Vẫn còn khoảng trống chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách tài khoá và tiền tệ của các quốc gia trên thế giới đã có những thay đổi trong năm 2022 và Việt Nam cũng theo xu hướng này. TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phân tích từng chính sách và đưa ra khuyến nghị để các chính sách phát huy hiệu quả hơn trong năm 2023.
TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Đại dịch Covid-19 cùng bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến bất lợi đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Với mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế, các chính sách tiền tệ và tài khoá đã có sự thay đổi trong năm 2022. Nhìn lại các chính sách này, ông có nhận định gì?

Chúng ta đều thấy rõ, bên cạnh tác động của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine là sự chuyển hướng nhanh của chính sách tài khoá và tiền tệ của Mỹ cùng các quốc gia châu Âu đã gây ra cú sốc trên toàn cầu, mặc dù các nước khác cũng đều chuyển hướng tương tự. Tính đến tháng 12/2022, theo thống kê của ADB, tất cả các nước trong khu vực châu Á đã tăng lãi suất tổng cộng gần 70 lần, trong khi năm 2021 chỉ có 20 lần. Mức độ nâng lãi suất cũng rất mạnh, từ 0,6 - 0,7%/năm, thể hiện rõ xu hướng chính sách tiền tệ siết chặt. Trong khi đó, chính sách tài khóa hay giải ngân đầu tư công, hỗ trợ chính sách tài khóa của các nước nhìn chung vẫn giữ ở mức linh hoạt.

Việt Nam cũng theo xu hướng này của các quốc gia trên thế giới. Rủi ro lạm phát tại nhiều nước rất lớn, tuy nhiên, đặc thù rủi ro lạm phát của Việt Nam không phải là do cầu kéo, mà là chi phí đẩy, hay nói đơn giản là Việt Nam nhập khẩu lạm phát, đặc biệt thông qua tỷ giá. Theo đó, điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng, giống xu hướng của các nước trên thế giới là chính sách tiền tệ siết chặt.

Điểm đáng chú ý của Việt Nam, bên cạnh chuyển hướng chính sách tiền tệ phù hợp với xu hướng, đó là không gây cú sốc mạnh cho nền kinh tế và nền kinh tế vẫn có thể hấp thụ được. Có ý kiến cho rằng, giai đoạn cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước gây sốc khi tăng mạnh lãi suất 2 lần, nhưng thực tế cho thấy, nền kinh tế có thể hấp thụ được, kể cả nếu không có vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế, thị trường trái phiếu đã ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Sự mất ổn định của thị trường trái phiếu xảy ra đồng thời với việc chuyển hướng chính sách tiền tệ đã tạo ra tác động mạnh đến thanh khoản của nền kinh tế. Nếu không có vấn đề xảy ra của trái phiếu doanh nghiệp, việc chuyển hướng của chính sách tiền tệ là phù hợp, đúng hướng và không có cách nào khác.

Tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14,7%, định hướng năm 2023 tăng khoảng 14 - 15%

Tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14,7%, định hướng năm 2023 tăng khoảng 14 - 15%

Trong bối cảnh thanh khoản của nền kinh tế biến động mạnh, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, dư địa chính sách tiền tệ hạn hẹp thực chất đã nhìn thấy từ đầu năm 2022, câu hỏi đặt ra là chính sách tài khoá đã làm hết trách nhiệm chưa? Diễn biến thực tế cho thấy, có độ vênh khi chính sách tiền tệ phải chuyển sang xu hướng thắt chặt, cộng với tác động của thị trường trái phiếu làm cho tính thanh khoản của thị trường giảm thì giải ngân đầu tư công và chính sách tài khoá dường như chưa thực sự hỗ trợ nền kinh tế, chưa thực sự bù lại khoảng trống thanh khoản trong nền kinh tế.

Chính sách tài khoá lẽ ra nên tăng cường hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vốn đang căng thẳng. Việc giảm thuế, tăng cường chi tiêu Chính phủ, tăng cường giải ngân đầu tư công… sẽ tác động tích cực theo nhiều hướng và tăng tính thanh khoản của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng, chi tiêu Chính phủ hay các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ chậm và chưa rõ ràng.

Những vấn đề của năm 2023 có lẽ đã rõ nét từ năm 2022, thưa ông?

Năm 2023, vai trò của chính sách tài khoá phải lớn hơn, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, chi tiêu của Chính phủ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Đúng là những yếu tố bên ngoài như suy thoái, rủi ro lạm phát, địa chính trị… vẫn còn, dẫn đến nhiều nhận định rằng, kinh tế thế giới tiếp tục u ám trong năm 2023, nhưng tôi cho rằng, bối cảnh và cơ hội của năm 2023 hơn hẳn năm 2022.

Có không ít ý kiến đề cập đến “cơn gió ngược”, nhưng theo tôi, “cơn gió xuôi” sẽ không hiếm và đây là điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2023, trong đó có Việt Nam.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm cường độ tăng lãi suất và điều này giúp hạ nhiệt tỷ giá của Việt Nam. Tỷ giá đang đi xuống sẽ mở ra cơ hội cho chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Thứ hai, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới mở cửa biên giới sau thời gian dài phong tỏa vì dịch Covid-19, tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực của Việt Nam, dù có thể gây sức ép lên thị trường năng lượng.

Thứ ba, Mỹ vẫn trong đà rơi vào suy thoái, nhưng sẽ giảm tốc, không trầm trọng, nặng nề, do đó vẫn có cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ tư, các quốc gia trong khu vực ASEAN đang duy trì đà tăng trưởng tốt, trong khi đây là thị trường xuất khẩu quan trọng, đứng thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU, Trung Quốc. Các quốc gia này cũng giống Việt Nam, kiểm soát được lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, vĩ mô ổn định, nên cơ hội xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.

Những “cơn gió xuôi” đã và sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm 2023.

Một thực tế khác cũng rất rõ là thách thức trong năm 2023 của Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2022, nhưng xuất phát từ nội tại.

Đầu tiên là câu chuyện thị trường vốn, Việt Nam chưa có giải pháp thực sự rõ ràng để vực dậy thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, có sự lẫn lộn giữa giải cứu bất động sản với duy trì tính thanh khoản, sự ổn định của thị trường tài chính. Khi đề cập đến việc xử lý vướng mắc liên quan đến thị trường vốn thì hầu như đều chỉ nghĩ đến giải cứu thị trường bất động sản.

Đúng là đầu tư bất động sản thời gian qua chiếm một phần rất lớn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là qua phát hành riêng lẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là đánh đồng giải quyết thanh khoản của nền kinh tế với giải cứu thị trường bất động sản. Điều này đã bộc lộ rõ ràng điểm yếu có tính cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam là dựa chủ yếu vào thị trường tiền tệ.

Câu chuyện tiếp theo là thị trường lao động với làn sóng giãn việc, mất việc trong thời điểm Covid-19 và cuối năm 2022 cho thấy độ phủ của mạng lưới an sinh xã hội rất mỏng.

Và vấn đề mấu chốt, đầu tư công nếu không giải quyết được các nút thắt giải ngân theo Chỉ thị của Thủ tướng sẽ là trở ngại lớn của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Tóm lại, thách thức nội tại xuất phát từ các vấn đề cơ cấu của Việt Nam.

Chính sách tiền tệ cần duy trì sự linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa các chính sách lãi suất, tỷ giá và điều hành tín dụng

Chính sách tiền tệ cần duy trì sự linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa các chính sách lãi suất, tỷ giá và điều hành tín dụng

Theo ông, năm 2023, chính sách tài khoá và tiền tệ nên được triển khai như thế nào để đưa nền kinh tế vượt qua sóng gió?

Trước tiên là câu chuyện chính sách tài khoá và giải ngân đầu tư công. Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Với hiện trạng cơ chế, bộ máy hành chính, điều phối như bây giờ…, liệu Việt Nam có đủ sức giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra không? Nói cách khác, việc giải ngân đầu tư công luôn đạt thấp hơn so với kế hoạch, cho dù con số tuyệt đối có thể tăng, cho thấy rõ ràng đây là vấn đề của hệ thống, làm hạn chế khả năng hấp thụ vốn của Việt Nam.

Chính sách tiền tệ đã phát huy vai trò tích cực và hiệu quả trong năm 2022, nhưng cần thận trọng với lạm phát năm 2023. Rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa sẽ tác động mạnh đến giá dầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro lạm phát, chính sách tiền tệ nên duy trì sự linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa các chính sách lãi suất, tỷ giá và điều hành tín dụng.

Tôi muốn đề cập đến vấn đề gánh nặng lên hệ thống ngân hàng trong bối cảnh bản thân ngân hàng cũng chịu nhiều khó khăn. Dư địa của chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất hai lần trong năm 2022. Dự trữ ngoại hối ở mức tiệm cận 3 tháng nhập khẩu. Rủi ro lạm phát, áp lực lên tỷ giá vẫn hiện hữu.

Ngoài ra, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã giảm từ 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tăng lên 25,2% vào tháng 6/2022, nguồn thu từ lãi và phí của ngân hàng bắt đầu chịu áp lực vào cuối năm 2022 và nhiều khả năng tiếp tục chịu áp lực trong năm 2023. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) của nhiều ngân hàng đã vượt khỏi mức an toàn và nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Do vậy, nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ kinh tế, đặc biệt trong xử lý các vấn đề của thị trường vốn có thể sẽ gây ra hệ lụy với hệ thống trong dài hạn.

Theo đó, năm 2023, vai trò của chính sách tài khoá phải lớn hơn, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, chi tiêu của Chính phủ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Phải xác định lại việc xử lý thanh khoản của nền kinh tế năm 2023 khi thị trường không thể tự điều tiết, mà không có những hệ lụy xấu. Sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách tài khóa, đầu tư công là cần thiết để san sẻ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025). Nếu giải ngân được và nền kinh tế hấp thụ được khoản tiền này sẽ có tác động đa chiều rất lớn cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng cơ bản, liên quan đến hoạt động bất động sản và giải quyết phần nào thanh khoản của nền kinh tế, dòng tiền của doanh nghiệp.

Ông vừa đề cập, Việt Nam đang dựa nhiều vào chính sách tiền tệ dẫn đến những bất cập trong nền kinh tế. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì?

Việt Nam từ trước đến nay dựa nhiều vào tín dụng và đã có rất nhiều báo cáo phân tích về bất cập này. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ một trong các nguyên nhân chính là cơ cấu của doanh nghiệp Việt Nam. Trên 96% doanh nghiệp Việt Nam siêu nhỏ và nhỏ, khoảng 3 - 4% là doanh nghiệp vừa, chưa đến 1% là doanh nghiệp lớn. Để phát triển thị trường vốn, cần những doanh nghiệp phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) ít nhất có quy mô vừa. Trong khi đó, doanh nghiệp quy mô vừa quá ít để có thể thực sự tạo ra thị trường, hay nói cách khác, cơ sở khách hàng đối với thị trường vốn của Việt Nam là yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước không cần vay vốn trên thị trường vốn, mà cứ vay trên thị trường tiền tệ, bởi đã có Nhà nước hỗ trợ.

Chính vì vậy, nền kinh tế Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn phải dựa vào tín dụng đến 60 - 70%. Để phát triển thị trường vốn, cần nền tảng khách hàng, cần có sự chuyển đổi rõ ràng trong cơ cấu doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng do tác động của đại dịch, các quốc gia trên thế giới đã sử dụng chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ. Nhìn lại Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào?

Theo cơ sở dữ liệu chính sách tài khoá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính đến tháng 9/2021, thời điểm cao trào của dịch Covid-19 cho thấy, chính sách tài khoá Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực ở mức rất thấp (chi tiêu chính phủ và cắt giảm thuế) là 1,8% GDP, trong khi Philippines là 4,5% GDP, Indonesia là 9,3% GDP, Thái Lan là 14,6% GDP, Ấn Độ là 4,1% GDP, Trung Quốc là 4,8% GDP, Singapore là 18,4% GDP.

Cho đến tháng 1/2022, Quốc hội đồng ý việc tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 - 2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, có thể lên tới trên 320.000 tỷ đồng từ các nguồn trong và ngoài nước đã đẩy mức độ hỗ trợ của Việt Nam, nhưng lại vấp phải vấn đề thực hiện quá chậm do thủ tục phức tạp. Như vậy, có thể thấy ngoài số lượng, vấn đề thực hiện nhanh và hiệu quả là rất quan trọng.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục