Có thể nhận thấy, trong vài năm gần đây, đi cùng với tài chính xanh, các định chế tài chính bắt đầu ưu tiên thêm cho các sản phẩm thích ứng và giảm nhẹ tác động của rủi ro khí hậu. Vốn “xanh” đã không còn ưu đãi quá nhiều vì thị trường đã bước qua giai đoạn sơ khởi. Những ưu đãi cho “xanh” trước đây đang chuyển dịch dần nhắm tới các dự án liên quan tới giảm nhẹ rủi ro khí hậu.
Bởi thế, khối doanh nghiệp tư nhân nên nhanh chóng tận dụng cơ hội và cập nhật chiến lược phát triển bền vững của mình nếu muốn tiếp cận thị trường vốn dồi dào. Tính cạnh tranh tiếp cận nguồn vốn cũ ngày càng cao và miếng bánh ngày càng nhỏ lại, trong khi thị trường vốn xanh và vốn liên quan tới rủi ro khí hậu ngày càng phình to hơn.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nắm bắt cơ hội?
Bà Nguyễn Mai. Trưởng đại diện Ban Quốc tế Hội Quy hoạch Hoa Kỳ tại Việt Nam |
Sự cạnh tranh trong thị trường vốn không phải chỉ gói gọn trong nhóm các doanh nghiệp trong nước, mà đây là sự cạnh tranh toàn cầu. Chủ động nâng cao năng lực và hoạch định chiến lược phát triển bền vững cho các hoạt động kinh doanh của mình là yếu tố then chốt.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong luôn nắm bắt được cơ hội mới và tận dụng chúng như chất xúc tác cho sự phát triển trong một môi trường cạnh tranh quốc tế đầy biến động. Một số doanh nghiệp Việt đã thực thi rất tốt các chiến lược bền vững và tiếp cận được nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế.
Các tổ chức tài chính quốc tế sẽ không chỉ nhìn vào sự “tự cam kết” của doanh nghiệp, mà cần có những bằng chứng thiết thực hơn. Bởi vậy, các công cụ đo lường như các chứng chỉ công trình xanh được xác nhận bởi bên thứ ba sẽ đem lại giá trị. Việc áp dụng những công cụ này vừa giúp doanh nghiệp cụ thể hóa chiến lược kinh doanh, vừa là cơ hội để nâng cao chất lượng nhân lực, chuẩn bị cho những bước đi dài hơn hơn trên con đường đổi mới sáng tạo.
Bắt đầu từ những bằng chứng thiết thực
Chiến lược bền vững không phải là điều hoàn toàn mới, mà trong quá trình hình thành và phát triển, doanh nghiệp đâu đó có những hành động trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Bởi vậy, bước đầu tiên doanh nghiệp nên làm là rà soát lại các hoạt động để liệt kê những thành tựu xanh đã được thực hiện, sau đó dựa trên kinh nghiệm của chính mình tập trung đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động và thành tựu này, kết hợp với việc lồng ghép những hoạt động xanh trong khả năng và tổng kết lại bằng việc vạch ra một chiến lược bền vững toàn diện hơn.
Tiếp theo, doanh nghiệp nên công bố những thành tựu cũng như mục tiêu của mình có thể dưới hình thức báo cáo phát triển bền vững, báo cáo ESG… Bằng cách giao tiếp này, doanh nghiệp chứng minh cho khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng thấy được những cam kết ban đầu đối với phát triển bền vững, cũng như chứng tỏ năng lực và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo.
Các tổ chức tài chính quốc tế sẽ không chỉ nhìn vào “sự tự cam kết” của doanh nghiệp, mà cần có những bằng chứng thiết thực hơn. Bởi vậy, các công cụ đo lường như các chứng chỉ công trình xanh được xác nhận bởi bên thứ ba sẽ đem lại giá trị.
Song, việc tự công bố là chưa đủ thuyết phục, bước đi mang tính khẳng định kế tiếp là chứng minh bằng kết quả mang tính định lượng và được xác nhận bởi một bên thứ ba để tăng tính khách quan. Một trong những cách dễ dàng nhất đó là sử dụng các chứng chỉ xanh được công nhận toàn cầu.
Với việc áp dụng và đạt được những chứng chỉ xanh này, doanh nghiệp sẽ thu được 2 món lợi chính: Thứ nhất, đó là chứng cứ vững chắc thể hiện sự cam kết của mình đã được thực hiện, đây là lợi ích về danh tiếng; thứ hai, có chiều sâu hơn, bằng việc theo đuổi và thực hành những chứng chỉ này, doanh nghiệp đã dần dần nâng cao năng lực của chính mình trong việc thực hành chiến lược bền vững.
Những bỡ ngỡ ban đầu, sự thiếu thốn về nhân sự có chuyên môn… sẽ theo đó mà được giải quyết. Có thể một hay hai dự án thử nghiệm ban đầu sẽ diễn ra từ từ, nhưng một khi có kinh nghiệm, việc thực hành sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây là bước ngoặt để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi muốn kêu gọi dòng vốn xanh.
Những chứng chỉ mang tính hướng dẫn nâng cao năng lực đã được phát triển bởi các tổ chức trên thế giới và đang lan tỏa rộng rãi tại Việt Nam. Mỗi ngành nghề sẽ có những công cụ thích hợp trong bối cảnh kiến thiết đô thị, các doanh nghiệp có thể hướng tới xây dựng cơ sở vật chất tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với rủi ro khí hậu với bộ công cụ EDGE hay BRI của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), hay các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận GRESB - Chỉ tiêu chuẩn bền vững của ngành bất động sản toàn cầu.
Tuy vậy, doanh nghiệp cần chọn những bộ công cụ phù hợp với mình trong điều kiện của Việt Nam mà vẫn được quốc tế công nhận. Việc theo đuổi quá nhiều loại chứng chỉ và không phù hợp có thể dẫn đến tác dụng ngược, làm giảm hiệu quả đầu tư và nản chí những người thực hiện.
Đòn bẩy từ việc hợp tác và nỗ lực chung
Bên cạnh những nỗ lực và hoạt động của từng doanh nghiệp, việc hợp tác với các bên hữu quan trong khối công và khối tư đều mang lại những tác dụng đòn bẩy nếu được tập trung và chắt lọc.
Một doanh nghiệp không thể tách rời mình khỏi cộng đồng và cũng rất khó để tự thực hiện chiến lược bền vững nếu điều kiện môi trường xung quanh có quá nhiều rào cản. Vì vậy, tham gia tích cực và chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào cộng đồng doanh nghiệp bền vững sẽ mang lại lợi ích cho từng doanh nghiệp.
Song song với đó, duy trì đối thoại với chính quyền các cấp, các định chế tài chính cũng là tương tác quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính thích nghi của mình. Những nỗ lực chung sẽ giúp các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong việc cạnh tranh quốc tế, đồng thời cùng nhau thể hiện với thế giới về một thị trường Việt Nam năng động, từ đó càng thu hút dòng vốn xanh và dòng vốn cho các dự án liên quan tới khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cùng với cam kết đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển xanh và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Năm 2023, IFC dự kiến tăng mức đầu tư tại Việt Nam từ 2 tỷ USD lên tới 5 tỷ USD trong 2-3 năm tới. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét dành đến 7 tỷ USD cho các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ không thể thiếu những yếu tố, yêu cầu về phát triển xanh và thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam. Cũng trong năm qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Quỹ Tài chính Đổi mới cho khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương (IF-CAP), đóng góp vào tham vọng đã đề ra của ADB về 100 tỷ USD từ nguồn lực của mình để chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019-2030.