Các nhà phân tích nói gì về việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Fitch Ratings bất ngờ hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã gây ra những làn sóng chấn động với cả kinh tế và chính trị. Nhưng đối với thị trường tài chính, động thái này liệu có thực sự tạo ra ảnh hưởng quá lớn?
Các nhà phân tích nói gì về việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+. Động thái này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cơ quan này cảnh báo xếp hạng của Mỹ đang bị đe dọa trước những vấn đề liên quan tới tới mâu thuẫn về việc tăng trần nợ.

Các nền kinh tế được xếp hạng tín nhiệm cao nhất tại S&P Global Ratings, Fitch Ratings và Moody’s Investors Service bao gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Luxembourg, Singapore và Úc. Canada được xếp hạng AAA bởi hai trong số ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

Động thái Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ diễn ra sau khi S&P hạ xếp hạng của Mỹ vào năm 2011, khiến Moody's trở thành cơ quan xếp hạng lớn duy nhất giữ mức xếp hạng cao nhất là AAA cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Fitch Ratings cho biết, việc hạ xếp hạng lần này phản ánh sự suy thoái tài chính dự kiến và gánh nặng nợ của chính phủ ngày càng tăng sau nhiều lần bế tắc về vấn đề trần nợ.

Mặc dù rất ít nhà đầu tư xem Trái phiếu Kho bạc Mỹ đang đánh mất vị thế là nơi trú ẩn an toàn nhất và là nguồn tài sản thế chấp đáng tin cậy nhất, nhưng việc hạ xếp hạng vẫn là một điểm quan trọng cho thấy triển vọng tài chính của Mỹ đang xấu đi.

Các nhà phân tích nói gì?

Laura Cooper, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BlackRock International cho biết: “Mặc dù việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư xem xét gánh nặng nợ công cao ngất ngưởng, nhưng nó có thể được xem là mối lo ngại trong trung hạn. Cuối cùng, những thách thức tài chính đó sẽ nằm trong tầm ngắm của những người tham gia thị trường và củng cố quan điểm chiến lược của chúng tôi rằng các nhà đầu tư sẽ yêu cầu phần bù rủi ro cho kỳ hạn cao hơn từ trái phiếu trái phiếu Kho bạc Mỹ”.

Theo Berenberg Capital Markets, những lo ngại rằng các cơ quan xếp hạng có thể chuyển sự chú ý của họ sang khối các nền kinh tế được xếp hạng hoàn hảo còn lại là quá sớm.

“Mỗi quốc gia đều khác nhau, có mô hình tăng trưởng riêng, cơ cấu chi tiêu và thuế riêng nên không có bất kỳ sự lây lan nào sang các quốc gia khác. Không quốc gia nào có sức mạnh như Mỹ lại bị ảnh hưởng bởi điều này”, Mickey Levy, nhà kinh tế cấp cao của Berenberg Capital Markets cho biết.

Kevin Muir, nhà giao dịch kỳ cựu và là tác giả của cuốn The Macro Tourist cho biết, chứng khoán Mỹ được sở hữu quá mức trong cộng đồng tài chính toàn cầu và việc hạ xếp hạng tín nhiệm này có thể dẫn đến việc một số nhà đầu tư cân nhắc tài sản của các quốc gia khác. Nhưng đối với những người tham gia thị trường khác, điều đó sẽ không thay đổi quan điểm của họ về Mỹ.

“Canada có thực sự là một khoản đầu tư có xếp hạng tín nhiệm tốt hơn Mỹ không? Hay Luxembourg?...Mỹ là cường quốc thống trị thế giới và chắc chắn rằng họ đã làm một số điều không nên làm như đe dọa phá vỡ hệ thống tài chính của chính họ, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng cuối cùng họ sẽ thanh toán các nghĩa vụ của mình”, ông cho biết.

Chris Harvey, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phần tại Wells Fargo & Co. cho biết: “Việc hạ xếp hạng của Fitch Ratings sẽ không có tác động tương tự như việc hạ xếp hạng của S&P năm 2011 do môi trường vĩ mô hoàn toàn khác biệt và các lý do khác. Trước đợt hạ xếp hạng của S&P vào tháng 8/2011, các thị trường đang ở chế độ “không mạo hiểm”, cổ phiếu điều chỉnh, chênh lệch tín dụng mở rộng đáng kể, lãi suất giảm. Ngày nay, chúng ta gần như ngược lại: chênh lệch lợi suất đã chạm mức thấp nhất so với đầu năm là 112 điểm cơ bản vào cuối tháng 7, lãi suất đã tăng lên, chỉ số S&P 500 tăng 20% so với đầu năm và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024. Như kết quả là chúng tôi tin rằng bất kỳ đợt giảm giá nào của thị trường chứng khoán sẽ tương đối ngắn và nông”.

Richard Saldanha, nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu tại Aviva Investors cho biết: “Mặc dù việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm là đáng chú ý, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ có tác động đáng kể từ góc độ đầu tư – các nhà đầu tư hiện đang tập trung nhiều hơn vào lạm phát cũng như các tín hiệu xác nhận từ Fed rằng chúng ta hiện đang ở gần đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất. Với những dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đang tiến gần hơn đến kịch bản hạ cánh mềm thay vì suy thoái hoàn toàn, cũng như mùa báo cáo khá lạc quan cho đến nay, chúng tôi cho rằng có lý do để tin rằng thị trường có thể duy trì đà tăng gần đây”.

Alec Phillips, nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết: “Việc hạ xếp hạng chủ yếu phản ánh những thách thức về quản trị và tài chính trung hạn, nhưng không phản ánh thông tin tài chính mới. Động thái này sẽ có ít tác động trực tiếp đến thị trường tài chính vì không có khả năng có những người nắm giữ lượng lớn trái phiếu Kho bạc bị buộc phải bán dựa trên sự thay đổi xếp hạng”.

Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Đồng đô la có thể giảm giá hơn nữa trong các phiên tới nếu thị trường cho rằng việc hạ xếp hạng sẽ làm suy yếu trạng thái tiền tệ dự trữ của đồng đô la và thị trường bán Trái phiếu Kho bạc Mỹ đang nắm giữ. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đồng đô la sẽ chịu bất kỳ tổn thất nào. Xếp hạng tín nhiệm thường không phải là động lực trung hạn chính của tiền tệ”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục