Báo chí góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, báo chí luôn phối hợp chặt chẽ với ngoại giao, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ về một Việt Nam đang vươn lên và là điểm đến của hợp tác, đầu tư.
Báo chí góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Một Việt Nam hội nhập, năng động trong mắt phóng viên quốc tế

Những ngày cuối tháng 2/2019, Trung tâm Báo chí quốc tế tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô tấp nập phóng viên trong nước và quốc tế đến đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội.

Các phóng viên đều đánh giá rất cao sự chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết tại đây, khi Ban Tổ chức đã tạo điều kiện và không gian tác nghiệp tốt nhất cho gần 3.000 nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới.

Từng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore, nhà báo Jan Lund đang công tác tại Báo Jyllands-Posten (Đan Mạch) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư: “Tôi biết họ đã mất 2 tháng chuẩn bị, nhưng nhiều thứ không thể bằng ở Việt Nam”.

Trong khi đó, nhà báo Võ Trung Dũng, Tổng biên tập Asia Pacifique Media (Cộng hòa Pháp) lại không bất ngờ vì điều này, bởi ông Dũng từng tham gia đưa tin về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. “Sự kiện Việt Nam tổ chức thành công hội nghị lần này chắc chắn sẽ có tác động tốt tới hoạt động đầu tư”, ông Dũng bày tỏ.

Có thể nói, tất cả những nhà báo quốc tế mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung cảm nhận là hết sức ấn tượng với cách tổ chức của Việt Nam. “Chúng tôi mong có thể quay lại Việt Nam một lần nữa”, nhà báo Nattakorn Ploddee của Bangkok Media and Broadcasting (Thái Lan) hồi hởi nói.

Sự ấn tượng ấy không đến một cách ngẫu nhiên. Các phóng viên trong nước theo sát sự kiện chắc hẳn không thể quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ 2 lần tới thị sát Trung tâm Báo chí quốc tế trước khi diễn ra sự kiện. “Chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ tốt nhất. Bên cạnh phục vụ phóng viên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam đến thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong cuộc thị sát vào sáng ngày 24/2.

Kết quả của sự chuẩn bị chu đáo ấy là hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, phát triển năng động, hội nhập được phác họa trên hàng ngàn bài báo quốc tế.

“Thành công lần này đem lại vị thế mới, nâng lên tầm cao mới cho đất nước và dân tộc ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong cuộc họp tổng kết công tác tổ chức phục vụ Hội nghị. Đây là thông điệp mạnh mẽ với cộng đồng thế giới về sự sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát huy tinh thần xây dựng, tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới.

“Hữu xã tự nhiên hương”

Không chỉ riêng sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, mà trong những năm qua, với chính sách đối ngoại chủ động hội nhập, tham gia định hình luật chơi quốc tế, Việt Nam đã nhiều lần trở thành “tâm điểm” của thế giới khi đăng cai các sự kiện đối ngoại đa phương như Tuần lễ cấp cao APEC 2006, APEC 2017; các Hội nghị cấp cao ASEAN 16, 17; Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132…

Trong đó, báo chí đã đóng góp vào thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác thông tin truyền thông, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Hoạt động thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Việt Nam không chỉ là đất nước hòa bình, ổn định, năng động, đổi mới và phát triển nhanh, bền vững, mà còn là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện về đầu tư, thương mại và du lịch”, Thủ tướng nói.

Là một đất nước bước ra từ những cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh và những giá trị của hòa bình. Với hình ảnh một quốc gia từng bước xây dựng và vươn lên phát triển mạnh mẽ, sự kiện Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu “chưa từng có” 192/193 phiếu đã cho thấy, từ một quốc gia “vì hòa bình”, Việt Nam đã và đang chủ động tham gia góp phần giải quyết xung đột, kiến tạo hòa bình cho thế giới.

Thông qua báo chí, truyền thông, điều đó sẽ được cộng hưởng, tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia, tạo nên giá trị Việt, thương hiệu Việt, là bước đi dẫn đường cho các sản phẩm, thương hiệu “Made in Vietnam” vươn ra thị trường thế giới.

Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác thông tin truyền thông, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục