Áp lực từ tỷ giá, lạm phát
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo, trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại, một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6 - 6,5% (kịch bản cơ sở). Trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8 - 10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9 - 10%.
Về lạm phát, TS. Lực dự báo CPI bình quân năm 2023 ở mức 4 - 4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022. Năm 2023 cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...). Áp lực tăng lãi suất, tỷ giá vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô.
“Lạm phát ngay quý đầu năm 2023 ước trên 5% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, giá hàng hóa thế giới vẫn là ẩn số khó lường, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, nhìn chung, rủi ro về đà tăng của lãi suất USD quốc tế chưa sớm dừng lại, cộng với lạm phát trong nước ở mức cao sẽ là các yếu tố khiến chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng. Mặc dù vậy, nếu so với năm 2022 thì bối cảnh đã phần nào dễ thở hơn, bởi trên thị trường quốc tế, đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, tiêu biểu là Fed dự kiến sẽ ở mức độ “khiêm tốn”, khoảng 0,5%, sau đó dừng lại và không loại trừ việc có thể xem xét nới lỏng vào cuối năm.
“Ở trong nước, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến có xu hướng tăng cao hơn so với năm 2022 nhưng nhiều khả năng vẫn được kiểm soát trong mức mục tiêu dưới 4,5% của Chính phủ. Đồng thời, nền kinh tế cũng dự kiến tăng trưởng chậm lại, đòi hỏi cần sự hỗ trợ nhiều hơn. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND dự kiến có xu hướng ổn định hơn cũng là nhân tố quan trọng góp phần giảm bớt gánh nặng thắt chặt cho nhà điều hành”, vị lãnh đạo BIDV dự báo.
Liên quan đến công cụ điều hành, lãnh đạo BIDV kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định các loại lãi suất chính sách trong năm 2023, đồng thời có thể điều tiết các công cụ trên thị trường mở linh hoạt theo hướng bớt chặt chẽ, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Đối với tín dụng, NHNN dự kiến sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức độ vừa phải, có thể tiếp tục xoay quanh khoảng 13 - 14% trong năm 2023.
Đồng quan điểm trên, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
"Cuối tháng 12/2022, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt” để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, ông Quang chia sẻ.
Các chuyên gia phân tích của SSI cũng cho rằng, với mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011 - 2012) và tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các yếu tố từ bên ngoài, kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Ưu tiên mục tiêu ổn định vĩ mô
Nhận định được bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đưa ra, NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023 - 2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Nguyên nhân là bởi, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó chính sách “diều hâu” của Fed gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất và áp lực lạm phát.
Còn bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC nhận định, trong khi lạm phát chính của năm đã tương đối thấp ở mức 3,2%, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên. Tháng 12/2022 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4%. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng lên 5% so với cùng kỳ năm trước mà Việt Nam còn chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng lên.
“Điều này có nghĩa là NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt”, bà Yun Liu nói.
Cũng theo bà Yun Liu, “là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái điều chỉnh, NHNN đã chủ động bắt kịp xu hướng chung, tăng lãi suất 200 điểm cơ sở trong năm 2022. Trong khi chúng tôi kỳ vọng NHNN thắt chặt tiền tệ chậm lại khi Fed được dự báo sẽ giảm tốc và biến động ngoại tệ được xoa dịu, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I – II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7,0%/năm vào giữa năm 2023”.
Định hướng điều hành trong năm 2023 hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định bền vững an toàn lành mạnh. Khi mục tiêu xuyên suốt này đạt được, NHNN sẽ linh hoạt trong các điều hành.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN dự báo, năm 2023, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái rất lớn, đặc biệt là các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Fed tiếp tục xu hướng tăng lãi suất và duy trì mặt bằng lãi suất cao tới cuối năm 2024 mới có thể giảm lãi suất. Mặt bằng lạm phát, lãi suất cao tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu tiếp tục duy trì.
“Tất nhiên, tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng đó vào kinh tế Việt Nam có thể không như năm 2022 nhưng vẫn dai dẳng trong năm 2023”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cũng chỉ rõ dấu hiệu đáng quan ngại trong nước là mức tăng của lạm phát cơ bản, lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66% so với cùng kỳ và sau đó tăng liên tục nhanh, mạnh, đến tháng 11 lên tới 4,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây thể hiện sức ép lạm phát cho năm tới là rất lớn.
Cũng theo ông Quang, định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023 là không thể chủ quan với lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định đồng tiền. Đây là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng. Định hướng điều hành trong năm 2023 cũng hướng tới mục tiêu này: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định bền vững an toàn lành mạnh. Khi mục tiêu xuyên suốt này đạt được, NHNN sẽ linh hoạt trong các điều hành.
Ông Quang nói, nhìn chung với các dự báo vĩ mô như trên, việc định hướng điều hành trong năm 2023 từ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng… có rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới gần 730 tỷ USD, tương đương với 190% GDP.