S&P 500 đạt đỉnh trong nuối tiếc

(ĐTCK) Với kỳ vọng ECB sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế, nhóm cổ phiếu tài chính vọt tăng mạnh, cùng với nhóm cổ phiếu công nghệ hỗ trợ S&P 500 thiết lập đỉnh cao mới, nhưng chỉ số này lại không giữ được chốt quan trọng lịch sử 2.000.
Chứng khoán Âu, Mỹ tăng mạnh khi đặt cược vào khả năng ECB sẽ đưa ra chương trình mua tài sản - Ảnh: Reuters Chứng khoán Âu, Mỹ tăng mạnh khi đặt cược vào khả năng ECB sẽ đưa ra chương trình mua tài sản - Ảnh: Reuters
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, phố Wall đã hồi phục trở lại sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước do lo ngại căng thẳng gia tăng tại Ukraine. Mặc dù căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này chưa lắng xuống, thậm chí còn căng hơn khi Kiev tuyên bố bắt được 100 lính dù Nga ở miền Đông. Ngoài ra, Ukraine cũng tố Nga giả quân ly khai xâm phạm Ukraine, nhưng Nga nhanh chóng phủ nhận cáo buộc này.

Diễn biến trên làm xa vời thêm hy vọng trong cuộc hội đàm vào thứ Ba nhằm kết thúc xung đột giữa quân nổi dậy thân Nga và quân đội Ukraine. Cuộc chiến đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, khiến mâu thuẫn Đông - Tây trở nên căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, bỏ qua những căng thẳng vẫn âm ỉ giữa Nga và Ukraine, cũng như mâu thuẫn Đông-Tây, giới đầu tư phố Wall vẫn tự tin trở lại với thị trường sau phiên lo sợ cuối tuần trước. Cổ phiếu công nghệ sinh học bị bán tháo hồi đầu năm đã trở lại vững chắc trong những tuần gần đây và là một trong hai nhóm chính hỗ trợ cho đà tăng của phố Wall.

Cùng với nhóm cổ phiếu công nghệ, nhóm cổ phiếu tài chính cũng vụt tăng mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, vốn đang gặp nhiều thử thách trên đường phục hồi.

Với những hỗ trợ trên, các chỉ số chứng khoán chính của phố Wall đều hồi phục khá, trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử, S& 500 leo lên mốc 2.000 điểm. Tuy nhiên, về cuối phiên, chỉ số này không thể giữ được mốc lịch sử quan trọng này, nhưng vẫn đóng cửa ở mức cao mới.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Dow Jones tăng 75,65 điểm (+0,44%), lên 17.076,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,52 điểm (+0,48%), lên 1.997,92 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,80 điểm (+0,41%), lên 4.557,35 điểm.

Chứng khoán châu Âu dĩ nhiên phản ứng tích cực hơn chứng khoán Mỹ với thông tin về khả năng ECB sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế. Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước tại Jackson Hole, Wyoming, Chủ tịch ECB Mario Draghi ám chỉ về khả năng sự thay đổi lớn trong chính sách của ECB. Nhiều nhà đầu tư đoán rằng, trong cuộc họp vào tuần tới, ECB sẽ đưa ra chính sách mua lại tài sản để chống lại khả năng giảm phát của khu vực đồng euro. Trừ thị trường chứng khoán Anh nghỉ lễ, còn lại chứng khoán Đức và Pháp đều tăng rất mạnh.

Kết thúc phiên 25/8, chứng khoán Anh nghỉ giao dịch. Chỉ số DAX tại Đức tăng 170,97 điểm (+1,83%), lên 9.510,14 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 89,31 điểm (+2,10%), lên 4.342,11 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục chịu áp lực giảm điểm do chỉ số MPI thất vọng được công bố cuối tuần trước, thì chứng khoán Nhật Bản lại leo lên mứ cao nhất 3 tuần rưỡi khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng so với đồng USD.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 74,06 điểm (+0,48%), lên 15.613,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 54,68 điểm (+0,22%), lên 25.166,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 11,54 điểm (-0,51%), xuống 2.229,27 điểm.

Trong khi chứng khoán hồi phục mạnh trở lại, thì giá vàng lại chịu áp lực giảm do đồng USD tăng giá. Giá kim loại quý đã trở lại hết những gì có được trong phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 25/8, giá vàng giao ngay giảm 4,6 USD (-0,36%), xuống 1.276,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,3 USD (-0,10%), xuống 1.278,9 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu có sự trái chiều. Nguồn cung dồi dào, cùng nhu cầu yếu khiến giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm giá, trong khi giá dầu thô Brent hồi nhẹ trở lại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với việc quân đội của Chính phủ Iraq, với sự hỗ trợ của cộng đồng các nước Arap và phương Tây đang phản công quyết liệt phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) và đẩy bật được phiến quân này sẽ khiến nguồn cung dầu được nối lại và giá dầu sẽ chịu áp lực giảm trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 25/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,30 USD (-0,32%), xuống 93,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,36 USD (+0,35%), lên 102,65 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục