Trái phiếu doanh nghiệp: Kỳ vọng sẽ khác

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang đề xuất việc “làm mềm” các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tìm vốn qua kênh trái phiếu.
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu do điều kiện phát hành khắt khe Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu do điều kiện phát hành khắt khe

Được biết, để khắc phục vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã khởi động sửa đổi nghị định này. Đến nay, việc này được tiến hành đến đâu, thưa bà?

Văn bản này đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên thị trường, sau đó Bộ Tài chính sẽ hoàn tất hồ sơ dự thảo để dự kiến trong tháng này sẽ trình phương án sửa đổi lên Chính phủ. 

Trong định hướng sửa đổi Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính từng đề xuất nới lỏng các điều kiện phát hành trái phiếu, quan điểm này có được giữ nguyên trong dự thảo sắp trình Chính phủ xem xét?

Hoạt động phát hành trái phiếu đối với các doanh nghiệp được chia thành hai hình thức. Đầu tiên là với công ty cổ phần, đó là phát hành ra công chúng, nên tuân thủ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Còn với công ty trách nhiệm hữu hạn thì đó là phát hành riêng lẻ, nên sẽ tuân thủ theo các quy định tại Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011.

Việc sửa đổi Nghị định này sẽ tập trung vào các nội dung lớn: thay đổi điều kiện phát hành; tăng cường tính minh bạch, công khai về thông tin… Trong đó, việc sửa đổi điều kiện phát hành để vừa khắc phục bất cập hiện hành là điều kiện phát hành riêng lẻ và đại chúng là như nhau, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp: Kỳ vọng sẽ khác ảnh 1

Bà Phan Thị Thu Hiền 

Bộ Tài chính ủng hộ hướng “làm mềm” điều kiện phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp gắn liền với yêu cầu doanh nghiệp phải tăng cường minh bạch thông tin, để bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, Ban soạn thảo đang cân nhắc bỏ điều kiện 1 năm trước khi phát hành doanh nghiệp phải làm ăn có lãi, đảm bảo tính công khai minh bạch trong phát hành… 

Liên quan đến tính minh bạch, nhiều ý kiến từ các thành viên thị trường đề xuất, cần bổ sung cơ chế cho phép thành lập Trung tâm Thông tin trái phiếu doanh nghiệp vào dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011, thưa bà?

Đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, các tổ chức phát hành đăng ký lưu ký, niêm yết và minh bạch thông tin qua hai sở giao dịch chứng khoán.

Do đó, việc hình thành Trung tâm Thông tin trái phiếu doanh nghiệp là để tập hợp tất cả thông tin của các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Việc gom thông tin tập trung về một mối giúp cho cả 3 nhà.

Với cơ quan nhà nước, thì thông tin từ Trung tâm sẽ giúp cho hoạt động quản lý, giám sát được toàn diện và sâu sát hơn. Lợi ích với doanh nghiệp phát hành khi Trung tâm này được hình thành là giúp tổ chức phát hành thuận lợi hơn trong tìm kiếm nhà đầu tư. Khi Trung tâm này ra đời sẽ giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về nhà phát hành, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả… 

Để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, Bộ Tài chính cần thúc đẩy sớm hình thành công ty định mức tín nhiệm. Bao giờ Việt Nam có công ty này, thưa bà?

Bộ Tài chính muốn sớm có công ty định mức tín nhiệm, nhưng nhà quản lý chỉ có thể ban hành chính sách, còn việc thành lập theo mô hình nào, bao giờ, thì do thị trường quyết định.

Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện còn nhỏ, nên mức độ quan tâm của khu vực tư nhân đối với đầu tư cho thành lập công ty định mức tín nhiệm chưa phải là cao. Tuy nhiên, hiện có một hồ sơ thành lập công ty định mức tín nhiệm đã được gửi tới Bộ Tài chính. Bộ đang xem xét để cấp phép cho tổ chức này ra đời và hoạt động.

Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011 yêu cầu tất cả các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều phải trải qua bước đánh giá và xếp hạng tín nhiệm?

Khi mới mở thị trường mà đưa ra quy định cứng là tất cả các đợt phát hành đều phải định mức tín nhiệm từ tổ chức tín nhiệm trong nước, thì không cẩn thận sẽ khuyến khích độc quyền của tổ chức cung cấp dịch vụ định mức tín nhiệm. Thậm chí, nếu dịch vụ không tốt thì lại càng không ổn.

Do đó, cần có thời gian để thị trường phát triển trước khi tính đến việc buộc các doanh nghiệp đều trải qua định mức tín nhiệm từ tổ chức tín nhiệm trong nước. 

Có thành viên nhìn nhận sự kém hiệu quả trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến thị trường èo uột, thiếu chuyên nghiệp. Bộ Tài chính có giải pháp nào để khắc phục, thưa bà?

Quan điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải là dòng vốn dài hạn, chứ không phải chỉ vào một, hai tháng rồi lại rút ra, ảnh hưởng không tích cực đến thị trường nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Để hút vốn ngoại hiệu quả, ngoài nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mỗ, rất cần triển khai đồng bộ các giải pháp về sản phẩm, dịch vụ mới, phối hợp hiệu quả chính sách tài chính và tiền tệ.

Sớm trình Bộ Tài chính Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) 

UBCK đang phối hợp với HNX khẩn trương hoàn chỉnh Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để trình Bộ Tài chính xem xét, trên cơ sở đó sớm ban hành để đưa vào áp dụng.

Liên quan đến dự kiến thành lập Trung tâm Thông tin trái phiếu tại HNX, hệ thống giao dịch trái phiếu tại Sở đang vận hành trên nền tảng trái phiếu chính phủ, trong đó bao gồm cấu phần về thông tin và giám sát. Bởi vậy, sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011 được Chính phủ ban hành trong thời gian tới, HNX sẽ nâng cấp và phát triển hệ thống công bố thông tin và giám sát cho phù hợp với quy định pháp lý, cũng như đáp ứng nhu cầu của thực tế thị trường.

Tập trung khắc phục tình trạng thị trường kém phát triển

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thị trường tài chính,  Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính

Năm 2016, tuy khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 129.636 tỷ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, bởi hết năm 2016, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 5,27% GDP...

Để khắc phục tình trạng trên, từ năm nay, Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện cơ chế và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường, trong đó sẽ xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường; khuyến khích sự hình thành và đi vào hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính công khai, minh bạch của quá trình huy động vốn trái phiếu. Nghiên cứu xây dựng hệ thống công bố thông tin về phát hành, giao dịch đối với trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục