Hope Dairies Ltd., doanh nghiệp mà Hancock Prospecting Ltd. (do Rinehart là Chủ tịch HĐQT), nắm cổ phần chi phối đang thực hiện kế hoạch mua khoảng 5.000 héc-ta đất nông nghiệp ở bang Queensland (Úc) và đặt mục tiêu đi vào sản xuất vào quý II/2016, thông tin được đưa ra từ nhà đồng đầu tư và Giám đốc của dự án, Dave Garcia.
Kế hoạch này diễn ra trong bối cảnh các nhà khai thác mỏ Úc, trong đó có người sáng lập của Fortescue Metals Group Ltd. (FMG), nhà xuất khẩu quặng sắt lớn thứ ba nước Úc đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất thực phẩm để khai thác nhu cầu đang tăng cao của giới trung lưu châu Á. Xu hướng này đã thúc đẩy Rinehart, người phụ nữ giàu nhất châu Úc, bước vào cạnh tranh trên thị trường sữa công thức tại Trung Quốc, thị trường ước tính sẽ phình ra sau khi quốc gia đông dân nhất thế giới này nới lỏng chính sách dân số “một con” từ năm ngoái.
“Sẽ có thêm khoảng 50 triệu nhân khẩu gia nhập thị trường vào năm tới”, Garcia nói, “đó là cơ hội cho tất cả mọi người”.
Hope Dairies, được đặt theo tên mẹ của nữ tỷ phú Rinehart, đang tìm bãi chăn thả ở khu vực South Burnett của Queensland và đang lắp đặt nhà máy ở Mary Valley. Trang trại bò sữa, dự tính sẽ trở thành một trong những trang trại lớn nhất của Úc, có thể sản xuất tới 30.000 tấn sữa công thức một năm, Garcia trả lời phỏng vấn báo chí. Các cơ sở này cũng sẽ cung cấp sữa tươi tiệt trùng.
Tất cả đầu ra dự kiến sẽ được xuất sang Trung Quốc và Công ty sẽ có các đối tác đầu tư, trong đó có China CAMC Engineering Co., theo một nguồn tin liên quan tới thương vụ. Hope Dairies sẽ do Rinehart sở hữu 70%. Jason Morrison, một phát ngôn viên của Hancock Prospecting, tuyên bố.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 10/11 vừa nói rằng, dự kiến, Úc sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, động thái được cho là sẽ thúc đẩy xuất khẩu bơ sữa.
Thị trường sữa công thức của Trung Quốc được dự báo có thể đạt 26 tỷ USD vào năm 2017, gần gấp đôi con số 14 tỷ USD hiện tại, theo nhà xuất khẩu bơ sữa lớn nhất thế giới Fonterra Co-operative Group Ltd. Trung Quốc hồi tháng Năm năm nay đã thắt chặt các tiêu chuẩn trong việc nhập khẩu sữa công thức, sau những lo ngại về tình trạng sữa nhiễm bẩn. Hai sản phẩm xuất khẩu của Fonterra đã bị đình chỉ 15 tháng kể từ tháng 8/2013, sau nỗi lo nhiễm độc mà sau đó được chứng minh là không có cơ sở. Năm 2008, sữa bột sản xuất trong nước nhiễm chất hóa học melamine đã từng giết chết ít nhất 6 trẻ em Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu thụ sữa công thức ở Trung Quốc cũng đang được thúc đẩy bởi làn sóng đô thị hóa, các bà mẹ ở ngoại thành và thành phố ngày càng ít cho con bú như phụ nữ ở khu vực nông thôn, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các nhà đầu tư Úc sẽ nắm bắt lấy cơ hội và tài trợ cho các dự án đáp ứng nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đối với thực phẩm nâng cao và sản phẩm sữa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Úc, Barnaby Joyce cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn với báo chí.
Rinehart, Chủ tịch Hancock Prospecting gắn bó nhiều năm với nông nghiệp và có cả thời thơ ấu sống tại một nông trại ở miền Tây nước Úc. Bố của bà, Lang Hancock, nhờ phát hiện ra các mỏ quặng sắt tại Bang từ những năm 1950 đã trở thành nhà xuất khẩu sắt lớn nhất thế giới và giúp con gái mình trở thành người giàu nhất đất nước này.
Hancock hồi tháng Bảy đã mua 50% cổ phần của hai trang trại bò ở Tây Úc. Trong khi đó, tỷ phú Andrew Forrest, nhà sáng lập hãng thép Fortescue Metals hồi tháng Năm đã mua lại Harvey Beef, công ty duy nhất được cấp phép xuất khẩu bò sang Trung Quốc.
“Chính phủ Trung Quốc muốn làm ăn với chúng tôi”, Garcia nhận xét. “Họ đang muốn có nguyên liệu sạch, được kiểm định về an toàn và họ sẽ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu trong một khoảng thời gian khá dài”.
Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà đầu tư nước ngoài lẫn các nhà sản xuất sữa công thức nội địa đem đến rủi ro dư thừa nguồn cung tại Trung Quốc, các chuyên gia phân tích UBS AG nhận xét trong một báo cáo ngắn hôm 7/6.