Lãi suất tạo đáy, tỷ giá lập đỉnh?
Tuần qua, tỷ giá và lãi suất trên thị trường có diễn biến mới. Cụ thể, trong tuần, thêm nhiều ngân hàng nhập cuộc làn sóng tăng lãi suất. Đáng chú ý là, BIDV tăng lãi suất thêm 0,2% ở nhiều kỳ hạn. Đây là ngân hàng thứ hai trong nhóm Big 4 tăng lãi suất từ đầu năm đến nay, cùng với VietinBank.
Khối ngân hàng TMCP tư nhân cũng tiếp tục tăng lãi suất. CB là ngân hàng mới nhất tăng lãi suất huy động với mức tăng lên tới 0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có hơn nửa số ngân hàng trên thị trường tăng lãi suất, bao gồm CB, BIDV, VietinBank, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank. Trong đó, một số ngân hàng thậm chí tăng lãi suất vài lần trong tháng.
Không chỉ ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có động thái mới. Bắt đầu từ phiên giao dịch 23/4, NHNN đã nâng lãi suất trên kênh thị trường mở (OMO) từ 4% lên 4,25%/năm. Đồng thời, khối lượng bơm thanh khoản hỗ trợ qua kênh OMO tuần qua cũng tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, nâng lãi suất OMO là một trong những giải pháp được NHNN thực hiện nhằm giảm chênh lệch lãi suất USD - VND, giúp hãm phanh tỷ giá. Tính từ đầu năm tới cuối tháng 4/2024, tỷ giá VND/USD đã tăng gần 5%.
Ngược chiều với diễn biến lãi suất, tỷ giá trong phiên giao dịch cuối tuần qua có dấu hiệu hạ nhiệt từ đỉnh. NHNN không còn tăng tỷ giá trung tâm, trong khi tỷ giá bán ra tại các ngân hàng cũng dần giảm và không còn đứng ở mức kịch trần như trước.
Các động thái của NHNN như hút tiền đồng dư thừa trong hệ thống, tăng lãi suất trên kênh OMO, bán ngoại tệ can thiệp thị trường… được coi là nguyên nhân giúp tỷ giá hạ nhiệt. Tất nhiên, USD bớt căng thẳng còn do đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế cũng quay đầu giảm nhẹ.
Chọn tỷ giá hay lãi suất?
Diễn biến của tỷ giá, lãi suất được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đây là hai yếu tố quan hệ mật thiết tới chi phí đầu vào, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trước diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất lo lắng lãi suất cho vay sẽ gia tăng trong khi đơn hàng phục hồi chậm, mọi chi phí đầu vào đều tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại lo lắng nhiều hơn về tỷ giá. Mức biến động tỷ giá gần 5% trong 4 tháng đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp ước lỗ hàng trăm tỷ đồng vì tỷ giá.
Làm sao để duy trì tỷ giá ở mức thấp như hiện nay, song vẫn ổn định được tỷ giá là thế khó của nhà điều hành. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 8 năm, nhằm ổn định đồng nội tệ. Tại Việt Nam, NHNN khẳng định không tăng lãi suất điều hành, song cũng không thể hạ thêm nữa.
“Lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi phải điều hành hợp lý, vì lãi suất là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Chúng ta không thể hy sinh tỷ giá vì lãi suất, mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này, cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác. Việc hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô, NHNN không đặt mục tiêu điều chỉnh lãi suất thời điểm này”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Dù lãi suất điều hành có đứng im, mặt bằng lãi suất trên thị trường khó tránh khỏi xu hướng nhích lên. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất nhích lên là phù hợp, bởi lãi suất quá thấp, tiền gửi huy động thực âm sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Khi đó, ngân hàng sẽ phải đối mặt với bẫy thanh khoản. Điều này càng đáng lo trong bối cảnh tín dụng phục hồi.
Theo tính toán của ông Nghĩa, với tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên, song tiền gửi nhiều kỳ hạn đang ở mức dưới 4%/năm.
Thực tế, lãi suất huy động quá thấp khiến huy động vốn toàn hệ thống tính tới cuối quý I/2024 tăng trưởng âm, trong khi tín dụng tăng trưởng dương trở lại. Mặc dù vậy, diễn biến tỷ giá hay lãi suất còn phụ thuộc vào rất nhiều biến số của nền kinh tế trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cần quan sát thêm một số yếu tố thị trường trong thời gian tới, như thanh khoản hệ thống, tăng trưởng tín dụng, cung - cầu ngoại tệ…, thì nhà điều hành mới có thể đưa ra quyết định của mình. Dù có nhiều áp lực, song thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá nhịp nhàng, hiệu quả để biến động tỷ giá không quá lớn và mặt bằng lãi suất khá ổn định nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.
Điều hành tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định mà linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, đặc biệt là lạm phát ở Mỹ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không. Một số nước như Indonesia vừa tăng lãi suất điều hành… Tất cả những yếu tố trên đều được NHNN theo dõi sát sao.
Trong nước, bối cảnh thị trường cũng có những sức ép nhất định đến tỷ giá. NHNN sẽ vẫn tiếp tục mục tiêu xuyên suốt là chính sách tệ theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô.
- Bà Mai Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)