hàng giả.

Khi phát hiện hàng giả, doanh nghiệp cần thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn xử lý theo quy định.

Ngoài các thông tin đã công bố, doanh nghiệp cần công bố ngay thông tin về các điểm khác biệt giữa hàng giả và hàng của doanh nghiệp để người tiêu dùng nắm bắt và hạn chế mua phải hàng giả, gây mất uy tín cho doanh nghiệp.

Lê Kiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục