Cùng nắn dòng vốn đi nhanh, đi đúng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với vai trò là kênh thông tin chính thống, báo chí đã cập nhật nhanh chóng, kịp thời tin tức về chính sách tiền tệ, hoạt động của ngành ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp...
Qua báo chí, khách hàng của ngân hàng nắm rõ thông tin về lãi suất, chính sách tiền tệ... Qua báo chí, khách hàng của ngân hàng nắm rõ thông tin về lãi suất, chính sách tiền tệ...

Cầu nối thông tin chính sách

Thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng là lĩnh vực có nhiều biến động. Thêm vào đó, thời gian qua, với việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách điều hành linh hoạt, mặt bằng lãi suất liên tục biến động, cùng với đó là áp lực tỷ giá, giá vàng lên cao. Với chức năng thông tin, báo chí đã nhanh chóng truyền tải các thông điệp điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đến người dân, cộng đồng doanh nghiệp… Từ đó, người dân, doanh nghiệp có thể nắm bắt nhanh chóng, kịp thời các thông tin về thị trường tài chính - tiền tệ, từ đó có cơ sở chính xác cho các quyết định đầu tư, kinh doanh.

Chẳng hạn, trong gần ba quý đầu năm nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhẹ, với mức cao nhất lên trên 6%/năm. Điều này nhận được sự quan tâm không chỉ từ phía khách hàng gửi tiền, mà còn cả với khách hàng vay vốn. Không ít doanh nghiệp lo ngại, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ đi lên cùng với đà tăng của chi phí vốn đầu vào. Song theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân hàng tháng, đồng thời tiết giảm chi phí để có thể giảm thêm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Thông điệp này đã được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có báo chí, giúp các cá nhân, tổ chức đang vay vốn, hoặc có nhu cầu vay vốn ngân hàng yên tâm phần nào.

Theo thông tin được các nhà băng công bố, trong nhóm ngân hàng tư nhân, mức lãi suất cho vay dao động từ 6,7 - 11%/năm, không chỉ áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp mà còn cả cá nhân. Có ngân hàng không công bố lãi suất cho vay bình quân, thay vào đó, công bố lãi suất cho vay cơ sở (lãi suất tham chiếu) dùng để điều chỉnh lãi suất cho vay sau thời gian cố định lãi suất theo nguyên tắc: lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ.

Để thông tin về các chính sách của ngành ngân hàng nhanh chóng lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp, đòi hỏi ngành ngân hàng đẩy mạnh truyền thông, kết nối với các cơ quan thông tấn nhằm truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá chậm hiện nay (đến thời điểm 7/9/2024, dư nợ toàn nền kinh tế tăng 7,75% so với đầu năm, cách khá xa mục tiêu 15% trong năm nay), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các ngân hàng cần đẩy mạnh truyền tải thông tin đến khách hàng, để qua đó, cá nhân, doanh nghiệp có thể nắm rõ hơn về mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất đã xuống mức hợp lý hơn trước.

Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề cao vai trò của truyền thông trong việc truyền tải thông tin, thông điệp của ngành ngân hàng đến với khách hàng để họ có thể nắm bắt được tình hình lãi suất, xem xét cần đến khoản vay khi có nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, nhất là trước thông tin thị trường tài chính ngày càng có nhiều biến động như hiện nay.

Có thể thấy, thông qua việc thông tin chính xác và kịp thời về chính sách điều hành của cơ quan quản lý đến bạn đọc toàn xã hội, cũng như khách hàng của các ngân hàng thương mại, báo chí đã góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tin tưởng, đồng thuận hơn với điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của ngành ngân hàng. Hơn hết, các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có thể tìm đến đúng địa chỉ để vay vốn, tránh xa tín dụng “đen” với lãi suất cao.

Trong một cuộc họp triển khai nhiệm vụ của ngành vào đầu năm nay, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng, để thông tin về các chính sách của ngành ngân hàng nhanh chóng lan tỏa đến người dân, nhất là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đòi hỏi ngành nói chung và các ngân hàng nói riêng đẩy mạnh truyền thông, kết nối với các cơ quan thông tấn nhằm truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, chính xác. Qua báo chí, các ngân hàng cũng như ngành sẽ giúp khách hàng nhanh chóng nắm bắt được thông tin, từ đó có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Ông Tú cũng khẳng định, ngành ngân hàng luôn xác định, báo chí là công cụ truyền thông chính sách rất quan trọng. Với vai trò thông tin và phản biện xã hội, báo chí đóng góp vào sự phát triển của mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng không phải là ngoại lệ.

Trọng trách lớn của báo chí

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, ngành ngân hàng là một ngành kinh tế sâu, đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế, sôi động hơn hẳn các ngành khác nên luôn được xã hội quan tâm. Bởi vậy, rất cần truyền tải thông tin về ngành để người dân, doanh nghiệp cho tới lãnh đạo các cấp, các ngành hiểu được bản chất hoạt động của ngành ngân hàng, nắm bắt được chính sách điều hành tiền tệ từng giai đoạn, thời điểm. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách. Vì thế, tất cả các cơ quan, từ các cấp quản lý nhà nước đến các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm trong công tác truyền thông.

Lãnh đạo các ngân hàng cùng chung quan điểm khi đề cao vai trò của báo chí trong công tác truyền tải thông tin, kết nối giữa ngân hàng và khách hàng. Vì thế, bản thân các ngân hàng luôn kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, giải thích cặn kẽ, từ đó có thể đưa ra được thông điệp rõ ràng, nhanh chóng, chính xác.

Với trọng trách như vậy của báo chí, yêu cầu đặt ra với những phóng viên chuyên trách mảng tài chính - ngân hàng không chỉ đơn thuần là phản ánh thông tin, đưa ra các con số, mà phải chuyển tải được thông điệp đến độc giả, nhà đầu tư qua những con số “biết nói”.

Đặc biệt, với đặc thù là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, có ảnh hưởng rộng rãi đến nền kinh tế - xã hội, các ngân hàng thương mại phải đáp ứng các chuẩn mực hoạt động rất khắt khe về sức khỏe tài chính, quản trị rủi ro, tính minh bạch… Điều này không chỉ đòi hỏi các phóng viên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng phải nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình hoạt động cũng như “sức khỏe” của các nhà băng để có thể phản ánh nhanh chóng, kịp thời, phân tích và truyền tải được thông điệp từ những con số đến với độc giả, nhà đầu tư…, mà cần sự cẩn trọng nghề nghiệp rất cao.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục