CEO Publicis Groupe thua keo này, bày ngay keo khác

(ĐTCK) Đầu tuần này, Publicis Groupe SA, tập đoàn quảng cáo lớn thứ hai thế giới của Pháp đã chính thức thông báo đạt được thoả thuận mua lại Sapient, hãng chuyên về quảng cáo kỹ thuật số (digital advertising) của Mỹ, với 3,7 tỷ USD hoàn toàn bằng tiền mặt.
 
Maurice Levy Maurice Levy

Quy mô của vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này không quá lớn và cũng không có tầm ảnh hưởng rộng trong lĩnh vực quảng cáo toàn cầu, song vẫn thu hút được sự quan tâm đáng kể của báo giới và các nhà đầu tư vì một vài lẽ sau.

Thứ nhất, vụ M&A này được coi là chiến công của cá nhân ông Maurice Levy, 72 tuổi, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) Publicis Groupe. Đây có thể là thương vụ lớn cuối cùng của ông Maurice Levy trên cương vị lãnh đạo Publicis Groupe, bởi ông dự định nghỉ hưu vào năm tới.

Thứ hai, vụ này còn được coi là thắng lợi, nhất là xét trong bối cảnh vụ M&A “khủng” có trị giá lên tới 35 tỷ USD giữa Publicis Groupe và Omnicom Inc., tập đoàn quảng cáo lớn thứ 3 thế giới của Mỹ đã chính thức đổ bể hoàn toàn vào tháng 5 năm nay. Trước đó, vào tháng 8/2013, lãnh đạo 2 bên đã đạt được thoả thuận sáp nhập để vượt WPP, trở thành tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới. Thế nhưng, cuối cùng, cổ đông của 2 tập đoàn đã không thông qua với lý do tập đoàn mới (dự định có tên là Publicis Omnicom) có quy mô quá lớn, lại hình thành từ 2 văn hoá công ty khác xa nhau, khó hoà hợp. Hơn nữa, nhiều khách hàng truyền thống của 2 tập đoàn này như Coca-Cola Co., PepsiCo, McDonald’s, Johnson & Johnson, Procter & Gamble…  đều lo ngại về xung đột lợi ích tiềm tàng. Chẳng hạn, Coca-Cola là khách hàng “ruột” của Omnicom, còn PepsiCo đã kết nhiều năm với Publicis. Cả hai đều phản ứng không thuận với vụ M&A này.

Tưởng rằng ông Maurice Levy khó gượng lại sau vụ đổ bể trên, vì tuổi đã cao, thì nay ông lại chứng minh cho thế giới thấy, ông hoàn toàn có khả năng “thua keo này, bày ngay keo khác”.

Trên giấy tờ, sau khi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý, Publicis Groupe sẽ có doanh thu hàng năm 8 tỷ euro (10 tỷ USD) với 75.000 nhân viên trên toàn cầu và sẽ là tập đoàn quảng cáo công nghệ số lớn nhất thế giới.

Còn xét về tổng thể, Publicis Groupe vẫn chưa thể vượt được WPP trong tương lai gần.  Có trụ sở chính tại Boston (bang Massachussett - Mỹ), Sapient hiện có khoảng 13.000 nhân viên, trong đó có tới 8.500 tại Ấn Độ. Ấn Độ và Mỹ là 2 thị trường chính của Sapient. Doanh thu năm 2013 của Sapient đạt 1,1 tỷ euro, tăng 14,1% so với năm 2012.

Ngay sau khi thông tin trên được loan báo, tại Sở GDCK Paris (Pháp), giá cổ phiếu của Publicis Groupe giảm 2,3% xuống còn 54,02 USD/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu của Sapient tại Sở GDCK Nasdaq - New York (Mỹ) lại tăng “kịch trần” tới 42% lên 24,59 USD/cổ phiếu.

Phản ứng này của thị trường cho thấy, giới đầu tư còn rất “lăn tăn” trước thương vụ M&A có phần hơi vội vã này.

Để trấn an dư luận, ông Maurice Levy đã lý giải, quảng cáo kỹ thuật số sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Năm 2013, doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số của Publicis Groupe chiếm 38,4% tổng doanh thu. Với việc mua lại Sapient, Publicis Groupe kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2018. “Vụ mua lại này sẽ góp phần tiết kiệm được khoảng 50 triệu euro (63 triệu USD) mỗi năm. Hơn nữa, số tiền bỏ ra để mua lại Sapient hoàn toàn nằm trong kế hoạch M&A của Tập đoàn, với ngân sách được dành tới 4 tỷ USD. Đây là thương vụ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên mọi phương diện và sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển mới. Thương vụ này sẽ tạo ra giá trị trong dài hạn, chứ không phải trong ngắn hạn”, ông Maurice Levy nhấn mạnh.

Hơn nữa, để củng cố lòng tin của cổ đông, ông cam kết có trách nhiệm lớn với thương vụ này bằng cách quyết định ở lại lãnh đạo Publicis Groupe đến năm 2017, thay vì về hưu vào năm 2015 như dự kiến.

Những tưởng không còn gì để nói thêm về vụ M&A thì giữa tuần này, khi trả lời phỏng vấn trang mạng Business Insider, ông Martin Sorrell, CEO của WPP, đối thủ chính của Publicis đã chọc tức ông Maurice Levy bằng cách ví với đại ý rằng, lãnh đạo Publicis đang hành động như con thiêu thân, hay đúng hơn như người thất tình khi bị người yêu “đá”, nên yêu vội, cưới vội để chứng minh là mình vẫn đắt giá… như ai (!?).

Trên blog của mình, ông Martin Sorrell cũng chẳng vừa, khi bốp chát lại với lời bình luận rằng: “Ông Martin Sorrell già rồi mà chẳng hiểu gì về tình yêu cả. Khi nói đến tình yêu, chuyện yêu đương thì cứ phải học tập người Pháp chúng tôi”.

Martin Sorrell, quốc tịch Anh, đã sáng lập ra WPP vào năm 1986, còn ông là Chủ tịch và CEO của Publicis từ năm 1987 đến nay. Hai ông đều là “cây đa, cây đề” trong làng quảng cáo. Với cách xử sự với nhau như vậy, thì đúng với câu ở phương Đông là “cải lão hoàn đồng”!  

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục