Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống Nam A Bank đến nay là 1,29%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank đã chia sẻ những thông tin và định hướng về công tác triển khai Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu tại Nam A Bank.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống Nam A Bank đến nay là 1,29%

Những con số ấn tượng

Ông Tâm cho biết, Nam A Bank đã cơ bản thực hiện tốt việc xử lý nợ xấu, giai đoạn 2016-2020 với tỷ lệ nợ xấu nội bảng trung bình là 0,83%. Đối với năm 2022, mặc dù 2 năm qua do ảnh hưởng nặng nề từ Dịch Covid-19 và các yếu tố kinh tế vĩ mô phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực nhất định, nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống Nam A Bank đến nay là 1,29% và luôn được kiểm soát rất tốt.

“Việc xử lý nợ xấu hiệu quả của Nam A Bank và nhiều ngân hàng khác trong thời gian qua là nhờ định hướng và hỗ trợ từ việc kịp thời áp dụng các cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Từ cơ chế mua bán nợ với Công ty VAMC, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng của Dịch Covid-19”, ông Tâm nói

Đáng chú ý, ông Tâm cho biết, Nam A Bank đã thực hiện tương đối thành công Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được NHNN phê duyệt, với các chỉ tiêu cụ thể như: tổng tài sản tăng hơn 279%; vốn điều lệ tăng 51%; huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 332%; tổng dư nợ tăng 327%; lợi nhuận trước thuế tăng gần 22 lần; CAR luôn duy trì và bảo đảm trên 9,5%.

“Ngân hàng đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM, cơ cấu lại danh mục khách hàng (tránh tập trung), cơ cấu quản trị điều hành ngân hàng theo chuẩn mực hiện đại. Đặc biệt, sớm triển khai chuyển đổi số, đã đưa công nghệ robot vào hoạt động ngân hàng, bước đầu chuyển đổi mô hình tín dụng xanh”, ông Tâm nói.

Đối với giai đoạn tiếp theo 2021-2025, trên cơ sở Đề án Cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, ông Tâm cho biết, Nam A Bank tổ chức triển khai xây dựng và triển khai Đề án cho Ngân hàng theo quan điểm kế thừa và củng cố thành quả đạt được giai đoạn trước đó. Phát huy, sáng tạo và năng động triển khai các nội dung mới của Đề án mới gắn với tình hình thực tế của thị trường và yêu cầu quản lý Nhà nước với NHNN.

Theo đó, các chỉ tiêu cơ bản đạt được trong giai đoạn thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 tại Nam A Bank là tăng gấp 2 lần vốn điều lệ so với lộ trình ĐHĐCĐ Nam A Bank đã phê duyệt (ước đạt 2025 đạt 15.000 tỷ). Tổng tài sản, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2016-2020. Huy động và cấp tín dụng tăng 1,8 - 2 lần. Lợi nhuận trước thuế tăng 2,5 lần. CAR bảo đảm duy trì mức 11-12%. Mạng lưới đơn vị kinh doanh tăng 1,5 lần, trong đó mô hình các Điểm giao dịch Số tăng 80%.

Dùng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tham gia nghiệp vụ thị trường mở

Để có được những kết quả trên, ông Tâm cho biết, quá trình triển khai Đề án dựa trên các định hướng nhất quán, cơ bản.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại mạnh mẽ, trọng tâm, trọng điểm hệ thống quản trị điều hành, mô hình kinh doanh. Theo đó, Nam A Bank chủ trương thực hiện sớm, có trọng tâm và hiệu quả các chuẩn mực quản trị theo các trụ cột Basel, đó là áp dụng sớm Basel 3, triển khai và áp dụng toàn diện Basel 2 nâng cao.

Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống khách hàng, tránh tập trung tín dụng, đặc biệt với tín dụng cho các ngành, lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán…; hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực thế mạnh: năng lượng tái tạo, xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh… Tiếp tục tham gia tái cơ cấu với 3 quỹ tín dụng nhân dân theo chủ trương của Chính phủ và NHNN.

“Tiếp tục triển khai chuyển đổi số ngân hàng, chuyển đổi mô hình hoạt động Ngân hàng định hướng Ngân hàng xanh – Tín dụng xanh. Niêm yết cổ phiếu NAB lên Sở giao dịch chứng khoán trong thời gian ngắn sắp tới”, ông Tâm nói.

Thứ hai, nâng cao năng lực, tiềm lực tài chính, chất lượng nhân sự. Trong đó, tăng vốn điều lệ ngân hàng đến năm 2025 đáp ứng yêu cầu của NHNN. Bảo đảm tuân thủ đúng các chỉ số an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đặc biệt là chỉ số Car, LDR… Củng cố hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động các đơn vị kinh doanh đã mở, mở mới…

Thứ ba, chủ động và quyết liệt xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu. Nam A Bank sẽ tích cực và chủ động xử lý quyết liệt nợ xấu, nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu, bảo đảm ở mức dưới 3% theo quy định của NHNN. Gồm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,21%, nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng dưới 1,96%; nợ xấu và nợ bán VAMC dưới 3%; tiếp tục xử lý chủ động với dư nợ cơ cấu theo Thông tư 01, tránh phát sinh nợ xấu.

“Đa dạng hóa giải pháp, biện pháp xử lý nợ và tận dụng hết khả năng các thể chế, cơ chế xử lý nợ như Nghị quyết 42, Bán nợ cho VAMC, sàn giao dịch mua bán nợ xấu…”, ông Tâm nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, Tổng giám đốc Nam A Bank đã đề xuất Chính phủ và NHNN một số kiến nghị liên quan việc triển khai Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Cụ thể, cho phép tiếp tục kéo dài và bổ sung phạm vi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội trên cơ sở kế thừa và phát huy tính chất đột phá của Nghị quyết 42 hiện nay để áp dụng cho toàn bộ nợ xấu phát sinh của hệ thống các TCTD và quy định rõ hơn cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đối với các dự án bất động sản.

Theo ông Tâm, sửa đổi có tính linh hoạt hơn đối với quy định trong điều kiện mua bán nợ của VAMC nhằm tạo điều kiện cho các TCTD nhanh chóng tiếp cận kênh này khi xử lý nợ xấu như, được bán nợ cho VAMC trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu đang dưới 3%, nợ xấu có một phần là tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm… Cho phép dùng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tham gia nghiệp vụ thị trường mở.

“Hoàn thiện thể chế pháp luật về Ngân hàng số đi cùng sự ghi nhận và phát triển các nghiệp vụ của Ngân hàng số. Cần đánh giá và xây dựng cơ chế tập trung nguồn lực ứng phó với rủi ro thị trường đảm bảo an toàn hệ thống. Ví dụ như luật hóa việc thành lập Quỹ an toàn hệ thống, Quỹ phòng hộ tài chính với đóng góp từ các TCTD (dùng nguồn lực xã hội hóa)”, ông Tâm nói.

“Bên cạnh thực hiện các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Nam A Bank cũng nhận thức sâu sắc và cam kết rõ ràng rằng việc xử lý nợ xấu đã, đang và sẽ luôn phải bảo đảm thực chất, hiệu quả và phản ánh đúng tính chất nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Nam A Bank khi triển khai Đề án và nhằm hướng tới sự bền vững an toàn thực chất cho hoạt động của Nam A Bank”, ông Tâm nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục