Trước xu hướng số hóa của hệ thống ngân hàng hiện nay, ông có nhận định gì?
Hoạt động số hóa của ngành ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là trong và sau dịch Covid-19. Những chuyển biến phức tạp của đại dịch đã khiến xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi nhanh hơn.
Điều này cũng đặt ra những thách thức to lớn cho các ngân hàng khi phải nhanh chóng thích nghi và chuyển mình theo xu hướng số hóa, cũng là động lực để các ngân hàng “nâng cấp” trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng khi ban hành hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và hàng loạt chính sách khác. Những kế hoạch này cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng vừa là thành tựu, sản phẩm, dịch vụ hiện đại mang đến cho khách hàng, vừa là quy trình quản trị liền mạch từ bên trong nội bộ ngân hàng. Đồng thời, xu hướng sẽ chuyển đổi từ số hóa sang sáng tạo số nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành, mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định rằng, trên hành trình số hóa, hệ thống ngân hàng Việt đang ở giai đoạn đầu và có khoảng cách không nhỏ so với hệ thống ngân hàng số thế giới? Theo ông, tiến về phía trước, hệ thống ngân hàng Việt sẽ đối mặt với những trở ngại gì?
Mặc dù được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng và năng động nhất trong khu vực và trên thế giới, đồng thời bước đầu gặt hái được thành quả nhất định, nhưng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức trong hành trình số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Những trở ngại chính như tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong dân vẫn ở mức khá cao; chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa còn nhiều hạn chế; sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước liên quan đến số hóa còn thấp… Song song với đó, làn sóng số hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, công nghệ thay đổi liên tục buộc các ngân hàng phải đầu tư nhân lực và chi phí ngày càng lớn.
Dẫu vậy, Việt Nam với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet thuộc tốp đầu khu vực, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong quá trình số hóa…, những yếu tố này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành ngân hàng.
Với mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu trong việc triển khai mô hình tài chính toàn diện, số hóa luôn là chiến lược mũi nhọn để Nam A Bank mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi luôn quan tâm và chú trọng đến hành trình trải nghiệm, nghiên cứu liên tục về hành vi và thói quen tiêu dùng, từ đó đưa ra nhiều giải pháp và công nghệ ưu việt giúp khách hàng có trải nghiệm trọn vẹn và liền mạch nhất.
Chúng tôi tin rằng, khi đặt khách hàng làm trọng tâm, lợi ích cộng đồng lên trên hết, chúng ta sẽ luôn tìm ra những giải pháp sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức phía trước.
Hiện có nhiều mô hình số hóa lĩnh vực ngân hàng. Ông có thể cho biết, các ngân hàng Việt đang lựa chọn hướng đi nào và vì sao?
Đúng là mô hình số hóa lĩnh vực ngân hàng hiện khá đa dạng và theo quy luật, sẽ có mô hình không thành công và bị loại bỏ. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển mô hình số hóa là hoạt động tất yếu của ngân hàng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngân hàng nào không thực hiện cũng đồng nghĩa với việc tự chấp nhận bị bỏ lại phía sau.
Nhiều ngân hàng hiện đại trên thế giới đã xây dựng mô hình số hóa khác biệt, qua đó giúp các hoạt động tài chính - ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, các quốc gia như Mỹ, Colombia, Brazil, Malaysia, Kenya, Ấn Độ… đã áp dụng mô hình đại lý ngân hàng số, xóa bỏ khoảng cách từ ngân hàng đến người dùng, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ một cách thuận tiện mà không cần phải đến chi nhánh ngân hàng truyền thống. Đại lý ngân hàng số đã giúp các ngân hàng mở rộng và quản lý hệ thống của mình, tiếp cận hàng triệu khách hàng trên khắp thế giới bằng công nghệ hiện đại.
Nắm bắt xu hướng trên, các ngân hàng Việt đã sớm đưa công nghệ vào chiến lược phát triển và ứng dụng nhiều mô hình số hóa trên thế giới vào thị trường trong nước. Trong đó, sản phẩm, dịch vụ được số hóa mang hàm lượng công nghệ cao, giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm, dần thay đổi thói quen giao dịch truyền thống bằng các phương thức hiện đại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nhanh chóng số hóa công tác vận hành, tăng cường các ứng dụng như workplace, paperless… để tối ưu hóa chi phí vận hành.
Vậy Nam A Bank áp dụng mô hình số hóa nào?
Nam A Bank sẽ không áp dụng bị động theo bất cứ mô hình số hóa sẵn có nào, mà sẽ tạo ra một mô hình riêng phù hợp với nội tại của Ngân hàng, chuyển đổi số tương thích với chuyển đổi mô hình kinh doanh và tiếp cận khách hàng theo hướng đa phương tiện, nhiều điểm chạm.
Điều này có nghĩa là Nam A Bank sẽ gia tăng mức độ phục vụ khách hàng một cách đa dạng thông qua hệ thống kênh phân phối hiện đại (Onebank, ATM, POS, Open Banking, Tabsale...), đồng thời mở rộng hơn nữa qua kênh đối tác để gia tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng hệ sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bán hàng, kết nối khách hàng mọi lúc, mọi nơi, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Nam A Bank khẳng định sự khác biệt bằng việc số hóa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ, quy trình vận hành, hệ thống phân phối… để xóa bỏ mọi cách biệt về không gian và thời gian.
Trong công tác vận hành, Nam A Bank sẽ tiếp tục tăng cường số hóa quy trình làm việc nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian, nhân viên được cung cấp các công cụ và phương thức làm việc trên nền tảng số, giúp quá trình chăm sóc và tiếp cận khách hàng đạt hiệu quả tối ưu.
Song song với đó, Nam A Bank cũng sẽ phát huy các thế mạnh của Ngân hàng, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, sự năng động, sáng tạo, cộng với cơ sở vật chất hiện đại được đầu tư bài bản và đồng bộ. Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục được xây dựng và củng cố dựa trên 2 nền tảng chính là nhân lực và công nghệ.
Nắm bắt cơ hội thị trường và bằng sức mạnh nội tại, sự đổi mới sáng tạo và bản lĩnh, đoàn kết của tập thể, Nam A Bank sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu trong việc triển khai mô hình tài chính toàn diện ở tầm quốc gia và khu vực.