Giai đoạn 2017 - 2018, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều cuộc thay tên đổi chủ của công ty chứng khoán nhỏ, như Công ty Chứng khoán MSI đổi tên thành KBSV, Chứng khoán Đệ Nhất được đổi tên thành Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán Phương Nam đổi thành Chứng khoán Funan sau khi về tay chủ mới, hoặc có công ty vẫn giữ lại tên gọi nhưng thực tế chủ đã hoàn toàn khác như IVS…
Việc “săn” mua công ty chứng khoán vẫn âm thầm diễn ra. Chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty chứng khoán có quy mô vốn hơn 300 tỷ đồng chia sẻ, nhiều đối tác cả trong và ngoài nước đề xuất mua lại, nhưng Hội đồng quản trị Công ty không đồng ý, chỉ chấp nhận phát hành riêng lẻ tối đa 49%. Bên mua chưa đồng ý, bởi mong muốn của đối tác là sở hữu tối thiểu 51% để nắm quyền chi phối.
Từ lâu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ngừng cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán, vì vậy, việc mua lại công ty chứng khoán là bước đi tắt để sở hữu giấy phép hoạt động. Công ty có quy mô càng nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả lại càng được các “đại gia” săn lùng vì chi phí sẽ thấp hơn.
Thậm chí, bên mua không cần quan tâm công ty chứng khoán đó có hệ thống khách hàng ra sao, đội ngũ nhân sự như thế nào, vì đằng nào chủ mới cũng phải tiến hành tái cấu trúc công ty.
Giấy phép hoạt động của một công ty chứng khoán nhỏ từ khoảng 1 triệu USD nay có thể lên tới trên dưới 2 triệu USD, nhưng không dễ mua được.
Nhu cầu lớn đẩy “định giá” giấy phép công ty chứng khoán tăng cao. Theo một nguồn tin, nếu như giai đoạn 2018 - 2019, giấy phép hoạt động của một công ty chứng khoán nhỏ được “định giá” khoảng 1 triệu USD thì nay lên tới trên dưới 2 triệu USD, nhưng không dễ mua được.
Với những công ty chứng khoán đã có tên có tuổi trên thị trường, dĩ nhiên chi phí sẽ khác. Theo tìm hiểu của người viết, năm 2020, một tổ chức Hàn Quốc thương thảo mua lại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).
Tuy nhiên, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc ACBS cho biết, việc đàm phán đã ngừng lại vì hai bên chưa thống nhất được.
Đây là một tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc, có tệp khách hàng rất lớn và sẵn sàng chi một khoản không nhỏ để sở hữu ACBS, nhưng chủ trương của ACBS là tìm kiếm đối tác lớn để hợp tác, chứ không có ý định bán lại toàn bộ Công ty.
Nhu cầu tìm mua công ty chứng khoán không chỉ đến từ các nhà đầu tư ngoại (Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…), mà còn xuất phát từ doanh nghiệp trong nước. Chia sẻ từ lãnh đạo một công ty chứng khoán có quy mô nhỏ cho biết, cuối năm 2019, đầu năm 2020, cổ đông lớn có nhu cầu bán tổng cộng khoảng 65% vốn, nhưng đối tác lại muốn mua toàn bộ công ty.
Trước diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán, bên mua đã nâng giá chào mua lên, nhưng nhóm cổ đông lớn chưa đồng ý bán lại hoàn toàn, vì thế, thương vụ chưa thành công.