Smart Banking năm 2024: Không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn là chiến lược phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay một cá nhân mà là nỗ lực chung và quan trọng là cần một môi trường hợp tác, nơi các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhận định, có thể nói, về mặt không gian pháp lý đối với ngân hàng số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở cửa và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được.

Cụ thể, Ngân hàng là bộ ngành đầu tiên cho phép mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021. Và mới đây nhất, từ ngày 1/10/2024, Ngân hàng cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn…

“Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên thế giới và tại Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng được thúc đẩy bởi các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học, thực tế ảo tăng cường (AR) và các nền tảng ngân hàng mở.

Theo ông Hùng, với việc triển khai Chiến lược phát triển công nghệ thông tin, Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng cùng với sự đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật phục vụ cho hoạt động ngân hàng và công tác chuyển đổi số như: Luật Các TCTD 2024, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, các Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng phương thức điện tử; bảo lãnh điện tử; cho vay điện tử…; và các văn bản về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, ngành Ngân hàng đã được những kết quả quan trọng trong chuyển đổi số.


Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu tại sự kiện

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu tại sự kiện

Một là, chất lượng và tiện ích dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng được nâng cao. Các TCTD đã ứng dụng một số công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 vào hỗ trợ các hoạt động quản trị ngân hàng, phân tích dữ liệu, chăm sóc tư vấn khách hàng mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng, đáp ứng yêu cầu giao dịch 24/7 và có thể sử dụng dịch vụ được dễ dàng, thuận tiện.

Hai là, chất lượng và giá trị giao dịch qua thanh toán điện tử tăng trưởng vượt bậc. Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt hơn 80%. Tổng số lượng hồ sơ khách hàng cá nhân, tổ chức trên toàn hệ thống TCTD, trung gian thanh toán khoảng hơn 200 triệu, trong đó đã có 46,7 triệu hồ sơ khách hàng đã được thu thập, đối chiếu, đăng ký thông tin sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng có giá trị giao dịch qua hệ thống tăng bình quân hơn 23,5%/năm và xử lý giá trị giao dịch thanh toán bình quân hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày.

Ba là, công nghệ ngân hàng được đầu tư đổi mới đồng bộ theo thông lệ quốc tế.

Theo Phó Thống đốc, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97 - 98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hàng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Có thể nói, tỷ lệ số hoá của ngành ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế như kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông… Mặc dù vậy, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành.

“Sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Đồng quan điểm trên, ông Hùng cho biết, hiện nay có những rủi ro, thách thức mới về an ninh, an toàn thông tin đe doạ sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng như các cuộc tấn công mạng có chủ đích hướng (tấn công APT) vào hệ thống ngân hàng Việt Nam của các nhóm tội phạm có tổ chức, sự tiếp tục gia tăng các thủ đoạn lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tiền bất hợp pháp...

Như vậy, trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh những mặt thuận lợi mà công nghệ mới đem lại, ngành ngân hàng cũng luôn phải đối mặt với những thách thức nhằm đáp ứng đồng thời các yêu cầu như phát triển hệ sinh thái mới, mô hình kinh doanh mới, dịch vụ ngân hàng mở và nâng cao trải nghiệm khách hàng; nhưng vẫn bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình cung cấp dịch vụ.

“Vì vậy, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng là một nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển của công nghệ đi kèm với tội phạm mạng đang trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới”, ông Hùng nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục