Xáo trộn
Từ tháng 12/2017, Thai Beverage - tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại 53,59% vốn Sabeco. Từ năm 2018, quá trình tái cơ cấu của 2 công ty này dưới sự chỉ đạo của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Sau nhiều lần trì hoãn và thay đổi, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT Sabeco đã có nghị quyết sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty vào ngày 21/7 tới, thay vì kế hoạch cũ là trong tháng 6/2018.
Chủ mới này đang “thay máu” Sabeco bắt đầu từ đại hội cổ đông bất thường vào tháng 4/2018 khi phê duyệt miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT (là ông Võ Thanh Hà, đại diện phần vốn của Bộ Công thương), Phó tổng giám đốc (ông Nguyễn Minh An) và bổ sung 2 thành viên khác vào HĐQT.
Còn tại CTCP Nước giải khát Chương Dương (Sá xị Chương Dương), đây là một trong những công ty có vị thế tại Việt Nam với các sản phẩm được khẳng định trên thị trường như sá xị, soda, rượu nhẹ có gas.
Trong đó, sản phẩm sá xị khẳng định vị thế độc tôn trên thị trường nước giải khát hương sá xị.
Với việc Tập đoàn Thai Beverage mua lại Sabeco, trong khi Sabeco góp 61,9% vốn vào Sá xị Chương Dương, thì vị tỷ phú Thái Lan này chính là ông chủ của Sá xị Chương Dương.
Theo Luật doanh nghiệp, đại hội cổ đông phải họp thường niên sau 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Cả Sabeco và Sá xị Chương Dương đều đã vượt rào quy định trên.Tổng giám đốc Sá xị Chương Dương, ông Võ Văn Thọ cho biết, phía công ty mẹ là Sabeco chỉ đạo Sá xị Chương Dương trích lập quỹ dự phòng thôi việc niên độ 2017. Tuy nhiên, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ âm 3 tỷ đồng, nên phương án này tạm thời chưa thực hiện bởi Ban lãnh đạo Công ty cho rằng sẽ làm tăng gánh nặng thua lỗ. Chưa kể, Sá xị Chương Dương không thể trích quỹ chia cổ tức 20% theo kế hoạch đã được thông qua.
Việc lỗ luỹ kế lần đầu tiên sau 12 năm niêm yết đủ cơ sở để Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa cổ phiếu SCD vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2018.
Kết quả kinh doanh quý I/2018 của Sá xị Chương Dương tiếp tục không khả quan khi lỗ 441,3 triệu đồng, cùng tổng doanh thu giảm 24,53% (khoảng 24,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Đợi chỉ đạo từ ông chủ mới
Ngày 22/6, HĐQT Sá xị Chương Dương ra thông báo hoãn tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2018 vào một ngày sớm nhất trong tháng 7, thay vì lịch đã chốt vào ngày 27/6.
Chưa kể, trước đó, Sá xị Chương Dương đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chấp nhận gia hạn tổ chức đại hội muộn 2 tháng so với kế hoạch dự kiến là trong tháng 4/2018.
Lý do, đợi chủ sở hữu mới của Sá xị Chương Dương chỉ đạo các vấn đề liên quan đến nhân sự của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới của Công ty.
“Các chỉ tiêu năm 2018 đã đề cập trong báo cáo thường niên 2017 là chưa khả thi và chưa được chủ sở hữu xem xét phê duyệt”, bản giải trình việc thay đổi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 đăng ngày 28/6 của Sá xị Chương Dương ghi rõ.
Tổng giám đốc Sá xị Chương Dương gọi năm 2017 là năm “định hình lại sự phát triển”, nên chỉ đạt được một số thành tựu đầu tiên trong chiến lược dài hạn.
Thế nên, doanh thu thuần cả năm chỉ đạt 77,5% kế hoạch năm với 327,2 tỷ đồng, chưa kể khoản lỗ trước thuế gần 3 tỷ đồng.
Hàng loạt dự án đầu tư của Sá xị Chương Dương dang dở, bởi đợi chỉ đạo của công ty mẹ là Sabeco. Tháng 3/2018, HĐQT Sabeco đã phê duyệt phương án cho Sá xị Chương Dương thuê đất tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.
Đến nay, dự án này vẫn “bất động” chờ các chỉ đạo chính thức khác từ Sabeco mới có thể tiến hành các bước tiếp theo. Việc này kéo theo ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển nhượng 80.000 m2 của Sá xị Chương Dương tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (Bình Dương).
Ngoài ra, xưởng sản xuất tại khu đất 1.314 m2 mà Sá xị Chương Dương thuê của Nhà nước tại 193 - Kinh Dương Vương (quận 6, TP.HCM) đã hết hạn thuê và chưa được ký lại.
Thêm vào đó, văn phòng giới thiệu và trưng bày sản phẩm tại quận Tân Phú đã hoàn thành xây dựng từ năm 2011, nhưng từ đó đến nay chưa được khai thác như kế hoạch và được Sá xị Chương Dương cho thuê với giá 600 triệu đồng/năm.
HĐQT Sá xị Chương Dương cho rằng, những thiết bị đầu tư từ những thập kỷ trước hiện không còn đáp ứng yêu cầu sản xuất khiến họ yếu thế trong cuộc cạnh tranh về giá sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo Ban Kiểm soát của Sá xị Chương Dương, 5 năm qua, Công ty chưa có chiến lược rõ ràng về đầu tư, sản phẩm. Sự yếu thế trong hoạt động quảng bá khiến thương hiệu bị lu mờ, người tiêu dùng không biết đến sản phẩm nào khác ngoài sá xị.
Theo Luật Doanh nghiệp, đại hội cổ đông phải họp thường niên sau 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng, nghĩa là, phải họp đại hội cổ đông thường niên muộn nhất vào ngày 30/6. Tuy vậy, cả Sabeco và Sá xị Chương Dương đều đã vượt rào quy định trên.
Chưa kể, khi đã qua hơn nửa năm kinh doanh, ban lãnh đạo các công ty này mới đưa ra kế hoạch kinh doanh của cả năm.