Lãnh đạo CTCP Traphaco chia sẻ, một trong những điểm đáng ghi nhận trong hoạt động 9 tháng đầu năm nay là Công ty đã đạt được thành công bước đầu trong việc chống hàng nhái, hàng giả thương hiệu Traphaco.
“Với sự nỗ lực của Traphaco, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã ban hành nhiều quyết định yêu cầu thu hồi, cũng như rút giấy phép lưu hành một số sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu Boganic của Công ty”, lãnh đạo Traphaco nói.
Vị này cho biết, mới đây, sản phẩm viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não do CTCP Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà (Công ty Khải Hà) sản xuất đã chính thức bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ lệ các thành phần của cao bạch quả và định lượng ginkgo flavonoid toàn phần.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã gửi công văn tới các đơn vị quản lý, bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, các đơn vị kinh doanh phân phối thuốc yêu cầu phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và thu hồi lô thuốc, đồng thời cho biết, sẽ xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm lệnh cấm này.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trưởng phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến đội ngũ cán bộ y tế trong đơn vị và mạng lưới hành nghề y tế tư nhân không được phép lưu hành và sử dụng loại thuốc trên.
Nếu nhìn bao bì mẫu mã và hình thức bề ngoài của vỉ thuốc, có thể thấy sự “na ná nhau” giữa viên bao đường Hoạt huyết dưỡng não do Công ty Khải Hà sản xuất với sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não do Traphaco sản xuất. Rõ ràng, nếu sản phẩm của Công ty Khải Hà được tung ra thị trường, không loại trừ khả năng sẽ có người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm uy tín của Traphaco.
Trên đây chỉ là ví dụ nhỏ cho thấy, tình trạng hàng nhái, hàng giả đang khiến các doanh nghiệp đau đầu. Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp ông sản xuất hàng tiêu dùng bị một doanh nghiệp khác làm nhái sản phẩm. Điều nguy hiểm là doanh nghiệp kia sau khi sản xuất một lượng lớn hàng hóa đã đóng cửa, xin giải thể nhằm… rút êm.
Có thể nói, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là một quá trình rất cam go. Một mặt là do hạn chế của các cơ quan chức năng. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng rất e ngại lên tiếng về vấn đề này vì sợ người tiêu dùng không mua sản phẩm nữa trong bối cảnh “tranh tối, tranh sáng”.
Thực tế là Bia Heneiken từng bị ảnh hưởng lớn tại Hà Nội do người tiêu dùng sợ mua phải bia giả sau khi một clip làm bia giả nhãn hiệu Heneiken tại Trung Quốc được phát tán trên mạng.
Để ứng phó với tình trạng này, không có cách nào khác là doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo hộ tài sản trí tuệ, chủ động các biện pháp tự bảo vệ như sử dụng công nghệ chống giả, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm… để người tiêu dùng nhận biết.
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng nhái, ngoài việc tăng cường quản lý địa bàn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, cần sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp với các cơ quan thực thi tại Việt Nam, bao gồm cả việc tổ chức các khóa tập huấn nhằm cập nhật và nâng cao kỹ năng cho tất cả cơ quan thực thi, giúp phân biệt được hàng thật, hàng hóa xâm phạm quyền đối với những sản phẩm cụ thể.
“Đồng thời, doanh nghiệp cần phổ biến thông tin, cảnh báo rộng rãi giúp người tiêu dùng nhận diện được hàng thật và hàng xâm phạm quyền, để vừa hạn chế thiệt hại cho khách hàng, vừa góp phần ngăn chặn việc tiêu thụ hàng nhái”, vị này nhấn mạnh.
Từng xử lý nhiều vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, Luật sư Vũ Anh cho biết, các chủ sở hữu khi làm đơn yêu cầu xử lý vi phạm nên tìm hiểu kỹ cơ quan nào phụ trách chính về vấn đề này nhằm tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp làm đơn gửi đồng loạt tới nhiều cơ quan chức năng, dẫn đến xảy ra tình trạng cơ quan này nghĩ cơ quan khác sẽ xử lý nên không giải quyết. Ngoài ra, với các chứng cứ tự thu thập, các doanh nghiệp nên sử dụng thừa phát lại xác định chứng cứ trong giải quyết tranh chấp”, Luật sư Vũ Anh khuyến nghị.