Cơ quan nhà nước đầu tiên đi… thuê trụ sở
Ông Kỳ chia sẻ, cách đây hơn 15 năm, TTCK Việt Nam chuẩn bị ra đời, nhưng UBCK chưa kịp xây dựng trụ sở làm việc, nên UBCK là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên ở thời điểm đó phải đi thuê văn phòng làm việc bằng tiền của ngân sách. Địa điểm thuê lúc đó là Tòa nhà Tung Shing (số 2 Ngô Quyền, Hà Nội), gần với trụ sở của UBCK tại 164 Trần Quang Khải hiện tại.
UBCK cũng là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên tổ chức khai trương hoạt động. Sự kiện này diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Ông Phan Văn Khải, khi đó là Phó Thủ tướng (sau này là Thủ tướng Chính phủ) thay mặt Chính phủ dự và phát biểu tại buổi lễ khai trương, với sự chứng kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên thị trường, các tổ chức quốc tế…
Cùng với sự lớn mạnh của bộ máy, cũng như những yêu cầu mới đặt ra cho cơ quan quản lý, một nhu cầu bức thiết đặt ra là cần sớm có trụ sở làm việc độc lập cho UBCK.
“Sau khi tốn khá nhiều thời gian và công sức khảo sát, tìm địa điểm phù hợp, để đề xuất Chính phủ, UBND TP. Hà Nội xem xét giao đất cho UBCK làm trụ sở làm việc, cuối cùng trụ sở của Bộ Thủy lợi ngày ấy được cải tạo để làm trụ sở làm việc của UBCK như ngày nay”, ông Kỳ nói và cho biết, khi tiếp quản trụ sở của Bộ Thủy lợi, mọi thứ rất xuống cấp, nên phải vừa cải tạo, vừa xây thêm một số hạng mục, mới đủ nơi làm việc cho các bộ phận chức năng của UBCK.
HOSE được ưu ái “đất đẹp”
Trên cương vị Chánh văn phòng đầu tiên của UBCK, ông Kỳ cùng thế hệ lãnh đạo đầu tiên của UBCK khá vất vả trong việc tìm đất để dựng trụ sở cho Sở GDCK TP. HCM (HOSE).
“Trước khi bắt tay vào công việc khảo sát, tìm kiếm địa điểm xây dựng trụ sở cho HOSE, tôi cùng các anh em giúp việc cho lãnh đạo UBCK khá lo lắng”, ông Kỳ nhớ lại. Lo bởi tiêu chí mà lãnh đạo đưa ra khá cao. Đó phải là nơi đắc địa bậc nhất của TP. HCM, nơi có nhiều người qua lại, gần với các công trình công cộng nổi bật để thuận tiện trong việc đưa hình ảnh của TTCK Việt Nam, vốn rất mới mẻ đến gần hơn với đông đảo người dân - lớp NĐT tiềm năng trong tương lai. Đồng thời, đó phải là nơi đủ rộng để tổ chức các hoạt động giao dịch, cũng như các sự kiện quan trọng khác của ngành chứng khoán.
“Vị trí đất đẹp, mà lại rộng, thì khó quá. Nhưng rất may là khi bắt tay vào công việc, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo UBND TP. HCM, nên nhiệm vụ từ chỗ rất khó khăn, nặng nề dần nhẹ nhõm hơn”, ông Kỳ nói và kể về một câu chuyện khá thú vị như thêm một minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ đối với TTCK ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập thị trường.
Đó là, ban đầu, Chính phủ quyết định cho phép sử dụng một phần trụ sở làm việc của Cơ quan đại diện Văn phòng Chính phủ ở phía Nam tại địa chỉ số 5 Lê Duẩn (TP. HCM), để lập trụ sở làm việc cho HOSE. Tuy nhiên, sau đó, qua khảo sát thực tế, địa điểm làm việc này khó đáp ứng được đặc thù phát triển của một Sở GDCK xét về dài hạn, nên Chính phủ cũng như lãnh đạo UBND TP. HCM đồng ý cho phép thành lập trụ sở HOSE tại số 45 Bến Chương Dương (đường Võ Văn Kiệt hiện tại). Địa điểm này khi đó là nơi làm việc của 7 sở, ban, ngành TP. HCM, nên phải mất khá nhiều thời gian, công sức di dời các cơ quan này đến nơi làm việc mới để nhường đất cho HOSE.
“Việc di dời các cơ quan cũ, cũng như giải phóng mặt bằng, khi đó gặp khá nhiều khó khăn. May mắn là trong lúc khó khăn ấy, Bộ Tài chính cấp ngân sách 50 tỷ đồng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nên cuối cùng HOSE đã có được một vị trí đẹp làm trụ sở khang trang, hiện đại như ngày nay”, ông Kỳ kể. hữu hòe
Kỳ II: Sau dựng nhà là mối lo… “nội thất”