“Vai trò kép” năm 2020 nâng tầm vị thế Việt Nam

Nếu như 20 năm trước, Phó thủ tướng Vũ Khoan “mượn” câu nói “I have a dream” để nói về giấc mơ của mình khi đặt quan hệ hợp tác kinh doanh với nước lớn, thì năm 2020, Việt Nam khẳng định vị thế chủ động tham gia dẫn dắt cuộc chơi trên nhiều diễn đàn đa phương với vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ nhấn nút khai trương website ASEAN 2020, khởi động cho năm đối ngoại “bận rộn” của Việt Nam. Ảnh: Chí Cường Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ nhấn nút khai trương website ASEAN 2020, khởi động cho năm đối ngoại “bận rộn” của Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

“I have a dream…”

Mỗi khi nói về quá trình hội nhập của Việt Nam, nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Khoan luôn khiến người đối diện bất ngờ với những câu chuyện mang tính “thâm cung bí sử”.

Một trong những câu chuyện thú vị đó là thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, khi ông đang giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

“Tôi nhớ, khi gia nhập ASEAN, tôi là người được cử đi để làm các việc ‘bếp núc’, chuẩn bị các thủ tục cần thiết, được Bộ Chính trị chỉ đạo từng việc một”, ông bắt đầu câu chuyện.

Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khi ấy sang Bangkok trước, còn Thứ trưởng Vũ Khoan ở lại họp Thường vụ Bộ Chính trị để bàn “gia nhập hay không gia nhập” ASEAN, cuối cùng, quyết định gia nhập.

“Lúc tôi sang Bangkok, đến phần có kết nạp Việt Nam hay không, ở nhà, Bộ Chính trị đã quyết định gia nhập, nhưng khi các bạn ASEAN mời tôi vào phòng riêng để làm thủ tục thì lại phát sinh một việc, mình phải ký vào một hiệp định tổng thể về thuế quan ưu đãi. Lúc ấy còn ngỡ ngàng lắm, chưa biết thế nào, nhưng đường hướng gia nhập chung đã có rồi. Chúng tôi quyết định đàm phán với các bạn là, trước mắt, Việt Nam chưa ký ngay được. Việt Nam gia nhập ASEAN về chính trị trước đã, như thế sẽ có thời gian để cân nhắc thêm”, ông nhớ lại.

Nhắc lại sự kiện cuối tháng 12/1946, trong bối cảnh Việt Nam vừa giành được độc lập hơn một năm trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Liên hợp quốc một bức thư, trong đó tuyên bố Việt Nam sẵn sàng hội nhập quốc tế, ông Vũ Khoan cho rằng, đó là những minh chứng cho thấy đường lối hội nhập của Việt Nam là xuyên suốt, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chứ không phải mới đây.

Cũng trong năm Việt Nam gia nhập ASEAN, một sự kiện khác đánh dấu bước đi chiến lược trong hội nhập quốc tế của Việt Nam mà ông Vũ Khoan ghi nhớ là Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Sự kiện này thực sự mở toang cánh cửa hội nhập kinh tế của Việt Nam ra thế giới.

Nhớ về thời điểm ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, ông Vũ Khoan kể, lúc đó, mặc dù đã ký kết, nhưng hiểu biết của Việt Nam về thị trường Hoa Kỳ không nhiều, doanh nghiệp Việt Nam chưa có mối quan hệ với các doanh nghiệp phía bạn. “Lúc đó, tôi cảm tưởng, doanh nghiệp mình cứ chờ khách hàng đến, bán hàng - làm thế thì chết”, ông cười.

Vậy là, ông đề xuất và được Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho thành lập hệ thống xúc tiến thương mại. “Tôi coi những chuyến đi Mỹ là để xúc tiến thương mại. Chơi với Mỹ thì phải theo văn hóa Mỹ, trong một bữa tiệc quan trọng, tôi có mở đầu bằng câu nói của Martin Luther King: ‘I have a dream’ (tôi có một giấc mơ - PV), từ đó, tạo được ấn tượng tốt với phía bạn”, ông kể.

Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, có 2 điều ông muốn nói đến đằng sau những câu chuyện ngoại giao, đàm phán, hội nhập.

Thứ nhất, đàm phán gì chăng nữa, dù là kinh tế, khoa học hay văn hóa, thì đằng sau cũng là chính trị. Lợi ích về kinh tế và lợi ích về chính trị song hành với nhau.

Thứ hai, trong đàm phán phải nắm được phía đối tác muốn gì, phía ta muốn gì; ta có gì và nhân nhượng đến đâu và đối chiếu với phía đối tác, tìm điểm trùng rồi mới đi đến thỏa thuận được. “Biết mình, biết người, biết thời thế, biết luật chơi”…, đó là 2 bài học cơ bản, áp dụng cả vào đàm phán thương mại, chính trị và kinh tế.

Tận dụng cơ hội từ “vai trò kép”

“Biết mình, biết người, biết thời thế, biết luật chơi”, nhờ đó mà trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động với phương châm đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” trong các diễn đàn, tổ chức đa phương, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2020 sẽ là năm “bận rộn” của ngoại giao Việt Nam, nhưng đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam ở một tầm cao mới, khi đảm nhận “vai trò kép” vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Trong bài viết đầu năm mới của mình, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, đó là những trọng trách khu vực và quốc tế có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam.

Đó là cơ hội quan trọng để chúng ta đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; là dịp để ta khẳng định tâm thế của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Những trọng trách đa phương này cũng là thời cơ để Việt Nam tranh thủ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa ta và các nước, tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) Choi Shing Kwok cho rằng, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thể hiện khả năng dẫn dắt và điều phối, để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, hướng tới xây dựng cộng đồng bền vững.

Thêm vào đó, với việc đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trên phạm vi toàn cầu, đồng thời, giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.

Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, thế của ASEAN so với các nước đã khác rất nhiều khi các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc… đều coi trọng ASEAN. Đối với Biển Đông, với thái độ tích cực của mình, ASEAN cũng có thể đóng góp được rất nhiều vào hòa bình, ổn định trên Biển Đông, ủng hộ Luật Biển và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông (COC). Do đó, khả năng phát huy vai trò dẫn dắt của ASEAN rất lớn.

Trong thông điệp đầu năm 2020, nhân dịp Việt Nam đảm nhận trọng trách mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tại cả hai diễn đàn quan trọng này, chúng ta sẽ cùng các nước thành viên và bạn bè, đối tác tập trung vào 3 định hướng lớn.

Một là, đề cao lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Hai là, thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đặc biệt, nhân dịp này, tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Ba là, chủ động và tích cực đóng góp vào việc giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Quyết tâm đảm nhiệm thành công cả hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 thể hiện sự nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra; thể hiện khát vọng của Việt Nam đóng góp cho hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ hơn nữa các điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước ta.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục