Ứng dụng công nghệ số tiên tiến trong lĩnh vực tài chính cần song hành với bảo mật và an toàn hệ thống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và công nghệ đã thảo luận chia sẻ về việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, dữ liệu lớn (big data), để cải thiện chất lượng dịch vụ và quản lý rủi ro.
Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: chiến lược vận hành an toàn và bền vững” Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: chiến lược vận hành an toàn và bền vững”

Ngân hàng mở (Open Banking) dưới dưới góc nhìn thực tiễn

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc CMCN 4.0 được các tổ chức tín dụng Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển đổi sâu rộng, mang đến lợi ích, trải nghiệm cho khách hàng vượt trội và tạo sự bứt phá, toàn diện mọi mặt hoạt động ngân hàng. Theo đó, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt cổ động liên tục, an toàn, ổn định, kết nối liền mạch, thông suốt với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ cho ngân hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm - dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình của khách hàng. Đồng thời, có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

“Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai các cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo”, ông Dũng nói.

Trong tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Dũng cho biết, xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những động lực chính thúc đẩy sự thay đổi này, hứa hẹn tạo ra bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Đây cũng là xu hướng phát triển toàn cầu quan trọng nổi bật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sâu rộng … đem đến lợi ích, giá trị thiết thực cho khách hàng.

“Ngân hàng mở được xem là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, là xu hướng tất yếu của kinh doanh ngân hàng trong kỷ nguyên số. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng ngân hàng mở, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) cũng có tốc độ phát triển nhanh chóng vượt bậc, góp phần quan trọng vào định hình tương lai ngành ngân hàng”, ông Dũng nói.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, hiện nay, trên thế giới, ngân hàng mở là nền tảng đầu tiên để mọi người bắt đầu áp dụng những dịch vụ rất cơ bản về ngân hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ. Tuy nhiên, ngân hàng mở đang phát triển xa hơn với tài chính mở (Open Finance), nơi không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính mà còn mở rộng sang các dịch vụ khác trong hệ sinh thái, hay nói cách khác, kết nối với những thực thể khác trong lĩnh vực tài chính như công ty bảo hiểm... Từ đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn tốt hơn để quản lý tài chính, và cuối cùng là hướng tới nền kinh tế mở (Open Economy), nghĩa là liên kết tài chính và phi tài chính.

Đại diện Mastercard chia sẻ về ba yếu tố nền tảng để tiến tới Ngân hàng mở và xa hơn là tài chính mở và nền kinh tế mở.

Thứ nhất là về hạ tầng kiến trúc. Mỗi nền tảng ngân hàng mở phải có các điều khoản, điều luật cũng như tiêu chuẩn chi tiết của dữ liệu, chẳng hạn như những dữ liệu nào bắt buộc chia sẻ, dữ liệu nào khuyến khích chia sẻ, dữ liệu nào để cho những bên tham gia lựa chọn. Bộ tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp các thành viên tham gia đưa ra các chiến lược phù hợp để triển khai.

Thứ hai là về quyền của người dùng. Bản chất của ngân hàng mở là trao quyền cho người dùng, và người dùng cần hiểu được họ được trao quyền như thế nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Anh cho thấy, gần 60% người dùng chưa thực sự hiểu về quyền lợi của mình sau 5 năm triển khai ngân hàng mở. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kết nối với người dùng để họ hiểu rõ quyền lợi của mình.

Thứ ba, nhưng không kém phần quan trọng, đó là chiến lược của các bên tham gia. Các ngân hàng có thể lựa chọn tham gia một cách thụ động bằng cách đáp ứng theo quy định của pháp luật về ngân hàng mở, hoặc tham gia một cách chủ động trong việc xây dựng và xem đó là một chiến lược để tạo ra những giá trị thặng dư mới cho doanh nghiệp. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của mỗi ngân hàng.

“Ba yếu tố này sẽ quyết định việc triển khai ngân hàng mở của doanh nghiệp cũng như tiến gần hơn tới tài chính mở và nền kinh tế mở”, đại diện Mastercard nhấn mạnh.

Nâng cao an toàn, bảo mật thời chuyển đổi số

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiết lộ, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97 - 98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành Ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hàng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.

“Có thể nói, tỷ lệ số hoá của ngành Ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank thảo luận tại sự kiện

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank thảo luận tại sự kiện

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, lượng giao dịch trên ngân hàng số tại TPBank chiếm khoảng 98% tổng lượng giao dịch, xu hướng chuyển dịch dần đến kênh số là tất yếu. Do đó, việc duy trì đảm bảo an toàn an ninh dữ liệu hết sức quan trọng, nên ngân hàng phải xây dựng hạ tầng công nghệ để đảm bảo cho vận hành liên tục và ít bị gián đoạn, là thách thức lớn không chỉ với chúng tôi mà toàn ngành ngân hàng.

“Tôi thấy rằng, khi ngân hàng chỉ tập trung vào bảo vệ chính mình thì tội phạm lại tấn công khách hàng. Do đó, khi thiết kế sản phẩm, ứng dụng phải hướng đến khách hàng và hướng dẫn, cảnh báo cụ thể. Hiện nay, khách hàng chỉ còn một vài người phải qua quầy trực tiếp, còn hầu hết là tự thực hiện giao dịch ở trên phần mềm và điện thoại di động, thì khách hàng cũng phải cẩn thận và không tiết lộ thông tin cho bất kỳ đơn vị nào để tránh bị hack thông tin hay tài khoản. Điều này cũng đã được Ngân hàng liên tục cảnh báo và hướng dẫn khách hàng”, ông Hưng nói.

Còn bà Tan Bin Ru, Chủ tịch Khối giải pháp số Khách hàng doanh nghiệp, ST Engineering chia sẻ: "Bảo mật thông tin xác định dựa trên ba yếu tố bảo mật: Mật mã hóa, Tính toàn vẹn và Khả dụng. Để đạt được điều đó, các giải pháp an ninh mạng tiên tiến của chúng tôi bao gồm WizKnight Cloud, bảo mật thông tin liên lạc cho người dùng từ xa, và SCALE, một giải pháp tính toán đầu cuối an toàn bảo vệ dữ liệu khỏi bị mất và tăng cường bảo mật cơ sở hạ tầng máy tính để bàn ảo".

Những giải pháp tiên tiến này bảo mật quyền truy cập từ xa và kết nối người dùng cuối với cả hệ thống tại chỗ và ứng dụng đám mây, đồng thời bảo vệ tính bảo mật, tính toàn vẹn và khả dụng của dữ liệu. Việc đầu tư và nghiên cứu liên tục của chúng tôi về phân phối khóa lượng tử cũng đảm bảo rằng tất cả các giải pháp của chúng tôi sẵn sàng khi lượng tử trở thành xu hướng chính. Giám sát liên tục để phát hiện các mối đe dọa và lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng của ngân hàng, cũng như đào tạo nhân viên để ứng phó với các mối đe dọa cũng là một bước quan trọng để nâng cao bảo mật.

“Chúng tôi có các giải pháp tiên tiến trong việc giám sát và ứng phó với các mối đe dọa mạng, bao gồm giám sát an ninh mạng chuỗi cung ứng, tự động hóa điều tra và phản ứng đám mây, và mô phỏng thực tế các mối đe dọa mạng trong phạm vi an ninh mạng tiên tiến của chúng tôi. Tóm lại, các giải pháp của chúng tôi giúp ngân hàng bảo mật quyền truy cập thông tin và phản ứng nhanh hơn với các sự cố để quản lý rủi ro hiệu quả hơn”, bà Tan Bin Ru cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục