Nguyên nhân được đưa ra là do lượng dự trữ tại Nga giảm và lượng cung vonfram tự nhiên cũng giảm. Do vậy, đợt tăng giá này được Edison Investment Research dự báo sẽ còn tiếp tục và giá vonfram có cơ hội lên ngưỡng 400 USD/mtu vào năm 2018.
Cung giảm, đẩy giá tăng mạnh
Nắm giữ 70% sản lượng vonfram toàn cầu, Trung Quốc vẫn muốn tận dụng tối đa lợi thế độc quyền để hưởng lợi khi dòng kim loại này tăng giá, nhưng tình hình khai thác trong nước không cho phép. Trước bối cảnh ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, Chính phủ nước này đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh tay, thậm chí yêu cầu đóng mỏ, áp dụng hạn ngạch sản xuất, xuất khẩu vonfram…
Đồng thời, dành ưu tiên hơn cho các sản phẩm vonfram trung và cao cấp. Theo đó, quota xuất khẩu vonfram từ Trung Quốc đã giảm mạnh, năm 2002 là 18.100 tấn, nhưng đến năm 2012 đã giảm xuống 15.400 tấn.
Một câu chuyện khác, đó là trong hơn 400 mỏ vonfram tập trung ở tỉnh Giang Tây, số “mỏ già” đang gia tăng, có mỏ đã hơn 30 năm. “Mỏ già” cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng suy giảm và chất lượng quặng thấp.
Bên cạnh đó, yếu tố giá nhân công tăng mạnh những năm gần đây cũng gây thêm áp lực cho các mỏ vonfram của nước này. Lương công nhân ở Trung Quốc đã tăng 12%/năm trong thập kỷ trước, theo Helen Qiao, trưởng nhóm kinh tế của Hãng Goldman Sachs - Hong Kong.
Khai thác mới gặp hạn chế và kho dự trữ của các chính phủ đã cạn kiệt khiến nguồn cung giảm, nhưng nhu cầu vonfarm toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình 3%/năm tính đến năm 2020.
Vonfram có giá trị chiến lược cao trong phát triển kinh tế và quốc phòng của mọi quốc gia. Kể cả nước có thể tự khai thác vonfram và kho dự trữ lớn là Nga cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Tổng Thống Nga Putin đã có cách nhìn mới trong chính sách kinh tế kể từ khi trở thành người lãnh đạo nước Nga vào năm 2000, bắt đầu khôi phục lại vị trí “người chơi chính” trên thị trường công nghiệp quốc phòng thế giới. Việc phát triển công nghiệp quốc phòng của Nga đang đòi hỏi vonfram một cách gay gắt để sản xuất các loại khí tài, chẳng hạn như đạn cho dòng dòng xe tăng chủ lực của Nga là T-90S/SK.
Quyết định tăng thuế xuất khẩu đối với quặng và tinh quặng vonfram lên tới 10% vào tháng 11/2013 của Chính phủ Nga chỉ đủ sức làm chậm tốc độ tăng nhu cầu vonfram trong nước, mà không thay đổi được tình trạng suy giảm nguồn vonfram dự trữ của chính nước Nga.
Nguy cơ đứt gãy nguồn cung
Nhìn vào bản đồ vonfram thế giới, ngay cả khi sản lượng sụt giảm, Trung Quốc vẫn đang là nước sản xuất vonfram lớn nhất thế giới, chiếm 4/5 sản lượng toàn cầu. Sản lượng từ Nga cũng giảm dần. Năm 2016, nước này chỉ sản xuất được 2.600 tấn vonfram. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu sản xuất khoảng 5% tổng lượng cung thế giới, dù tiêu thụ tới 55% lượng vonfram toàn cầu.
Thực ra, không phải đến bây giờ, khi nguồn cung có nguy cơ đứt gãy, những nước có nhu cầu vonfram mới ráo riết tìm nguồn cung mới. EMC Metals, một công ty khai thác mỏ vonfram của Mỹ từ năm 2013 đã mở lại mỏ Springer tại Neveda nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của các tập đoàn công nghệ, tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới của chính nước Mỹ. Sản lượng vonfram Mỹ buộc phải nhập từ Trung Quốc mỗi năm lên đến 40%.
Dù vậy, chiến lược biến lợi thế thành quyền lực nhằm độc quyền kiểm soát thị trường vonfram thế giới có vẻ như đang tuột dần khỏi Trung Quốc, kể từ khi mỏ Núi Pháo của Việt Nam tham gia thị trường vonfram thế giới gần 10 năm trước.
Sức cạnh tranh trên các dòng sản phẩm vonfram trung và cao cấp của Trung Quốc đến nay đã giảm cả lượng và chất xuống mức thấp. Đã có một số khách hàng của Trung Quốc chuyển 30-40% đơn hàng mua vonfram sang Việt Nam. Năm ngoái, xuất khẩu sản phẩm vonfram trung cấp của Trung Quốc sụt giảm tới 9%.
Lợi thế của Masan Resources
Với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn, vòng đời ước tính là 20 năm, Masan Resources có thể được hưởng lợi từ xu thế này để tăng thị phần của thị trường ngoài Trung Quốc lên 40% trong năm 2017, trở thành nhà cung cấp khoáng sản công nghiệp trọng điểm, gồm
vonfram, florit và bismuth.
Đã có nhiều đồn đoán về việc Masan Resources có thể đạt mục tiêu 3 tỷ USD và dẫn dắt sự thay đổi của thị trường vonfram thế giới đến sớm hơn mục tiêu 2020 mà công ty này đề ra. Thực tế, những đồn đoán này không phải là thiếu căn cứ. Đến nay, sản lượng của Masan Resources đã lớn gần gấp đôi nguồn cung từ Nga.
Lợi thế của một mỏ lộ thiên, cũng như giá nhân công thấp giúp Masan Resources có chi phí khai thác cạnh tranh. Masan Resources đã xây dựng được nhà máy chế biến khoáng sản tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam, với quy mô lớn và khả năng sản xuất 4 loại khoáng sản và kim loại khác nhau từ một thân quặng duy nhất. Sản lượng đạt mức kỷ lục đối với tất cả các mặt hàng vào năm 2016 là nền tảng để Masan
Resources thực hiện mục tiêu này.
Trên cơ sở quy đổi tương đương, sản lượng vonfram đã tăng hơn 26% so với năm trước. Sản lượng vonfram và bismut đã tăng lần lượt là 24% và 51% so với năm 2015. Hơn nữa, việc gia tăng lượng quặng được chế biến, tăng tỷ lệ thu hồi và các thông số quan trọng khác của nhà máy là thành quả trực tiếp đạt được từ các dự án đầu tư có định hướng đã được thực hiện trong cả năm 2016.
Theo đánh giá của các thành viên Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF) sau chuyến khảo nghiệm hồi tháng 5/2017, mỏ Núi Pháo đã đạt được 3 yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, vận hành trên cơ sở kiến thức, năng lực nội địa; môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển bằng sự chủ động làm việc với cộng đồng địa phương.
Thứ hai, tiếp cận vốn và dòng tiền để mua lại và phát triển các dự án giá trị, đảm bảo hiện thực hóa các giá trị lâu dài và bền vững của cổ đông. Thứ ba, xây dựng cơ chế giảm thiểu rủi ro của dự án.
Masan Resources đã phòng ngừa biến động giá cả thị trường thông qua việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm kim loại và khoáng sản, đồng thời dựa vào khả năng quản lý khai thác mạng lưới nhà đầu tư và đối tác rộng lớn để có mức rủi ro về vận hành và tài chính thấp.
Sức ép lớn hơn từ các doanh nghiệp Trung Quốc
Trên thực tế, mỏ Núi Pháo của Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp giảm bớt sức ép nguồn cung từ Trung Quốc. Ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc Masan Resources cho biết: “Nhà máy đã đạt tới 95% công suất thiết kế, 90% sản lượng là do H.C.Starck bao tiêu ra toàn cầu bằng các hợp đồng bán hàng dài hạn, có những hợp đồng chiến lược kéo dài tới 8 năm”. Ngoài ra, Masan
Resources đang đẩy mạnh xuất khẩu vonfram thành phẩm sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới.
Trên thực tế, việc tìm kiếm nguồn cung vonfram từ Việt Nam là không dễ dàng, ngay cả những khách mới cũng rất khó chen chân. Mới đây, The Telegraph dẫn tin từ Bộ Thép của Ấn Độ về một văn bản đang được bộ này trình chính phủ nước này chấp thuận nguyên tắc cho Tập đoàn NMDC (tập đoàn khoáng sản thuộc sở hữu của Chính phủ Ấn Độ) mua cổ phần của Masan Resources, công ty sở hữu mỏ Núi Pháo. Nếu được Chính phủ Ấn Độ đồng ý và hỗ trợ, NMDC có thể trở thành cổ đông thiểu số tại Masan Resources.
Thế nhưng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không ngồi nhìn Việt Nam lên hạng, dẫn dắt thị trường vonfram ngoài Trung Quốc. Nếu tuyên bố mới đây của China Molybdenum (một công ty được cho là có sự hậu thuẫn từ Chính phủ Trung Quốc) là thật, thì một quỹ đầu tư với số vốn tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ được lập ra để thu gom vonfram ngoài Trung Quốc. Giá trị này tương đương với 1/3 tổng lượng cung của Trung Quốc thời điểm 2014.
Nhờ vị trí địa lý liền kề, các doanh nghiệp Trung Quốc đều hiểu rõ những khó khăn hiện tại của mỏ Núi Pháo, từ các quy định chặt chẽ về môi trường đến các sắc thuế luôn ở mức cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, thuế khai thác tài nguyên tăng mạnh với mặt hàng vonfram. Từ 1/7/2017, Núi Pháo phải thực hiện khung giá tính thuế tài nguyên mới, dù năm 2014, mức thuế khai thác tài nguyên được điều chỉnh tăng mạnh với mặt hàng vonfram, từ 10% lên 18%, đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các mỏ, đặc biệt là kết quả kinh doanh của các mỏ có vốn đầu tư tài sản cố định lớn như Núi Pháo.
Hiện tại, các nhà kinh doanh, tiêu thụ vonfram trên thế giới đang đứng trước 2 lựa chọn: Tham gia vào các nước có mỏ vonfram để phát triển các bậc quặng, cũng như chế biến sản phẩm chất lượng cao để phục vụ thị trường thế giới, hoặc đầu tư phát triển các mỏ mới ở các nước tiềm năng khác để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, dù chọn cách nào, các nhà kinh doanh, tiêu thụ vonfram cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các công ty Trung Quốc trên khắp toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, sở hữu một nguồn lực đang độ chín như mỏ Núi Pháo vốn đang trong giai đoạn vận hành ổn định và an toàn nhất, thì một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm như Masan sẽ không bỏ qua cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc chiếm lĩnh vị thế chi phối của mình trên thị trường vonfram toàn cầu, tạo sức ảnh hưởng trên thị trường giá cả, giành quyền chủ động trong lựa chọn khách hàng và đối tác chiến lược; đồng thời tiếp tục đà cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí đầu vào và nội địa hóa đội ngũ chuyên gia nước ngoài.
Vonfram là một kim loại màu xám đến trắng với 3 đặc tính chính. Thứ nhất, điểm nóng chảy cao nhất trong mọi kim loại. Thứ hai, độ cứng gần bằng kim cương, với độ bền kéo và kháng mòn rất cao. Thứ ba, vonfram nặng, tỷ trọng tương đương với vàng. Với những đặc tính độc đáo này, vonfram được sử dụng trong một loạt ứng dụng công nghiệp, mà gần như không thể thay thế bằng kim loại khác.