Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (1/8), Fitch Ratings đã hạ xếp hạng nợ của Mỹ từ AAA xuống AA+ với lý do sự xói mòn các tiêu chuẩn quản trị và gánh nặng nợ chung ngày càng tăng.
Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+

Việc hạ xếp hạng được đưa ra sau khi các nhà lập pháp đàm phán đến phút cuối cùng về thỏa thuận trần nợ vào đầu năm nay, gây nguy cơ vỡ nợ đầu tiên của quốc gia. Xếp hạng mới của Fitch Ratings đã đặt Mỹ ngang hàng với Áo và Phần Lan nhưng thấp hơn Thụy Sĩ và Đức.

Trái phiếu của Mỹ từ lâu đã được xem là nơi trú ẩn an toàn nhất, nhưng việc hạ xếp hạng mới đây cho thấy tài sản này đã mất đi một phần ánh hào quang. Việc hạ xếp hạng có những tác động tiềm ẩn đối tới nhiều khía cạnh, từ lãi suất thế chấp mà người Mỹ phải trả cho ngôi nhà của họ cho đến các hợp đồng được thực hiện trên toàn thế giới.

Động thái này có thể khiến các nhà đầu tư bán Trái phiếu Kho bạc Mỹ, dẫn đến sự gia tăng đột biến về lợi suất, vốn được xem là dữ liệu tham khảo cho lãi suất đối với nhiều khoản vay.

Giải thích lý do hạ xếp hạng tín nhiệm, Fitch Ratings chỉ ra “sự suy thoái tài chính dự kiến trong ba năm tới, gánh nặng nợ chung của chính phủ cao và ngày càng tăng, và sự xói mòn trong quản trị so với các quốc gia được xếp hạng AA và AAA trong hai thập kỷ qua đã thể hiện trong việc lặp đi lặp lại các bế tắc về trần nợ và các giải pháp vào phút cuối”.

Fitch Ratings cho biết quyết định này không chỉ được thúc đẩy bởi xung đột trần nợ mới nhất mà là do “sự suy giảm liên tục trong các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua” liên quan đến “các vấn đề tài chính và nợ”.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã phản đối động thái này của Fitch Ratings.

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Fitch Ratings. Thay đổi do Fitch Ratings công bố hôm nay là tùy ý và dựa trên dữ liệu lỗi thời”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (1/8).

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố rằng, “chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định này” và trích dẫn những lo ngại tương tự về mô hình của Fitch Ratings.

Lần cuối cùng một cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn khác là S&P đã hạ bậc xếp hạng nợ của Mỹ là vào năm 2011. Động thái của S&P khi đó đã có tác động to lớn đến thị trường, dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán và tăng lợi suất trái phiếu.

Trước năm 2011, nợ của Mỹ đã được xếp hạng tín nhiệm hoàn hảo kể từ khi Moody’s Investors Service lần đầu tiên xếp hạng AAA cho Mỹ vào năm 1917.

S&P đã duy trì xếp hạng AA+ đối với Mỹ sau lần hạ xếp hạng năm 2011 trong khi Moody’s giữ nguyên xếp hạng AAA.

Một quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối suy đoán về việc liệu các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn khác có làm theo sự dẫn dắt của Fitch Ratings hay không nhưng lưu ý rằng Fitch Ratings là cơ quan duy nhất có quan điểm tiêu cực với Mỹ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục