Ứng phó với những rủi ro khi ký hợp đồng qua zoom, mail…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 10/9, VIAC phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức buổi hội thảo trực tuyến: Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro khủng hoảng từ Covid-19.

Trong bối cảnh hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp không thể gặp mặt trực tiếp mà phải giao kết hợp đồng qua phương thức điện tử như chat zoom, gmail…. Vậy trường hợp, nếu phần mềm không được bảo mật, các bên bị mất thông tin thì giải quyết như thế nào?

Luật sư Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trưởng bộ môn Luật Thương mại quốc tế - Trường Đại học Kinh tế - Luật - Đại học Quốc gia TP.HCM, trọng tài viên VIAC cho biết, để bảo mật thông tin, bản thân doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình. Bởi lẽ khi mất thông tin, doanh nghiệp không thể khiếu nại Google được. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nhờ chuyên gia tư vấn phần mềm bảo mật cao nhất để sử dụng.

Theo ông Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM, trọng tài viên VIAC chia sẻ kinh nghiệm, khi sử dụng phần mềm zoom thì khả năng bảo mật thông tin không cao. Tuy nhiên có thể xảy ra trường hợp xuất phát từ lỗi bảo mật của phần mềm hoặc lỗi của một trong các bên tham gia.

Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung thêm quy định mới tại Điều 387 về Thông tin trong giao kết hợp đồng. Nếu xác định lỗi bảo mật do một bên tham gia thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể vận dụng quy định trên để điều chỉnh hợp đồng.

Theo đó, trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin, không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Ông Châu Việt Bắc – Phó tổng thư ký VIAC thông tin thêm, theo thống kê từ tháng 1-9/2020, VIAC đã tiếp nhận và thụ lý khoảng trên 130 vụ tranh chấp. Những vụ tranh chấp liên quan đến việc các bên viện dẫn do ảnh hưởng của Covid-19, tuy nhiên, quá trình giải quyết thể hiện rõ nét thiện chí của các bên và dường như dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp dễ cảm thông với nhau hơn.

Nhận diện một số tranh chấp xảy ra thời gian qua, ông Đỗ Văn Đại cho biết, các tranh chấp chủ yếu liên quan đến vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bàn giao tài sản, bồi thường bảo hiểm và không giao kết hợp đồng.

“Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, số lượng giao dịch chưa nhiều vì doanh nghiệp còn phải giải quyết hậu quả từ đợt dịch thứ 1. Các doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc ký kết hợp đồng vì chưa biết dịch bệnh bao giờ sẽ kết thúc. Số lượng hợp đồng ký kết không nhiều nhưng doanh nghiệp đã rút ra những bài học kinh nghiệm, nắm vững các điều khoản hơn…”, ông Dương Anh Sơn nhìn nhận.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục