Tuy nhiên, với chuyển động chính sách mới là Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nhiều giải pháp cụ thể, sát thực được kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế trên, tạo đà cho sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam trong thời gian tới.
Liên quan đến khắc phục tình trạng sản phẩm đơn điệu, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đã mở đường cho triển khai các sản phẩm mới như: trái phiếu có lãi suất thả nổi; trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond), trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát; trái phiếu xanh…
Song song với việc đa dạng hóa sản phẩm, Lộ trình cũng đưa ra giải pháp nhằm đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu, qua đó, giảm thiểu rủi ro cho thị trường khi quá phụ thuộc vào một nhóm nhà đầu tư - hiện tại là các ngân hàng.
Giải pháp mới được đưa ra là thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống chương trình hưu trí tự nguyện thông qua các giải pháp phù hợp, trong đó có chính sách thuế. Cùng với đó là nghiên cứu thí điểm phương thức bán lẻ trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, khuyến khích Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tăng tỷ trọng mua và bán trái phiếu để tăng tính thanh khoản cho thị trường…
Ðể khắc phục tình trạng “chợ chiều” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đưa dư nợ thị trường này đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030 (hiện ở mức khoảng 1% GDP), cơ chế mới cũng định ra nhiều đường hướng cụ thể.
Theo đó, trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đề ra kế hoạch: Xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án đầu tư; yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đăng ký, lưu ký tập trung.
Song song với đó là giải pháp nâng cao tính minh bạch cho thị trường, thông qua việc xây dựng chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp trên sở giao dịch chứng khoán, để cung cấp thông tin về tình hình phát hành, giao dịch, thúc đẩy giao dịch thứ cấp…
Lộ trình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phân công trách nhiệm cụ thể đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VBMA và các bên liên quan trong việc hoàn chỉnh chính sách, cũng như các giải pháp triển khai để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.
Ðịnh hướng chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành đã rõ, giới chuyên gia và thành viên của VBMA cho rằng, điều quan trọng hơn cả lúc này là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan quyết liệt, khẩn trương triển khai các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Có làm được như vậy thì mới sớm khắc phục những hạn chế đang tồn tại, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, chuyên nghiệp.