Ukraine cáo buộc Nga “tấn công quân sự”, giới đầu tư lưỡng lự

(ĐTCK) Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công mới ở Ukraine khiến giới đầu tư lại phải lo lắng. Trong khi đó, việc đặt cược vào ECB của giới đầu tư châu Âu dường như đã thất bại.
Đà tăng của phố Wall đã có dấu hiệu chững lại - Ảnh: Reuters Đà tăng của phố Wall đã có dấu hiệu chững lại - Ảnh: Reuters
Phố Wall có phiên biến động nhẹ hôm thứ Tư với việc các chỉ số chính giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, Dow Jones và S&P 500 vẫn có được sắc xanh nhạt, trong khi Nasdaq chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp và là phiên tăng thứ 11 trong 13 phiên gần đây, chuỗi tăng ấn tượng nhất kể từ tháng 10/2011.

Dù chỉ kịp hồi nhẹ cuối phiên để có được mức điểm tăng vừa đủ chuyển sắc xanh, nhưng chừng đỏ cũng đủ S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Phiên giao dịch thứ Tư, phố Wall được hỗ trợ bởi các cổ phiếu bán lẻ khi một số hãng công bố kết quả khả quan, vượt qua mong đợi.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn thận trọng khi nhìn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Diễn biến mới nhất về tình hình quốc gia Đông Âu này cho thấy, hy vọng về lệnh ngừng bắn giữ quân đội Chính phủ và quân lý khai có vẻ khá mờ mịt. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Belarut chiều 26/8, ngày 27/8, Ukraine đã cáo buộc Nga phát triển hoạt động quân sự mới và đưa quân vào Ukraine. Dĩ nhiên, phía Nga đã bác bỏ cáo buộc này.

Trên chiến trường, quân ly khai thân Nga với nhiều xe tăng và xe bọc thép, cùng pháo tự hành đã mở các cuộc phản công trên diện rộng và đẩy lùi quân Chính phủ ra khỏi nhiều vị trí chiến lược. Ukraine và phương Tây cho rằng, có bàn tay của người Nga trong các đợt pháo kích vào quân Ukraine, bởi quân ly khai chưa thể được đạo tạo để vận hành chính xác và thành thạo các pháp tự hành này. Tuy đưa ra các lời cáo buộc, nhưng cả Ukraine và phương Tây đều chưa đưa ra được chứng cứ chứng tỏ người Nga tham chiến ở Ukraine. Binh linh Ukraine cũng không biết họ đang chiến đấu với người Nga hay Ukraine đang ngồi trong xe tăng và xe bọc thép.

Những căng thẳng trên đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến phố Wall tỏ ra yếu đà trong phiên giao dịch thứ Tư.

Kết thúc phiên 27/8, chỉ số Dow Jones tăng 15,31 điểm (+0,09%), lên 17.122,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,10 điểm (+0,01%), lên 2.000,12 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,02 điểm (-0,02%), lên 4.569,62 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên biến động nhẹ ngày thứ Tư, trong đó, chứng khoán Đức quay đầu giảm điểm, còn chứng khoán Anh và Pháp chỉ có mức tăng nhẹ.

Việc giới đầu tư đặt cược vào khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tung ra gói kích thích định lượng trong cuộc họp tuần tới có vẻ như đã thất bại.

Reuters trích dẫn một nguồn tin từ ECB hôm thứ Tư cho biết, Ngân hàng sẽ không đưa ra gói kích thích kinh tế dạng QE như FED trong cuộc họp tuần tới, trừ khi lạm phát của khu vực đồng euro gồm 18 quốc gia thành viên lùi gần về với mức giảm phát.

Thông tin này đã giúp đồng EUR phục hồi trở lại so với đồng USD sau khi giảm xuống mức thấp 11 tháng do giới đầu tư đặt cược vào việc ECB sẽ có gói kích thích kinh tế trước đó.

Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn chưa hết hy vọng khi kinh tế của Italia đang ảm đạm và niềm tin tiêu dùng của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu lần đầu tiên suy giảm kể từ đầu năm ngoái.

Bên cạnh đó, mối lo về cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn luôn đeo bám, khiến giới đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn sau chuỗi phiên hưng phấn trước đó.

Những diễn biến căng thẳng ở Ukraine khiến mâu thuẫn giữa Nga và NATO trở nên căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cùng với đó là cuộc chiến trừng phạt kinh tế qua lại giữa Nga và phương Tây và việc Nga có thể ngắn nguồn khí cung cấp cho châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraine đang khiến châu Âu đang đối mặt với một mùa Đông lạnh giá.

Điều này cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch thứ Tư.

Kết thúc phiên 27/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,90 điểm (+0,12%), lên 6.830,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 18,44 điểm (-0,19%), lên 9.569,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 1,85 điểm (+0,04%), lên 4.395,26 điểm.

Phiên tăng điểm trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ đặc biệt là chỉ số S&P500 lần đầu tiên cán mốc 2.000 điểm đã tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á, nhất là chứng khoán Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã hồi nhẹ trong phiên thứ Tư sau khi điều chỉnh phiên trước đó. Chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại sau chuỗi giảm điểm do ảnh hưởng từ thông tin kinh tế kém tích cực.

Kết thúc phiên 27/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,60 điểm (+0,09%), lên 15.534,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 155,75 điểm (-0,62%), xuống 24.918,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,36 điểm (+0,11%), lên 2.209,47 điểm.

Giá vàng trong phiên thứ Tư cũng biến động nhẹ và chịu tác động từ các yếu tố trái chiều. Trong khi vai trò trú ẩn an toàn có tăng lên với nỗi lo về cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc chiến tại Iraq và Syria với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), thì lực mua kỹ thuật lại rất yếu, trong khi không có thông tin kinh tế nào được công bố, khiến giá vàng chỉ dao động nhẹ.

Giá vàng được dự đoán sẽ tiếp tục lình xình cho hết tuần này khi thị trường Mỹ sẽ nghỉ ngày lễ lao động vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 27/8, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD (+0,16%), lên 1.282,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,8 USD (-0,14%), xuống 1.283,4 USD/ounce.

Bất chấp đe dọa từ nguồn cung, nhưng do  nhu cầu vẫn chưa cao, nên giá dầu chỉ tăng nhẹ trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 27/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,02 USD (+0,02%), lên 93,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,22 USD (+0,21%), lên 102,72 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục