Cần làm rõ trách nhiệm của ngân hàng
Đến nay chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu CTCK đã hay chưa quản lý tách bạch tài khoản tiền đến từng NĐT, nhưng trên thực tế, hiện có không ít CTCK mới chỉ dừng lại tách bạch ở cấp độ tài khoản tổng tại ngân hàng. Hiện trạng này đang đặt ra thách thức cho việc triển khai giao dịch T+0 với một yêu cầu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đặt ra là, CTCK phải có hệ thống để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán tách biệt tới từng NĐT tại ngân hàng, nếu muốn được tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0.
Việc yêu cầu CTCK quản lý tách bạch tài khoản của NĐT mà lâu nay UBCK theo đuổi là hợp lý. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cả từ phía CTCK lẫn NĐT, mà đến nay việc này chưa được thực hiện triệt để. Xét trong tình huống việc thực hiện yêu cầu này như là một điều kiện để CTCK được phép tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0, theo ý kiến của các CTCK, sẽ làm phát sinh một số khó khăn.
Theo đó, khi thực hiện giao dịch T+0, CTCK phải cho NĐT vay tiền, nếu tiền của NĐT được quản lý tại ngân hàng, thì có thể xảy ra rủi ro cho CTCK khi khách hàng bán chứng khoán, sau đó tiền bán chứng khoán đổ về tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Tiếp đó, khách hàng ngay lập tức có thể rút tiền trong khi ngân hàng không dễ kịp thời thực hiện cắt tiền trên tài khoản khách hàng để thanh toán nợ cho CTCK theo yêu cầu.
Thực tế như quy định trong giao dịch ký quỹ (margin), các CTCK chỉ có thể triển khai cho vay margin đối với các tài khoản khách hàng để tiền gửi tại CTCK, CTCK không thể cho vay ký quỹ trong trường hợp khách hàng để tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng bởi yếu tố rủi ro như đã nêu.
Liên quan đến định hướng hoàn thiện cơ chế giao dịch T+0, là việc giải ngân cho khách hàng giao dịch mua chứng khoán trong ngày do ngân hàng bảo lãnh và giải ngân mà không phải là CTCK, theo quy định tại Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ có thể cho vay giao dịch chứng khoán tối đa 5% vốn điều lệ và hiện nhiều ngân hàng không còn hạn mức cho vay chứng khoán.
Do đó, nếu quy định việc cho vay giao dịch trong ngày là do ngân hàng bảo lãnh và giải ngân, thì sẽ không khả thi. Ngoài ra, ngân hàng không quản lý và nắm được biến động tài sản của khách hàng để đảm bảo quản lý rủi ro khi giải ngân, nên sẽ khó thực hiện trên thực tế.
Mặt khác, hiện chỉ có một số ngân hàng triển khai dịch vụ tài khoản thanh toán tiền mua chứng khoán kết nối với tài khoản của khách hàng tại CTCK, nên khi các ngân hàng này không còn hạn mức hoặc không có nhu cầu cho vay thanh toán giao dịch T+0, thì quy định trên sẽ khó khả thi.
Để giải quyết bài toán trên, các CTCK đề nghị UBCK cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của ngân hàng với CTCK, để đảm bảo việc thanh toán thông suốt, an toàn, giảm thiểu rủi ro cho CTCK.
Khó cho NĐT và CTCK
Theo dự thảo thông tư, NĐT có trách nhiệm đặt các lệnh giao dịch, bảo đảm số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng với số chứng khoán cùng loại trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại...
Với quy định này, theo các CTCK, có thể hiểu rằng, với mỗi lệnh đặt bán sẽ phải có lệnh đặt mua trong ngày với cùng số lượng và cùng loại chứng khoán.
Như vậy, sẽ gây khó khăn cho NĐT khi giao dịch phải đặt chính xác số lượng từng lệnh. Trong khi nội dung chính của điều khoản này là quy định CTCK thực hiện quy trình hỗ trợ thanh toán khi số chứng khoán của lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn số chứng khoán của lệnh mua đã thực hiện, nên cần sửa nội dung này theo hướng: NĐT có trách nhiệm đặt các lệnh giao dịch, bảo đảm tổng số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng với tổng số chứng khoán cùng loại trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại.
Trường hợp tổng số chứng khoán của lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn tổng số chứng khoán của lệnh mua đã thực hiện, thì CTCK có trách nhiệm thực hiện theo quy trình hỗ trợ thanh toán...
Việc dự thảo quy định: sau mỗi ngày giao dịch, CTCK có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho Trung tâm Lưu ký (VSD) danh sách tài khoản giao dịch, khối lượng giao dịch (số lượng mua, bán) của các giao dịch trong ngày, kèm theo phương án xử lý trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao..., theo các CTCK là chưa hợp lý.
Cần thiết điều chỉnh theo hướng: CTCK chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho VSD về tài khoản giao dịch, khối lượng giao dịch của các giao dịch trong ngày chỉ trong các trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao, chứ không phải đối với mọi trường hợp giao dịch T+0.
Sở dĩ như vậy là bởi, nếu quy định CTCK phải cung cấp thông tin cho VSD về mọi trường hợp giao dịch T+0, sẽ gia tăng khối lượng công việc cho cả VSD và các CTCK, trong khi trên thực tế thông tin này đã có dữ liệu từ các Sở GDCK chuyển cho VSD.