Vẫn khó biết hiệu quả đầu tư của từng khu vực kinh tế

Nhiều kỳ vọng cho rằng, sau khi kết thúc điều tra vốn đầu tư phát triển đang được ngành thống kê thực hiện, người dân sẽ biết chính xác hiệu quả đầu tư của từng khu vực kinh tế. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, bà Hồ Thanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: “Không thể có ICOR riêng cho từng khu vực kinh tế”.
Bà Hồ Thanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bà Hồ Thanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Hiệu quả đầu tư thấp luôn được nhắc tại nhiều hội nghị, kể cả trên diễn đàn Quốc hội. Thưa bà, sau khi có kết quả điều tra, liệu có thể biết chính xác hiệu quả đầu tư của từng khu vực kinh tế?

Hiệu quả đầu tư hay hệ số đầu tư tăng trưởng, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm (ICOR) là chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư. ICOR càng cao, thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại.

Trong giai đoạn 2000 - 2014, ICOR của Việt Nam là 6,38. Trong đó, giai đoạn 2000 - 2007, ICOR là 5,12 và giai đoạn 2008 - 2014 là 7,4. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là hiệu quả đầu tư vốn của cả nền kinh tế, chứ không phải của khu vực nào, vì không thể đo được hiệu quả đầu tư của từng khu vực.

Nhưng tại sao nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đưa ra ICOR của khu vực kinh tế và chỉ ra rằng, đầu tư của Nhà nước kém hiệu quả nhất sau đó đến doanh nghiệp nhà nước?

Tôi không biết các chuyên gia kinh tế tính toán ICOR của từng khu vực thế nào, dựa vào đâu, căn cứ vào những dữ liệu nào, còn Tổng cục Thống kê chưa bao giờ công bố ICOR của từng khu vực kinh tế. Trên thế giới, người ta cũng chỉ tính và công bố ICOR cho cả nền kinh tế, chứ chưa từng có quốc gia nào tính ICOR cho từng khu vực kinh tế vì không thể tính toán được.

Vì sao vậy, thưa bà?

Khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư lấy hiệu quả kinh tế là mục tiêu cao nhất, trong khi doanh nghiệp nhà nước, ngoài hiệu quả kinh tế còn thực hiện nhiều mục tiêu xã hội khác.

Đơn cử, EVN đầu tư mạng lưới điện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hay kéo điện ra đảo Phú Quốc, Lý Sơn… thì không thể tính hiệu quả kinh tế được. Tương tự, các nhà mạng viễn thông đầu tư hạ tầng cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hay Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu vận chuyển xăng dầu lên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng không thể đo được hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế, nhưng về mặt xã hội thì có ý nghĩa vô cùng lớn.

Trong khi đó, đầu tư từ khu vực nhà nước bằng vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đi vay chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng mang tính chất dẫn dắt các khu vực khác đầu tư hoặc tạo điều kiện cho khu vực khác đầu tư, giải quyết an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, bảo đảm chính trị xã hội, nên không thể lấy hiệu quả kinh tế đơn thuần làm thước đo được. Ví dụ, ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển ở Trường Sa khi bị bệnh phải mổ, lực lượng quân đội ngay lập tức sử dụng máy bay được đầu tư bằng ngân sách đưa ngư dân vào đất liền thì làm sao có thể đo được hiệu quả kinh tế.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không thể có ICOR riêng cho từng khu vực kinh tế, vì Nhà nước chỉ đầu tư vào những gì mà khu vực khác không làm và các khu vực khác được hưởng lợi từ việc đầu tư của Nhà nước; DN nhà nước ngoài đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, còn phải đầu tư vào những khu vực, lĩnh vực mà khu vực tư nhân, nước ngoài không đầu tư do hiệu quả rất thấp.

Kết quả điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2015 là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Liệu có đưa ra được kết quả chính xác không khi mà việc điều tra vốn vô cùng phức tạp?

Chính vì vậy, năm 2014, bên cạnh việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận với các bộ ngành, viện nghiên cứu, trường đại học (đối tượng sử dụng thông tin), ban quản lý dự án/công trình (đối tượng cung cấp thông tin), chúng tôi đã tiến hành 2 đợt thí điểm điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2014 nhằm đánh giá tính đúng đắn, khả thi và hoàn thiện phương án điều tra, phiếu thu thập thông tin, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng cơ sở đánh giá khối lượng công việc, hoàn thiện phương pháp chọn mẫu và suy rộng cho cuộc điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2015…

Với sự chuẩn bị đầy đủ, tỷ mỷ, khoa học, tôi tin rằng, cuộc điều tra sẽ cho ra kết quả chính xác và là cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch huy động vốn và định hướng chính sách đầu tư cho giai đoạn tới.

Nhưng vấn đề là, nếu doanh nghiệp thiếu trung thực, thì kết quả điều tra sẽ có sai lệch rất lớn so với thực tế?

Việc đối tượng cung cấp thông tin thiếu trung thực, không chính xác, thậm chí “chế biến” thông tin, số liệu có lợi cho mình là bài toán muôn thuở của bất cứ cơ quan, đơn vị, tổ chức nào khi tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập số liệu.

Tuy nhiên, với các phương pháp đối chiếu, so sánh và nhiều chuyên môn, nghiệp vụ khác, điều tra viên có kinh nghiệm hoàn toàn có thể phát hiện được thông tin bất hợp lý mà doanh nghiệp cung cấp. Ý thức được điều này, ngành thống kê thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, phổ biến kiến thức, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo cho điều tra viên. Với đội ngũ điều tra viên hiện có, tôi tin rằng, cuộc điều tra vốn đầu tư phát triển sẽ có kết quả chính xác.

Mạnh Bôn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục