Vắc-xin và tái mở cửa nền kinh tế: Câu hỏi “mở như thế nào”?

0:00 / 0:00
0:00
Phải tiêm vắc-xin thì mới có thể bỏ giãn cách xã hội ngặt nghèo để kinh tế trở lại bình thường. Các nước phương Tây dùng thuật ngữ “tái mở cửa” nền kinh tế (reopening) để nói về chuyện này.
Việt Nam phải tính đến cách thức để nền kinh tế trở lại bình thường sau khi tiêm vắc-xin cho người dân. Việt Nam phải tính đến cách thức để nền kinh tế trở lại bình thường sau khi tiêm vắc-xin cho người dân.

Biện pháp của một số nước lớn

Vào ngày 19/7, khi kinh tế Anh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trong nền kinh tế, người Anh đã vui mừng gọi đó là “Ngày độc lập” - Freedom Day.

Bản thân việc tạo ra “Ngày độc lập” là một ván cược của Thủ tướng Boris Johnson. Bất chấp nhiều phản đối của thượng nghị sỹ ở các đảng, mối lo ngại trong chính các nhóm cố vấn y tế và hành vi của mình - thể hiện qua các báo cáo công bố trên trang web chính phủ, cũng như sự phản đối của 1.200 nhà khoa học, “Ngày độc lập” vẫn diễn ra.

Báo chí quốc tế gọi đây là “ván cược lớn” của người Anh (“Britain’s great gamble”). Người ta lo số ca bệnh ở Anh có thể tăng gấp đôi hoặc hơn số trước khi mở cửa kinh tế, số người nhập viện và tử vong sẽ tăng hơn gấp đôi và sẽ xuất hiện chủng virus kháng thuốc.

Cho đến lúc này, có vẻ như chính phủ của ông Boris Johnson đã đúng (sau hơn 10 lần cược và sai trong năm ngoái). Số ca bệnh sau khi tăng mạnh đến gần 60.000 ca/ngày đã bắt đầu giảm và hiện tại chỉ còn xung quanh mức 30.000 ca/ngày. Số người tử vong và nhập viện có tăng lên, nhưng nằm trong khả năng chống chịu của hệ thống y tế và còn xa mức dự báo xấu nhất. Cho đến lúc này, số liệu Community Mobility Report của Google cho thấy hoạt động của người Anh ở những khu vui chơi giải trí đã trở lại ngang với thời điểm trước dịch Covid-19, mặc dù các hoạt động ở công sở và các phương tiện giao thông công cộng vẫn còn thấp hơn 30-40% so với trước dịch.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng may mắn như vậy. Mỹ đang cho thấy gần 100.000 ca bệnh mỗi ngày. Số ca bệnh nhập viện của Mỹ tăng 92% so với 14 ngày trước, số ca nhiễm tăng 139%. Trong khi đó, 70% người trưởng thành ở Mỹ và khoảng 50% toàn bộ dân số (bao gồm trẻ em) đã được tiêm vắc-xin. Điều đó cho thấy vắc-xin không phải là thần dược để ngăn cản được tất cả các ca bệnh. Khi mở cửa kinh tế và giảm các biện pháp giãn cách xã hội, ca bệnh sẽ tăng mạnh, kéo theo đó là số ca nhập viện. Cần lưu ý là nước Anh được tạm cho là thành công với ván cược của mình cũng có hơn 30.000 ca bệnh và vài ngàn ca nhập viện mỗi ngày.

Thế nhưng, hệ thống y tế các nước này đã từng đối đầu với số ca bệnh và số nhập viện lớn hơn như vậy rất nhiều. Do đó, họ có thể chấp nhận tiếp tục mở cửa và vận hành nền kinh tế ở trạng thái “gần bình thường” với chục ngàn hoặc trăm ngàn ca bệnh.

Trái lại, ở Trung Quốc, khi dịch bệnh gần đây bùng phát trở lại ở Nam Kinh và lan ra 18 tỉnh với chỉ vài trăm ca, nước này đã áp dụng biện pháp phong tỏa cứng rắn trở lại ngay. Tổn thất kinh tế là có thể thấy được. Citic Securities cho biết, đây là thời điểm đỉnh cao của hoạt động chi tiêu của người Trung Quốc, nên phong tỏa kinh tế thời điểm này sẽ gây tổn thất, nhất là khi tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất đang trở về mức thấp nhất trong 15 tháng. Sản xuất trì trệ, tiêu dùng sụt giảm, kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Quan trọng hơn, nhiều người Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng, nếu cứ có ca bệnh thì phải phong tỏa, bất chấp đã tiêm vắc-xin được khoảng 50% dân (Bắc Kinh đạt tỷ lệ đến 80%), thì Trung Quốc sẽ còn rất chật vật để đối mặt với chủng Delta hoặc các chủng mới trong mùa đông sắp tới, thời điểm mà dịch bệnh dự kiến nặng hơn trên toàn cầu.

Câu hỏi với Việt Nam

Tình huống của Mỹ và Trung Quốc hiện tại đặt ra một câu hỏi cho Việt Nam, đó là chúng ta sẽ mở cửa lại nền kinh tế như thế nào sau khi tiêm vắc-xin? Trường hợp của Trung Quốc, Mỹ, Anh cho thấy, tiêm vắc-xin rồi thì cũng không đảm bảo là có thể mở cửa nền kinh tế một cách suôn sẻ. Khi mà 70% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Trung Quốc và Anh là khoảng 50-60% dân số, một số thành phố lên đến 80-90% mà còn như vậy, thì tiến trình mở cửa lại kinh tế của ta sẽ vô cùng gập ghềnh. Nên nhớ rằng, đây đều là những nước có năng lực và kinh nghiệm chăm sóc y tế trong những đợt bùng dịch Covid-19 mạnh rất lớn với nhiều bệnh viện dã chiến, thiết bị y tế và nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, với hệ thống y tế ở trạng thái gần quá tải trong ngày thường ở Việt Nam, thách thức của chúng ta còn lớn hơn họ.

Ngay từ lúc này, cần có những thảo luận, hiến kế và lập kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế với những tính toán số liệu, khả năng chịu đựng, những biện pháp giãn cách xã hội nào cần được duy trì, những loại hình kinh doanh nào sẽ được mở lại…

Vấn đề thách thức đầu tiên là quan điểm của lãnh đạo. Bất chấp Mỹ tiến gần đến 100.000 ca bệnh/ngày và tiến sỹ Anthony Fauci, một trong những người có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chiến dịch chống Covid-19 ở Mỹ cho rằng tình trạng sẽ tệ hơn nữa, nhưng nước Mỹ sẽ rất ít khả năng quay lại tình trạng phong tỏa. Điều này đối lập với lựa chọn giải pháp chống dịch theo phương án phong tỏa kiểu phải diệt sạch ca bệnh, “không khoan nhượng” (zero-tolerance) của Trung Quốc, phong tỏa mọi thứ khi chỉ có một vài ca, thực hiện xét nghiệm nhanh bắt buộc cho hàng triệu người (tạo ra chi phí xã hội và sự bất tiện vô cùng lớn với nhiều phản ứng trái chiều ở Trung Quốc) và cắt các đường giao thông đến một số khu vực có rủi ro cao.

Huang Yanzhong, một chuyên gia có tiếng về sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc trong Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York, cho biết: “Lợi ích từ chính sách “không khoan nhượng” của Trung Quốc đang giảm dần và chi phí thực hiện nó ngày càng cao”.

Jin Dong-Yan, giáo sư tại trường khoa học y sinh của Đại học Hồng Kông cho rằng: “Trung Quốc quá lớn để có một bước ngoặt nhanh chóng. Cần có thời gian để thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị thay đổi quan điểm và bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải diễn ra từ từ, từng bước một”.

Điều này có vẻ là đúng khi gần đây Fu Guirong, Giám đốc Ủy ban Y tế địa phương ở một thành phố thuộc tỉnh Hà Nam, đã bị sa thải sau khi thành phố này báo cáo một số trường hợp nhiễm Covid-19. Rõ ràng, hiệu quả “triệt tiêu” virus vẫn đang gắn liền với sinh mệnh chính trị của một số lãnh đạo và điều này khó mà thay đổi được. Tờ Global Times, một tờ báo phản ánh lập trường cứng rắn trong phía chính phủ Trung Quốc, đã bác bỏ ý tưởng tái mở cửa theo kiểu Vương quốc Anh, nói rằng nó "gần như không thể tưởng tượng được về mặt chính trị" vì nó sẽ dẫn đến "những chi phí xã hội và nỗi đau không thể tưởng tượng được".

Từ đó cho thấy, Việt Nam sẽ đi theo con đường “trở lại gần bình thường” như thế nào sau khi tiêm vắc-xin sẽ phụ thuộc vào góc nhìn của các lãnh đạo và các cố vấn thân cận. Mở cửa quá nhanh, Việt Nam có nguy cơ lặp lại sai lầm của Mông Cổ, Seychelles và Indonesia ngay sau khi tiêm vắc-xin. Nhưng phong tỏa “không khoan nhượng” như Trung Quốc thì nền kinh tế có gánh chịu nổi hay không?

Vì vậy, ngay từ lúc này, cần có những thảo luận, hiến kế và lập kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế với những tính toán số liệu, khả năng chịu đựng, những biện pháp giãn cách xã hội nào cần được duy trì, những loại hình kinh doanh nào sẽ được mở lại, với bao nhiêu bước đi chiến lược, chia làm bao nhiêu giai đoạn, căn cứ vào những số liệu nào để quyết định từng giai đoạn tái mở cửa.

Không tính toán từ bây giờ thì khi đó sẽ bối rối và ra những quyết định giật cục kiểu “bánh mì không phải thiết yếu”. Việt Nam không nên tạo ra cơ hội để người ta mắc những sai lầm như vậy nữa. Nền kinh tế, hệ thống y tế và người dân ở một số địa phương đã đến ngưỡng chịu đựng gần như cao nhất rồi và vẫn đang căng sức để việc tiêm vắc-xin được tiến hành. Nhưng chiến lược mở cửa sau đó như thế nào cho phù hợp không thể chờ đến lúc tiêm xong mới tính.

Câu hỏi “mở cửa như thế nào” cần phải có câu trả lời từ bây giờ.

Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục