“Hành động lớn” để không lỡ chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới - Kỳ 3: Các trụ cột của nền kinh tế phải được đặt vào vị trí ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
Kích thích các động lực tăng trưởng mới trỗi dậy, từ đó thúc đẩy nền kinh tế bước lên nấc thang cao hơn của sự phát triển đang là bài toán cần được giải sớm.
Những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất cần được ưu tiên hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ảnh: Đ.T Những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất cần được ưu tiên hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ảnh: Đ.T

Trong khi các quốc gia giàu có tranh luận sôi nổi về việc cần phải “hành động lớn” bằng các gói kích thích tài khóa, tiền tệ vừa lớn, vừa chưa có tiền lệ nhằm ứng phó với Covid-19, thì các quốc gia mới nổi lại xem chống dịch là ưu tiên hàng đầu, đồng thời thúc đẩy các cải cách mang tính cấu trúc. Vậy phải làm gì để đừng lỡ hẹn chuyến tàu lịch sử toàn cầu mới?

Kỳ 3: Các trụ cột của nền kinh tế phải được đặt vào vị trí ưu tiên

Kích thích các động lực tăng trưởng mới trỗi dậy, từ đó thúc đẩy nền kinh tế bước lên nấc thang cao hơn của sự phát triển đang là bài toán cần được giải sớm. Nhưng điều này có nghĩa là sẽ không có bát cháo chia đều cho tất cả.

Thành tích tăng trưởng và bài toán gửi Chính phủ

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam có thể coi là một thành tích trong thế khó của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Trong nước, Covid-19 diễn biến bất thường, dồn dập, gây sốc, khiến việc điều hành của Chính phủ khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt, Chính phủ vừa có bước kiện toàn, với nhiều nhân sự mới đang trong giai đoạn chuyển giao.

Tình hình quốc tế khởi sắc hơn năm ngoái, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Giá cả vật liệu tăng, kéo theo tâm lý đầu cơ, đe dọa nguồn cung ứng nguyên vật liệu toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, chính sự ổn định vĩ mô mà Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành giữ được trong những năm qua đã tạo niềm tin, sự vững vàng cho doanh nghiệp, người dân khi đối mặt với tình thế phức tạp hiện tại. Cũng nhờ vậy, Chính phủ vừa được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, do Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành có dư địa để hành động linh hoạt và quyết liệt.

Tuy nhiên, trong thành tích này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải suy xét thấu đáo.

Một là, thực chất của tăng trưởng là thế nào khi mà doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực, như du lịch, hàng không, giao thông, vận tải.... yếu dần. Hệ lụy của động cơ tăng trưởng dựa quá nhiều, quá lâu vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vào công nghiệp gắn với xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng rõ nét.

Hai là, nông nghiệp dù đang được tôn vinh là bệ đỡ tăng trưởng, nhưng với mức đóng góp khoảng 14% trong GDP thì không thể bù đắp cho sự sút giảm của dịch vụ, công nghiệp.

Ba là, các trung tâm tăng trưởng đều trong trạng thái bấp bênh, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội rồi tới khu vực TP.HCM... Nếu không giữ được sự thông suốt của các cực tăng trưởng, không bảo vệ được những điểm sáng như Quảng Ninh, Hải Phòng..., thì thách thức sẽ gia tăng.

Bốn là, việc giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp trong năm qua đang ẩn chứa bất ổn trong cả hoạt động của doanh nghiệp và cấu trúc của hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, nhìn vào mức tăng 1,47% của chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sẽ thấy sức mua giảm mạnh. Đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế như trên, khi tác động của 1 điểm phần trăm lạm phát tới các chủ thể của nền kinh tế không thể giống như những năm trước Covid-19, thì việc kìm giữ mức lạm phát thấp hay chủ động kích lạm phát, tạo động lực cho tăng trưởng mới... sẽ là lựa chọn phù hợp?

Điều này đang là bài toán đặt ra cho Chính phủ kiện toàn vừa bước qua 100 ngày đầu tiên.

Không có bát cháo chia đều

Hồi tháng 4/2021, khi chuẩn bị vào mùa du lịch hè, các doanh nghiệp du lịch sau một vài tháng nằm im đã rùng rùng đứng dậy, chuẩn bị bàn ghế, sơn sửa, sắp xếp nhân sự để chuẩn bị đón khách.

Nhưng giờ, mọi thứ lại sập xuống. Đợt Covid-19 thứ tư kéo dài từ tháng 4 đến giờ giáng thêm một đòn vào nhiều doanh nghiệp đã rất yếu và không chỉ là doanh nghiệp du lịch. Điều cần phải đặt ra là, doanh nghiệp sẽ đứng lên thế nào sau đợt dịch này?

Doanh nghiệp muốn gì? Tuần trước, khi gặp một số tập đoàn tư nhân vừa có khoản tiền lớn ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, tôi đã hỏi tại sao họ ủng hộ lớn như vậy vì tình hình kinh doanh đang khó khăn, tiền mặt rất quý. Họ đã nói, số tiền đó ít hơn rất nhiều so với chi phí dành cho xét nghiệm, khoanh vùng, nếu không kiểm soát được dịch bệnh, không sớm hoàn thành kế hoạch tiêm vắc-xin, không thoát ra khỏi dịch bệnh sớm. Nhưng họ cũng cho biết, thực lực đã yếu đi nhiều.

Vậy, cứu hay hỗ trợ doanh nghiệp thế nào trong bối cảnh này?

Điều tôi cảm thấy lo ngại là, mỗi khi nói đến vấn đề này, nhiều người hay đặt câu hỏi là cần bao nhiều tiền và tiền ở đâu. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ đóng mọi cánh cửa của ý tưởng, của tư duy, của chính sách mới. Tôi muốn bàn về cách làm trước.

Thứ nhất, sẽ không có việc cứu tất cả doanh nghiệp, sẽ không có bát cháo chia đều cho mọi người. Những doanh nghiệp yếu, không đủ năng lực cạnh tranh, không đủ sức theo kịp xu thế phát triển sẽ phải chấp nhận dừng lại.

Thứ hai, trong số những doanh nghiệp còn lại, ưu tiên sẽ dành cho những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, doanh nghiệp đầu chuỗi để hỗ trợ một điểm, nhưng kích hoạt được nhiều điểm.

Thứ ba, phải dành nguồn lực cho lực lượng doanh nghiệp của tương lai, đó là doanh nghiệp bắt nhịp nhanh vào quỹ đạo đổi mới sáng tạo của “thế giới mới”.

Tất nhiên, sẽ có những chính sách hỗ trợ chung cho tất cả, như giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí… và những chính sách này cần được thực hiện thực chất, kịp thời, không để chậm trễ như năm ngoái. Nhưng, với nguồn lực có hạn, cần chọn chỗ để bỏ thóc giống, nên các chuỗi giá trị, các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế phải được ưu tiên.

Với các nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp như trên, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, của các tập đoàn kinh tế đang có những chuỗi sản xuất cần được tối ưu hóa, vì chỉ có họ mới hiểu rõ sự vận hành của các chuỗi sản xuất, mới biết điểm huyệt nào cần tác động, chỗ nào có thể bỏ qua để tạo sức lan tỏa lớn nhất, để cả chuỗi cùng đứng dậy.

Ví dụ, nếu chọn hỗ trợ ngành hàng không, thì các doanh nghiệp hàng không sẽ cũng được hỗ trợ, để ngành hàng không Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, có thể bay ngay khi thế giới mở cửa trở lại. Hay nếu chọn sản xuất ô tô, có thể ngồi bàn với Trường Hải, VinFast để tìm cách hỗ trợ hữu hiệu nhất…

Tương tự, thúc đẩy đầu tư công dù là việc của Chính phủ, nhưng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cần sự tham gia của doanh nghiệp, nhà thầu, chủ đầu tư…

Điều quan trọng là, nguyên tắc tiếp cận của các giải pháp phải vì nền kinh tế, vì lực lượng doanh nghiệp Việt đang cần hậu thuẫn để vươn lên, chứ không phải từng doanh nghiệp riêng lẻ.

Sự năng động sẽ trở lại rất nhanh khi nền kinh tế mở cửa

Người Việt, doanh nghiệp Việt rất nhạy bén, nên khi mở cửa, sự hào hứng và năng động trở lại rất nhanh. Có thể thấy sự náo nhiệt trên các đường phố ở Hà Nội, không khí trong các quán ăn khi giới hạn được gỡ bỏ một phần vào cuối tháng 6 vừa rồi.

Phải thẳng thắn thừa nhận, chúng ta nhanh chân trong giai đoạn đầu chống dịch, nhưng đang bị chậm khi thoát ra. Lúc này, tốc độ của chiến lược vắc-xin sẽ quyết định tốc độ đứng dậy của nền kinh tế, quyết định tốc độ nối mạch Việt Nam ra thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam.

Bây giờ không phải là lúc bàn về thúc đẩy tăng trưởng một cách đơn thuần, mà phải làm rõ nguyên tắc, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ các trụ cột của nền kinh tế, để có các quyết sách thực tế, kịp thời.

Chính phủ mới kiện toàn đã thích ứng nhanh, chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công với chiến lược vắc-xin. Thể hiển rõ nhất là việc đặt trọng tâm mở rộng kênh tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, đi cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vắc-xin.

Thông điệp chính sách rất rõ ràng, đó là chọn chính sách ưu tiên để tập trung nguồn lực và yêu cầu cá nhân hóa trách nhiệm với hiệu quả công việc, thay vì ỷ vào trách nhiệm tập thể.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động và tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Ông cũng đã nói đến cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Nền kinh tế đang cần cơ chế này phủ rộng hơn. Đó là bảo vệ, khuyến khích những tư duy, chính sách khác thường để giải bài toán trong bối cảnh bất thường; khuyến khích ý tưởng, đổi mới, sáng tạo, kích thích động cơ mới của nền kinh tế... Mục tiêu cuối cùng để nền kinh tế không chỉ đứng lên, mà còn có được dòng máu mới năng động hơn, trẻ trung hơn.

Nhìn ra thế giới, những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 lại chính là những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh trong năm ngoái. Đó là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… Lý do không chỉ đây là những nơi đi sớm trong nỗ lực tiêm chủng diện rộng, mà chính là những nền kinh tế đi đầu về công nghệ, về chuyển đổi sang nền kinh tế số. Có thể thấy rất rõ trong sự điêu tàn của kinh tế truyền thống, kinh tế vật lý trong năm 2020, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỷ phú công nghệ trên thế giới, là trạng thái “bình thường mới” khi cả thế giới đóng cửa, nhưng cuộc sống vẫn vận hành.

Đây là lý do mà giới nghiên cứu cho rằng, năm 2020 có thể là điểm chuyển của thế giới sang nền kinh tế số, sang trạng thái toàn cầu mới.

Chính trong lúc này, bài toán về tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ là làm sao đạt được mục tiêu, mà là nhận diện rõ thực trạng, làm rõ động cơ tăng tưởng mới đang chiếm bao nhiêu, có cơ hội tăng lên nhanh không, hay vẫn là những động cơ đã làm nên tăng trưởng của nền kinh tế suốt 30 năm qua…

Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, bây giờ không phải là lúc bàn về thúc đẩy tăng trưởng một cách đơn thuần, mà phải làm rõ nguyên tắc, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ các trụ cột của nền kinh tế, để có các quyết sách thực tế, kịp thời.

Chỉ khi doanh nghiệp được hỗ trợ để tham gia các chuỗi sản xuất; các chuỗi sản xuất hiện hữu được hỗ trợ để duy trì, thúc đẩy kết nối với thế giới; chỉ khi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ… được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội, giải pháp phát triển theo đúng xu thế phát triển của kinh tế số, thì nền kinh tế mới thực sự đứng dậy bằng thực lực, cùng với thế giới.

(Còn tiếp)

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

PGS-TS Trần Đình Thiên (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục