UPCoM: “Khoảng hở” trong tính chỉ số

(ĐTCK-online) Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thuật toán tính chỉ số và quy định không có giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của Sở GDCK Hà Nội đã làm méo mó các chỉ số trên cả UPCoM và sàn niêm yết.
Sự ra đời thị trường UPCoM là nhằm mục đích thu hẹp thị trường tự do với thị trường có tổ chức - Ảnh: Đức Thanh Sự ra đời thị trường UPCoM là nhằm mục đích thu hẹp thị trường tự do với thị trường có tổ chức - Ảnh: Đức Thanh

Việc UPCoM-Index bất ngờ tăng  7,26% (+3,04 điểm) trong phiên giao dịch ngày 29/12/2010 trong khi đại đa số các mã giao dịch trên sàn này giảm giá đã gây xôn xao trên thị trường trong thời gian qua.

Nhiều ý kiến gửi về ĐTCK cho rằng, chính thuật toán tính chỉ số và quy định không có giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của Sở GDCK Hà Nội đã làm méo mó các chỉ số trên cả UPCoM và sàn niêm yết. Ngoài ra, các NĐT cũng cho rằng, việc HNX không quy định giá tham chiếu ngày chào sàn đang tạo kẽ hở cho hoạt động làm giá và gây khó khăn cho NĐT.

NĐT Luong Anh Quyen (pcmanvn@...com) cho rằng: "thuật toán tính chỉ sô HNX-Index và UPCoM-Index có vẻ giống nhau, nhưng cái sai ở đây là do chọn giá gốc để tính điểm. Lẽ ra phải lấy giá trung bình của phiên trước, tức là phải lấy giá tham chiếu của CP để tính điểm thì nhà quản lý lại lấy giá gốc là giá khớp lệnh cuối cùng của phiên trước gần nhất. Như vậy từ lâu nay, sự biến động điểm số của HNX và UPCoM bị méo mó không tương ứng với sự biến động giá của CP".

Còn NĐT Lê Bình (lebinh24@..com) thì cho rằng, việc HNX không quy định giá tham chiếu trong ngày chào sàn đã gây khó cho NĐT và cũng dễ tiếp tay cho việc làm giá. Theo NĐT này, HNX cần quy định giá tham chiếu trong ngày chào sàn (cả với sàn HNX và UPCoM) giống như HOSE, nhất là khi việc tính giá tham chiếu tham khảo là dễ dàng đối với đơn vị tư vấn.

Tuy nhiên, sự ra đời thị trường UPCoM là nhằm mục đích thu hẹp thị trường tự do với thị trường có tổ chức, nên những quy định trên sàn UPCoM có phần "lỏng" hơn so với thị trường niêm yết. Theo quy định, các DN giao dịch trên sàn UPCoM không bắt buộc phải có đơn vị tư vấn, hiện nay điều kiện về tổ chức cam kết hỗ trợ cũng không còn là bắt buộc, mà công ty đại chúng sẽ chủ động chuẩn bị hồ sơ đăng ký giao dịch. Chính vì thế, việc xác định giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên, cơ sở xác định và cách tính như thế nào để sát là không đơn giản đối với DN khi lên UPCoM.

Còn chỉ số là nhiệt kế cho thị trường tại từng thời điểm, qua chỉ số, NĐT có thể biết xu hướng vận động của thị trường trong phiên, vì thế nếu tính giá bình quân, thì nó sẽ không phản ánh đúng xu hướng của thị trường và sẽ tạo ra rủi ro cho NĐT khi nhìn theo chỉ số để ra quyết định đầu tư.

Đối với các CP, mức giá giao dịch cao hoặc thấp lại phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Việc khẳng định có việc làm giá hay không là rất khó khăn, đòi hỏi phải có đủ bằng chứng về sự cấu kết. Nhiều NĐT cho rằng, mức giá trên UPCoM là vô lý, như trường hợp cổ phiếu SGS vừa qua, hay trước đó là mức giá trên trời 500.000 đồng/CP của WTC hay mức giá oan uổng của SCO (giá 2.500 đồng/CP trong khi giá trị sổ sách là 12.285 đồng/CP), nhưng để xác định được có hiện tượng làm giá hay không lại phải do cơ quan chức năng điều tra mới có thể kết luận được.

Nhìn tổng thể, những ý kiến trên của NĐT phát từ diễn biến bất thường của giá cổ phiếu trên UPCoM cũng đáng để cơ quan quản lý nghiên cứu. Lý do là những sự việc xảy ra trên thị trường UPCoM, cũng có thể xảy ra đối với sàn HNX, do thuật toán tính chỉ số của 2 thị trường này là giống nhau.

Bình Duy
Bình Duy

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,241.53 -7.11 -0.57% 130,697 tỷ
HNX 235.0 0.42 0.18% 1,588 tỷ
UPCOM 91.28 -0.63 -0.69% 632 tỷ