Ủy ban Chứng khoán để ngỏ thời điểm áp dụng T+0

(ĐTCK) Về lý thuyết, cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về, sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2016 khi Thông tư 203/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên TTCK có hiệu lực. Tuy nhiên, nhà quản lý đang để ngỏ thời điểm triển khai các nghiệp vụ mới này vì chờ sự sẵn sàng của thị trường.
Ủy ban Chứng khoán để ngỏ thời điểm áp dụng T+0

Nhiều thắc mắc về giao dịch T+0

Liên quan đến nhiều quy định mới trong lĩnh vực chứng khoán sắp triển khai, tại Hội nghị tập huấn các văn bản pháp quy mới, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức cuối tuần qua, các câu hỏi mà nhiều thành viên thị trường đặt ra tập trung xoáy vào cơ chế giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về quy định tại Thông tư 203/2015.

Giải đáp một câu hỏi “nóng” được nhiều thành viên thị trường đặt ra là, bao lâu sau thời điểm Thông tư 203/2015 có hiệu lực, T+0 sẽ được áp dụng, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho hay, các quy định khác sẽ có hiệu lực ngay khi văn bản này có hiệu lực.

Tuy nhiên, riêng quy định về giao dịch trong ngày và bán chứng khoán chờ về sẽ chưa có hiệu lực ngay, vì đây là các nghiệp vụ khá phức tạp, đòi hỏi nhiều yêu cầu cao về hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro, nên cần có thời gian để các CTCK, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm lưu ký (VSD) hoàn chỉnh hệ thống, cũng như quy chế vận hành, quản trị rủi ro.

UBCK sẽ sớm có hướng dẫn chi tiết về các nghiệp vụ này để các thành viên thị trường có cơ sở chuẩn bị mọi mặt trước khi triển khai, sao cho đảm bảo mang lại hiệu quả cao, an toàn.

“Có trình độ phát triển khá cao, nhưng mãi đến tháng 6/2014, TTCK Đài Loan mới triển khai giao dịch trong ngày. Trong 6 tháng đầu, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, giảm thiểu rủi ro, họ chỉ dám cho phép mua trước, bán sau…”, ông Sơn nói.

Vì tính chất rủi ro cao của T+0 mà khá nhiều ý kiến quan ngại và cho rằng nếu UBCK không có chế tài xử lý mạnh với các CTCK vi phạm quy định về tuân thủ nghĩa vụ thanh toán, an toàn tài chính, không tự giác tuân thủ chuẩn mực đạo đức hành nghề, thì có thể gây nên những hệ lụy tiêu cực đối với thị trường.

Vì yếu tố này mà theo đại diện UBCK, Top 5 CTCK lớn nhất đã có trao đổi, đề nghị UBCK cần có các chế tài đủ mạnh, cũng như các biện pháp giám sát, quản lý rủi ro chặt chẽ để đảm bảo cho triển khai T+0 hiệu quả.

Liên quan đến xử lý rủi ro khi triển khai T+0, một số thành viên thị trường thắc mắc, trong trường hợp NĐT mất khả năng thanh toán tiền, cũng như không thể chuyển giao chứng khoán, thì cơ chế nào để giảm thiểu rủi ro hệ thống? Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, Thông tư 203/2015 đã thiết kế nhiều lớp bảo vệ rủi ro để xử lý vấn đề này.

Đầu tiên, CTCK rà soát xem trong tài khoản tự doanh của mình có đủ chứng khoán cho khách hàng vay không. Nếu không đủ, CTCK phải vay từ các CTCK khác để giúp khách hàng đảm bảo khả năng chuyển giao chứng khoán bị thiếu hụt.

Nếu bước này không giải quyết được, thì CTCK phải vay chứng khoán từ hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) của VSD.

Đến bước này mà vẫn không xong, thì CTCK phải cưỡng chế giao dịch để có chứng khoán chuyển giao. Với trường hợp khách hàng thiếu tiền, thì CTCK phải cho khách hàng vay để thanh toán. 

Bán chứng khoán chờ về, bao giờ?

Giải đáp câu hỏi mà nhiều thành viên thị trường thắc mắc: thế nào là chứng khoán chờ về, ông Sơn cho hay, đó là chứng khoán mà NĐT mua và đã khớp lệnh vào ngày T, nhưng chưa hoàn tất quá trình chuyển quyền sở hữu. UBCK đang xây dựng phương án hướng dẫn chi tiết triển khai nghiệp vụ này theo hướng chỉ cho phép bán chứng khoán chờ về vào sáng T+2.

Thêm một thắc mắc mà các thành viên thị trường đặt ra là chứng khoán chờ về có bao gồm chứng khoán thực hiện quyền (nhận cổ tức bằng cổ phiếu) hay không, ông Long khẳng định chứng khoán chờ về không bao gồm chứng khoán thực hiện quyền, nhận cổ tức bằng cổ phiếu, vì khó xác định thời điểm loại chứng khoán này về tài khoản.

“Việc xây dựng hướng dẫn chi tiết cho thực hiện giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về đang được UBCK khẩn trương tiến hành, đảm bảo khi đưa vào triển khai sẽ an toàn, mang lại công cụ mới cho NĐT, góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường…”, ông Long nói.    

Vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động

Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK 

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 210/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của CTCK, nếu CTCK có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định và bị kiểm soát đặc biệt, mà không khắc phục được tình trạng này, thì bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu khối CTCK diễn ra hiệu quả hơn, một quy định mới tại Thông tư 07/2016 (sửa đổi Thông tư 210/2012), mà Bộ Tài chính ban hành ngày 18/1/2016 là các CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục được tình trạng có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định.

Một điểm mới nữa của Thông tư 07/2016 là quy định lại các mốc giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp: vượt quá hoặc xuống dưới các mức sở hữu 10%, 25%, 50%, 75% vốn điều lệ đã góp của CTCK, thì phải được UBCK chấp thuận.

Đối với trường hợp CTCK tăng vốn điều lệ, điểm mới của Thông tư 07/2016 là bỏ quy định phải nộp báo cáo tài chính hoặc xác nhận của tổ chức kiểm toán đối với các trường hợp phát hành từ các nguồn vốn chủ sở hữu. Với trường hợp giảm vốn điều lệ, Thông tư 07/2016 yêu cầu CTCK lập báo cáo tài chính sau khi mua lại cổ phiếu bằng xác nhận của tổ chức kiểm toán về kết quả mua lại cổ phiếu.

Đặc biệt, Thông tư 07/2016 bổ sung nguyên tắc trong quá trình nắm giữ chứng khoán, tiền của khách hàng trên tài khoản chuyên dụng đứng tên CTCK, thì đó là tài sản của khách hàng, chứ không phải là tài sản của CTCK. Do đó, khi CTCK giải thể, phá sản, thì phải thanh toán các tài sản này cho khách hàng.

Quản chặt hoạt động phát hành chứng khoán

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chào bán chứng khoán, UBCK

Có nhiều điểm mới tại Thông tư 162/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chào bán chứng khoán ra công chúng, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu vừa có hiệu lực (thay thế Thông tư 130/2012 và Thông tư 204/2012 của Bộ Tài chính). Theo đó, trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, tổ chức phát hành phải bổ sung tài liệu là báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được công ty kiểm toán xác nhận.

Liên quan đến ý kiến của kiểm toán tại báo cáo tài chính năm trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, điểm mới tại Thông tư 162/2015 là yêu cầu ý kiến của kiểm toán phải thể hiện chấp nhận toàn bộ. Trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán và không phải là các khoản ngoại trừ trọng yếu.

UBCK sẽ tìm phương án giúp cổ đông nhỏ dễ bán cổ phiếu

Tại Hội nghị, một câu hỏi đáng chú ý được nêu ra từ đại diện một DN (tại Phú Thọ) có vốn điều lệ 125 tỷ đồng, 1.300 cổ đông đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, đó là cổ đông là người lao động chỉ nắm 100, 200 cổ phiếu, nay họ muốn bán mà phải xuống Hà Nội mở tài khoản tại CTCK, rồi sau đó mới đặt lệnh bán được là quá bất tiện, gây khó khăn cho cổ đông. Nếu vấn đề này không được giải quyết, sẽ gây khó cho công ty trong quan hệ với các cổ đông, khó giảm số lượng cổ đông để tiết kiệm chi phí tổ chức ĐHCĐ.

Đại diện UBCK, ông Nguyễn Sơn chia sẻ vướng mắc mà DN đang gặp phải, đồng thời cho rằng, về nguyên tắc, khi DN đã đăng ký giao dịch trên UPCoM, thì khi muốn giao dịch cổ phiếu, cổ đông phải mở tài khoản giao dịch tại CTCK. Tuy nhiên, từ tình huống mà DN đặt ra, với tư cách là đầu mối tổ chức và vận hành sàn UPCoM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cần tìm kiếm phương án tháo gỡ, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị lên UBCK để tạo thuận lợi cho các cổ đông và DN.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục