Tỷ suất sinh lời của ngân hàng sẽ cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Đặc san Ngân hàng, ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating nhận định, lãi suất huy động trong năm 2024 nhìn chung sẽ thấp hơn so với mức bình quân của năm 2023, giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần và tỷ suất sinh lời.
Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating Ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating

Nếu nhìn vào báo cáo quý I/2024 và kế hoạch đặt ra tại đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, đâu là chỉ số mà các cổ đông cần lưu tâm theo dõi trong hoạt động của ngân hàng trong năm 2024, theo ông?

Trong quý I/2024, chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm, chủ yếu do phân khúc bán lẻ cũng như tỷ lệ xóa nợ thấp hơn. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên 2,2% từ mức 1,9% vào cuối năm 2023, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm xuống 86% so với mức đỉnh vào giữa năm 2022.

Nhiều chính sách của Chính phủ, cùng các quy định pháp lý mới nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ có hiệu lực, từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi suất thấp sẽ giảm bớt gánh nặng lãi vay, cải thiện khả năng trả nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành sẽ giảm xuống 1,7 - 1,8% trong năm 2024 từ mức đỉnh 5 năm là 1,9% vào cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu và diễn biến trên thị trường bất động sản là những yếu tố chính cần theo dõi trong chất lượng tài sản.

Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 15% năm 2024, các ngân hàng sẽ bám sát room tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, các ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh ở mức vừa phải cho năm 2024, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình là 17% từ mức thấp năm 2023. VPBank và một số ngân hàng vừa và nhỏ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, từ 50% trở lên, sau khi bị giảm đáng kể trong năm 2023. Trong quý I/2024, chi phí tín dụng thấp hơn do yếu tố mùa vụ, cùng với việc biên lãi ròng (NIM) giảm chậm lại đã hỗ trợ cải thiện nhẹ lợi nhuận của ngành. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) hàng năm của ngành trong quý I/2024 tăng lên 1,56%, tăng 0,08% so với mức của năm 2023.

Khả năng sinh lời sẽ được cải thiện với mức NIM cao hơn và tăng trưởng cho vay tốt hơn. Chi phí tín dụng vẫn sẽ ở mức cao do các ngân hàng cần cải thiện bộ đệm dự phòng từ mức đáy của năm 2023, nhất là các ngân hàng tư nhân quy mô vừa và nhỏ. Hấp thụ tín dụng và NIM là nhân tố chính cần theo dõi trong lợi nhuận của ngân hàng vào những quý tới.

Một số kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền được công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến mức an toàn vốn của ngân hàng. Trong số các kế hoạch tăng vốn mới được công bố, chỉ có LPBank đặt kế hoạch đáng kể thông qua việc phát hành cổ phiếu trị giá 8.000 tỷ đồng và nếu hoàn thành sẽ thúc đẩy đáng kể mức vốn cốt lõi của Ngân hàng.

VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 50% trong năm nay

VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 50% trong năm nay

Là một đơn vị phân tích về tài chính, theo ông, biến động lãi suất năm nay của ngành ngân hàng sẽ như thế nào và ảnh hưởng ra sao tới lợi nhuận của mỗi ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế còn phức tạp, NIM các ngân hàng trong nước giảm sâu trong năm 2023?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ nửa đầu năm 2023, tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2024 nhìn chung sẽ thấp hơn so với mức bình quân của năm 2023. Các ngân hàng sẽ có cơ hội điều chỉnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn về mức thấp hơn khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn trong năm 2024, giúp ngân hàng cải thiện NIM. Nhờ vậy, ROAA trung bình của ngành sẽ tăng nhẹ lên 1,7% năm 2024 từ mức 1,6% năm 2023.

Nhờ việc tiền gửi lãi suất cao huy động sau đợt tăng lãi suất quý IV/2022 đáo hạn, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã giảm đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân quy mô lớn lần lượt ở mức trung bình 4,8%/năm và 4,6%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 6,4%/năm và 6,6%/năm trong năm 2023. Tôi cũng kỳ vọng, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm đáng kể nhờ việc tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được phục hồi trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng thấp trong quý I/2024 cũng đưa đến sự kỳ vọng sự cải thiện nhu cầu tín dụng sẽ diễn ra trong các quý tiếp theo của năm 2024, bởi hoạt động kinh doanh trong nước phục hồi nhờ nhiều thay đổi về chính sách và quy định của Chính phủ, sẽ góp phần nâng cao lợi suất tài sản của các ngân hàng và hỗ trợ thúc đẩy NIM. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 14 - 15%, dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại trong nước, sản xuất, kinh doanh bất động sản, trong khi nhu cầu vay mua nhà cá nhân sẽ dần được phục hồi.

Trong các báo cáo trước đây của VIS Rating có đề cập nhiều về trái phiếu và đây là một gánh nặng cho các ngân hàng khi mua vào hay phân phối trái phiếu cho doanh nghiệp. Câu chuyện này tại các ngân hàng năm nay đang biến chuyển thế nào, thưa ông?

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ ở mức 14 - 15%, dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại trong nước, sản xuất, kinh doanh bất động sản, trong khi nhu cầu vay mua nhà cá nhân sẽ dần được phục hồi.

Quy mô trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu thuộc nhóm ngành bất động sản, mà các ngân hàng nắm giữ trên tổng cấp tín dụng đã giảm từ 1,9% trong năm 2022 xuống 1,6% trong năm 2023. Khó khăn về thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản, kết hợp với mặt bằng lãi suất tăng cao trong quý IV/2022 đã dẫn đến tình trạng chậm trả gốc/lãi trái phiếu gia tăng năm 2023. Trong vòng 12 tháng tới, chúng tôi đánh giá rủi ro tài sản từ việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng sẽ dần ổn định hơn, trong bối cảnh xu hướng chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới của các doanh nghiệp bất động sản chậm lại nhờ vấn đề thanh khoản được giảm bớt trong môi trường lãi suất thấp.

Trong khi đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp bất động sản trên tổng cấp tín dụng của các ngân hàng đã tăng lên 7,9% trong năm 2023, tăng 1% so với cuối năm 2022. Tôi đánh giá xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2024 để hỗ trợ nhu cầu vốn cho các chủ đầu tư và dự án mới, khi các rào cản pháp lý được tháo gỡ và phê duyệt pháp lý dự án được phục hồi nhờ vào các quy định mới liên quan đến bất động sản.

Đáng chú ý, các ngân hàng đã trở nên thận trọng hơn trong năm 2023 nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách giải ngân mới một cách có chọn lọc cho các nhà phát triển bất động sản hay các dự án có nền tảng tài chính tốt và pháp lý đầy đủ. Các ngân hàng cũng hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án và cơ cấu lại khoản vay, với việc tín dụng cho vay bất động sản tăng mạnh khoảng 30% trong năm 2023.

Vì vậy, kỳ vọng rủi ro tài sản từ cho vay bất động sản sẽ dần được ổn định hơn khi các doanh nghiệp bất động sản có được những phê duyệt pháp lý cần thiết để phát triển dự án và tiếp cận vốn tài trợ mới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một số ngân hàng tư nhân quy mô lớn với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn so với trung bình ngành (chiếm khoảng 6 - 8% tổng dư nợ tín dụng) có cấp tín dụng cho các khách hàng doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, một số công ty trong nhóm có liên quan đến các dự án bất động sản mang tính đầu cơ và/hoặc chậm trả gốc/lãi trái phiếu trong thời gian gần đây. Việc sử dụng đòn bẩy cao và dòng tiền phục hồi chậm của các doanh nghiệp trên sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngân hàng. Bất kỳ sự gia tăng rủi ro tín dụng tập trung nào cũng sẽ khiến các ngân hàng đó dễ bị tổn thương hơn trước các sự kiện tín dụng theo khách hàng lớn và gây ra tổn thất tín dụng lớn.

Trong năm 2024, hoạt động phân phối trái phiếu ở các công ty chứng khoán được kỳ vọng sẽ gia tăng, khi môi trường lãi suất thấp và việc giảm dần các trái phiếu chậm trả gốc/lãi sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một số trái phiếu mới phát hành có kết hợp bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng nhằm thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư và cải thiện hoạt động phân phối trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Khi các công ty chứng khoán tăng cường hoạt động phân phối trái phiếu cũng sẽ tăng cường bảo lãnh phát hành và cam kết mua lại trái phiếu đã phân phối cho các nhà đầu tư có nhu cầu. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng các rủi ro này sẽ được giảm thiểu phần nào nhờ vào sự hỗ trợ nguồn vốn cho vay cũng như từ các đợt tăng vốn gần đây của ngân hàng mẹ cho các công ty chứng khoán.

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục