Vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thực sự quan trọng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cơ quan xếp hạng đã trở thành cột thu lôi của những lời chỉ trích trong thời gian gần đây, nhưng họ vẫn đang thực hiện tốt vai trò của mình.
Vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thực sự quan trọng?

Thời điểm 15 năm trước, vào tháng 8/2008, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trên thế giới đã ở giữa thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sắp đạt đến đỉnh điểm dẫn tới “sự trung thành” của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành trái phiếu - đã vượt quá giới hạn của sự lành mạnh. Sự tồn tại của mô hình kinh doanh của các cơ quan xếp hạng đã trở nên không chắc chắn.

Trong thời kỳ thị trường tài chính bùng nổ năm 2021, Moody’s Investors Service - một trong ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn đã kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu, so với 1,8 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2007. Mô hình kinh doanh “issuer-pays”, trong đó tổ chức được xếp hạng là khách hàng của cơ quan xếp hạng và trả phí cho tất cả các hoạt động xếp hạng, và trái phiếu của các tổ chức được xếp hạng gặp khó khăn đã tạo ra xung đột lợi ích cho các cơ quan xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, mặc dù phần lớn mô hình kinh doanh này không được cải tổ, nhưng các cơ quan xếp hạng vẫn hoạt động tốt vai trò của mình trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, các cơ quan đánh giá thường thu hút sự quan tâm khi chúng ít quan trọng nhất. Đó là những gì đã xảy ra mới đây vào ngày 1/8, khi Fitch Ratings - một trong ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn đã hạ xếp hạng của chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+.

Xét cho cùng, quyết định của các cơ quan xếp hạng không cung cấp kiến thức chuyên môn vượt trội dùng để phân tích và đánh giá tình hình tài chính của các nước giàu, nhưng dữ liệu kinh tế mà các cơ quan xếp hạng đưa ra được những người khác theo dõi rộng rãi.

Vào năm 2015, các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ đã được giải phóng khỏi việc phải sử dụng xếp hạng tín nhiệm để làm thước đo duy nhất đưa ra quyết định có nên đầu tư vào chứng khoán hay không. Các quỹ giờ đây có thể xác định rằng một chứng khoán đại diện cho “rủi ro tín nhiệm tối thiểu”. Điều này có nghĩa là việc hạ bậc xếp hạng trái phiếu Kho bạc Mỹ ít quan trọng hơn trước.

Tuy nhiên, các cơ quan xếp hạng vẫn giữ hai vai trò quan trọng. Đầu tiên, họ tổng hợp, sắp xếp và công bố thông tin về những tổ chức đi vay, mà các nhà đầu tư có thể phân tích và sử dụng để so sánh chúng. Thứ hai, các cơ quan xếp hạng hoạt động như một con dấu chứng nhận trên tài sản. Các cơ quan quản lý ngân hàng sẽ sử dụng xếp hạng tín nhiệm để xác định các yêu cầu về vốn đối với ngân hàng; còn quỹ đầu tư sử dụng xếp hạng tín nhiệm để quyết định những gì họ nên và không nên nắm giữ.

Bên cạnh đó, các cơ quan xếp hạng có một công việc khó khăn là không muốn thu hút sự chú ý tiêu cực về kết quả xếp hạng. Trong thời kỳ khó khăn tài chính sâu sắc đầu đại dịch Covid-19, các cơ quan xếp hạng đã lặng lẽ quản lý điều đó. Vào năm 2020, 198 công ty được xếp hạng bởi S&P Global Ratings đã vỡ nợ, nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, trong khi 11 công ty được xếp hạng đầu tư không trả được nợ trong năm 2009, thì tất cả các vụ vỡ nợ trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch đều xảy ra với các công ty vốn đã được xem là xếp hạng đầu cơ rủi ro hơn.

Các cơ quan xếp hạng đã thất bại trong sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3. Cả Moody’s và S&P đều xếp hạng SVB ở mức đầu tư lần lượt là A3 và BBB. Nhưng sự sụp đổ của ngân hàng này được thúc đẩy bởi mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin nhanh và tài chính kỹ thuật số nên diễn ra nhanh chóng một cách bất thường. Một cảnh báo hạ xếp hạng từ Moody’s một tuần trước khi SVB sụp đổ là một trong những nguyên nhân cho thấy tình trạng huy động vốn của ngân hàng rất khó khăn. Các cơ quan xếp hạng có thể bị chỉ trích vì lơ đễnh hoặc vì đã gây ra khủng hoảng, nhưng hầu như không phải cả hai.

Nghiên cứu cũng chứng minh vai trò liên tục của các cơ quan trong việc xếp hạng trái phiếu chính phủ của các thị trường mới nổi. Một báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, những thay đổi về xếp hạng vẫn có tác động lớn đến các thị trường hoán đổi nợ xấu ở các thị trường mới nổi, cho thấy các nhà đầu tư nên tôn trọng các phán quyết của các cơ quan xếp hạng.

Một báo cáo khác do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tính toán rằng tác động của xếp hạng tín nhiệm thậm chí có thể tăng lên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự cải thiện một bậc trong xếp hạng tín nhiệm của một nền kinh tế đang phát triển so với các quốc gia tương tự đã làm tăng dòng vốn vào khoảng 0,6% GDP trong năm 2009-2017, cao hơn khoảng 1/3 so với thập kỷ trước.

Mặc dù vậy, các cơ quan xếp hạng vẫn là cột thu lôi cho những lời chỉ trích. Các cơ quan xếp hạng cố gắng trở thành người phân xử rủi ro và chắc chắn sẽ mắc sai lầm hoặc tệ hơn là đóng vai trò nhân quả trong các vụ sụp đổ bất ngờ. Mặc dù các vấn đề bộc lộ trong cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa được giải quyết, nhưng các cơ quan xếp hạng vẫn rất quan trọng đối với hoạt động của thị trường vốn.

Vũ Duy Bắc
Theo The Economist

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục