Dự thảo có quy định mới đáng chú ý, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lý do để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trên là lo ngại rủi ro tiềm ẩn trong trường hợp doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ sau đó gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, phải phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với ba mục đích: Một là, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; hai là, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp; ba là, cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu để thực hiện mục đích cơ cấu nợ tại các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ đều xuất phát từ động cơ “nuôi nợ”.
Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ có chi phí cao bằng một khoản trái phiếu có chi phí thấp hơn, từ đó giúp giảm chi phí tài chính trong điều kiện mặt bằng lãi suất giảm. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2012, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã phải chịu lãi suất đi vay lên tới 20%/năm.
Sau giai đoạn đó, lãi suất đã giảm dần xuống quanh mức 10%/năm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả nợ cho các khoản vay trước đó với chi phí cao. Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đôi khi tiết kiệm được một vài phần trăm lãi suất để tiết giảm chi phí là đã tạo được sự khác biệt lớn trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhu cầu phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp cũng có khi lại xuất phát từ chính tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp đang quan hệ. Một số tổ chức tín dụng không còn khả năng cung ứng vốn và các dịch vụ ngân hàng thông suốt cho doanh nghiệp do gặp khó khăn về tài chính hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu, dẫn đến doanh nghiệp buộc phải chuyển sang tổ chức tín dụng khác, hoặc có nhu cầu tìm đến các tổ chức tín dụng có chất lượng hoạt động ổn định hơn, trong đó bao gồm cả việc lựa chọn phát hành trái phiếu để trả nợ cho các khoản vay tại tổ chức tín dụng cũ. Đây là nhu cầu và mong muốn chính đáng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, hoạt động kinh doanh là hoạt động rủi ro và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường. Đôi khi những thay đổi về cơ chế, chính sách hoặc các sự kiện kinh tế - chính trị - xã hội cũng có thể tác động mạnh đến doanh nghiệp, khiến dòng tiền hoạt động không như dự kiến và doanh nghiệp có thể gặp rủi ro thanh khoản. Khi đó, doanh nghiệp cũng có nhu cầu cơ cấu lại các khoản nợ nhằm điều chỉnh lịch trả nợ cho phù hợp.
Có thể nói, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc mua trái phiếu của nhà đầu tư, mà trong đó tổ chức tín dụng chiếm tới 75% khối lượng đầu tư toàn thị trường. Nếu hạn chế tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu nợ chính đáng thì vô hình trung đã thu hẹp phần nào cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp.
Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên hạn chế việc tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu cho chính khoản nợ tại tổ chức tín dụng đó, hoặc có thể yêu cầu minh bạch thông tin trong hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư.